Văn hóa truyền thống, Nhân sinh cảm ngộ

Thuận thời mà dưỡng – bí quyết dưỡng sinh theo 12 thời thần

14/07/25, 16:27
Thuận thời mà dưỡng - bí quyết dưỡng sinh theo 12 thời thần
Thuận thời mà dưỡng - bí quyết dưỡng sinh theo 12 thời thần (ảnh minh họa: Humspa)

Người xưa chia 24 giờ thành mười hai thời thần, mỗi thời tương ứng với sự vận hành của tạng phủ và kinh lạc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Cổ nhân có câu: “Thiên nhân hợp nhất, thuận thời nhi dưỡng”-  tức là con người và trời đất vốn là một thể hòa hợp, do đó con người nên thuận theo thiên thời mà dưỡng sinh. Người xưa chia 24 giờ thành mười hai thời thần, mỗi thời tương ứng với sự vận hành của tạng phủ và kinh lạc, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe thể chất và tinh thần.

Việc điều chỉnh nhịp sống, ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp với từng thời thần không chỉ giúp cơ thể tự điều chỉnh và hồi phục tốt hơn, mà còn góp phần tăng cường miễn dịch, phòng ngừa bệnh tật.

Vậy làm thế nào để thuận theo quy luật tự nhiên, dưỡng sinh đúng tiết khí và thời điểm? Hãy cùng nhau khám phá trí tuệ dưỡng sinh ẩn chứa trong mười hai thời thần. 

Dưỡng sinh theo thời thần, phục hồi khí huyết và thanh lọc tạng phủ

Giờ Tý (23h–1h): Ngủ sâu để nuôi dưỡng dương khí

Đây là thời điểm bắt đầu một ngày mới, khi âm khí đạt cực điểm và dương khí vừa mới xuất sinh. Lúc này, cơ thể nên bước vào trạng thái ngủ sâu để bảo vệ dương khí mới hình thành.

Những người đi ngủ trước giờ Tý thường sẽ tỉnh dậy với đầu óc minh mẫn và sắc mặt hồng hào, tràn đầy sinh khí.

Giờ Sửu (1h–3h): Ngủ sâu để dưỡng gan, thải độc và phục hồi

Thời thần này kinh gan hoạt động mạnh nhất, gan tiến hành tuần hoàn máu và giải độc cho cơ thể.

thời gian; canh giờ; dưỡng sinh
Thuận theo thời thần, giờ Sửu chúng ta nên ngủ sâu giấc để nuôi dưỡng và bảo vệ gan khỏe mạnh (ảnh minh họa: Choc)

Ngủ sâu trong khung giờ này giúp gan phục hồi và nuôi dưỡng huyết, giúp cơ thể khỏe khoắn, tinh thần minh mẫn, da dẻ hồng hào. Ngược lại, nếu thức khuya trong thời điểm này, gan sẽ bị ảnh hưởng, dễ gây mệt mỏi, cáu gắt và suy giảm sức khỏe.

Giờ Dần (3h–5h): Ngủ sâu để dưỡng phổi, tăng cường chức năng hô hấp

Đây là thời điểm kinh phổi hoạt động mạnh nhất, khí phổi đạt mức cao nhất. Lúc này, cơ thể điều hòa hô hấp, phục hồi chức năng phổi và thúc đẩy khí huyết lưu thông toàn thân.

Người thường xuyên thức dậy sớm nên điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe của phổi.

Giờ Mão (5h–7h): Uống nước làm sạch ruột, thúc đẩy thải độc

Giờ Mão là thời điểm kinh đại tràng hoạt động mạnh nhất, được xem là “khung giờ vàng” cho việc đào thải độc tố.

Việc uống một cốc nước ấm sau khi thức dậy lúc bụng đói sẽ giúp kích thích nhu động ruột, hỗ trợ làm sạch đường tiêu hóa và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể.

Giờ Thìn (7h–9h): Bồi bổ cơ thể, bảo vệ dạ dày và nuôi dưỡng tỳ vị

Giờ Thìn là lúc kinh vị hoạt động mạnh, khí của dạ dày ở trạng thái vượng nhất, khả năng tiêu hóa và hấp thu thức ăn đạt mức tối ưu. Vì vậy, bữa sáng nên giàu dinh dưỡng, giàu protein và chất xơ như ngũ cốc, trứng, và món ăn ấm nóng; tránh đồ ăn gây kích thích để không làm tổn thương niêm mạc dạ dày.

Giờ Tỵ (9h–11h): Kiện tỳ, hỗ trợ tiêu hóa và duy trì vận động hợp lý

Trong khoảng thời gian này, kinh tỳ hoạt động mạnh, đóng vai trò chính trong việc chuyển hóa thức ăn thành dưỡng chất.

Để nuôi dưỡng tỳ vị tốt, lúc này nên tránh ăn quá no hoặc dùng thực phẩm sống lạnh; đồng thời duy trì vận động vừa phải, không nên ngồi lâu khiến ảnh hưởng sự vận hành của khí cơ. 

Thuận theo thiên thời, cân bằng thân tâm

Giờ Ngọ (11h–13h): Dưỡng tâm tĩnh thần, nghỉ trưa hợp lý

Giờ Ngọ là thời điểm kinh tâm hoạt động mạnh, tuần hoàn máu diễn ra mạnh mẽ.

thời gian; canh giờ; dưỡng sinh
Dưỡng sinh theo 12 thời thần (ảnh minh họa: Chánh Kiến)

Nên nghỉ trưa khoảng 20–30 phút để giúp phục hồi tinh lực và bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Giờ Mùi (13h–15h): Ruột non hấp thu, điều hòa chức năng cơ thể

Trong giờ Mùi, kinh ruột non hoạt động mạnh, hấp thu chất dinh dưỡng từ bữa trưa và vận chuyển cặn bã xuống đại tràng.

Nên ăn trưa đúng giờ, tránh ăn quá nhiều đồ dầu mỡ để bảo vệ sức khỏe đường tiêu hóa.

Giờ Thân (15h–17h): Bàng quang thải độc, thích hợp vận động

Thời điểm này kinh bàng quang hoạt động mạnh, quá trình chuyển hóa nước trong cơ thể diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy bài tiết và thải độc qua đường tiểu.

Đây là thời điểm tinh lực sung mãn – là khung giờ vàng cho học tập, làm việc và luyện tập thể dục. Có thể vận động nhẹ như đi bộ, vỗ nhẹ vùng lưng để hỗ trợ quá trình thải độc.

Giờ Dậu (17h–19h): Dưỡng thận, bổ khí, giữ và nuôi tinh khí

Giờ Dậu là lúc kinh thận chủ vận, thận đảm nhận việc tích trữ khí tinh hoa và nuôi dưỡng toàn bộ lục phủ ngũ tạng.

Nên ăn các thực phẩm có tính bổ ấm như mè đen, hoài sơn, óc chó và kết hợp xoa bóp nhẹ vùng thận để tăng cường thận khí.

Giờ Tuất (19h–21h): Thư giãn thân tâm, giảm áp lực

Vào giờ Tuất, kinh tâm bào hoạt động mạnh, huyết khí dồn vào tâm bào.

Đây là thời điểm thích hợp để cơ thể và tinh thần thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc hoặc thiền định – giúp giảm lo âu và hỗ trợ giấc ngủ sâu. 

Giờ Hợi (21h–23h): Điều hòa khí cơ,  bước vào giấc nghỉ sâu

Giờ Hợi là lúc kinh Tam tiêu hoạt động mạnh. Tam tiêu có vai trò kết nối toàn bộ kinh mạch và duy trì dòng năng lượng lưu thông khắp cơ thể.

Lúc này thân nhiệt bắt đầu hạ, là thời điểm lý tưởng để đi ngủ. Trước khi ngủ, nên ngâm chân hoặc tập thở sâu để thư giãn thần kinh và cải thiện chất lượng giấc ngủ.

Trong nhịp sống hiện đại hối hả, việc nắm bắt đúng thời điểm dưỡng sinh thuận theo 12 thời thần không chỉ có thể phòng tránh bệnh tật, mà còn giúp cân bằng thân tâm, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo Sound of hope

x