Văn hóa truyền thống

Đạo quản lý, không gì quan trọng bằng việc an dân

22/09/21, 08:04
Viên quan chịu oan vì không muốn người dân tan cửa nát nhà
Viên quan chịu oan vì không muốn người dân tan cửa nát nhà (ảnh Epoch Times)

Làm quan là phải tạo phúc cho người dân, không được để dân tan cửa nát nhà; luôn đặt sự ấm no hạnh phúc của người dân lên hàng đầu.

‘Đạo quản lý, không gì quan trọng bằng việc an dân’

Trương Cứ, chính trị gia triều Minh từng nói rằng: “Đạo quản lý, không gì quan trọng bằng việc an dân”. An dân chính là an mình, quấy nhiễu dân thì cũng như là quấy nhiễu mình. 

Quan lại bình thường thì không hiểu rõ được cái lý này. Đám tham quan thì lại làm ngược lại; làm cho người dân khổ cực không chịu nổi, quản lý địa phương hỗn loạn. Cuối cùng thì tự mình cũng bị quấy nhiễu không thôi; thậm chí bị cách chức mà phải rời đi. Từ xưa đến nay, bao nhiêu lời giáo huấn đều là nói: Làm quan là phải tạo phúc cho dân, không được để cho dân tan cửa nát nhà.

Chuyện kể rằng, có một người ở Lạc Dương (nay là Lạc Dương, Hà Nam) tên là Nguyên Hiếu Chỉnh, khi còn nhỏ tính tình rất thiện lương. 10 tuổi thì cha mẹ đều mất, mấy người anh trai đã nuôi cậu khôn lớn. Nguyên Hiếu Chỉnh tính cách thân thiện, cùng với mấy người anh trai sống rất hòa hợp. Về sau mấy anh trai ra ở riêng, Nguyên Hiếu Chỉnh cũng không yêu cầu gì, một mình ra ngoài mưu sinh, được người ở trong tỉnh hết lời khen ngợi.

Khi Tùy Cao Tổ Dương Kiên làm thừa tướng Bắc Chu, Nguyên Hiếu Chỉnh từng đi theo giúp đánh dẹp quân phản loạn Uất Trì Huýnh. Bởi vì lập được nhiều chiến công hiển hách, nên được phong làm Hà Gian quận công. 

Tan cửa nát nhà; Tan cửa nát nhà là gì; Quan phụ mẫu là gì
Làm quan thì phải đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu (ảnh Chinese.efreenews)

Chịu oan khuất mà không biện bạch

Năm Khai Hoàng thứ 2 thời nhà Tùy (năm 582), ông chuyển sang làm tổng quản Nguyên Châu. Nguyên Hiếu Chỉnh trong thời gian tại chức thì có xảy ra việc một thương nhân bị đạo tặc trộm mất đồ. 

Người thương nhân nghi ngờ một người nào đó ở chỗ ông ta có liên quan đến việc này. Vì vậy đã đem anh ta đến chỗ Nguyên Hiếu Chỉnh yêu cầu xét xử. Nguyên Hiếu Chỉnh trong lúc tra hỏi nghi phạm, phát hiện nghi phạm đối đáp đều rất chính xác; cũng không thấy có chỗ nào đáng nghi. Ông thấy rằng người này hiển nhiên là bị oan uổng, vì vậy liền thả anh ta ra.

Quan phụ mẫu; Viên quan phụ mẫu; Công chính nghiêm minh
Xét xử công bằng, thả người bị oan (ảnh minh họa Epoch Times)

Thương nhân lại kiện lên trên, nói rằng Nguyên Hiếu Chỉnh đã bị kẻ trộm hối lộ, xử án sai lầm, phóng túng cho kẻ cắp. Vì vậy triều đình đã đặc biệt phái người đến điều tra việc này. Quan viên triều đình đã hỏi Nguyên Hiếu Chỉnh: “Ngươi vì sao lại tham tiền hối lộ, để cho kẻ trộm làm bậy?” Nguyên Hiếu Chỉnh cũng không biện bạch gì, đều nhận hết trách nhiệm về mình. Cuối cùng Nguyên Hiếu Chỉnh bị cách chức.

Không lâu sau đó, tên trộm thực sự lại tiếp tục gây án ở một địa phương khác và bị bắt. Hắn đã khai ra là trước kia có từng ăn trộm tiền của vị thương nhân nhưng hắn không hối lộ Nguyên Hiếu Chỉnh. Điều này chứng tỏ rằng Nguyên Hiếu Chỉnh bị oan khi bị buộc tội tham tiền hối lộ.

Tự nhận trách nhiệm về bản thân

Triều đình rất áy náy về việc này, Hoàng đế đã triệu Nguyên Hiếu Chỉnh vào cung, nói với ông rằng: “Ngươi là lão thần của triều đình, địa vị danh vọng đều rất cao. Ăn hối lộ, phóng túng đạo tặc cũng không phải là tội bình thường. Vì sao ngươi lại gánh chịu trách nhiệm này, cũng không biện bạch để tẩy oan cho mình?”

Nguyên Hiếu Chỉnh đáp: “Triều đình đem việc quản lý một châu giao cho thần. Thần lại không thể tiêu trừ đi hết đạo tặc ở trong châu, khiến tiền tài của người dân bị trộm mất. Đây là một tội của thần. 

Người dân vô tội trong châu bị phỉ báng. Thần cũng không giao việc này cho bộ tư pháp xử lý. Lúc ấy cảm thấy chân tướng sự việc là đơn giản, liền cứ thế thả người vô tội ra. Về sau lại phát sinh việc thần bị vu cáo. Đây hoàn toàn là do thần trước đây đã xử lý sự việc qua loa thiếu sót. Đây là tội thứ hai của thần. 

Thần xử án không coi trọng chứng cứ, không dùng văn thư pháp luật mà ước thúc chính mình; đến nỗi bị người khác hoài nghi. Đây là tội thứ ba của thần”. 

Chăm lo cho người dân; Tự nhận trách nhiệm về mình ; Tự nhận trách nhiệm về bản thân
Vị quan thanh liêm tự nhận hết trách nhiệm về mình (ảnh minh họa Epoch Times)

Làm quan thì không được để người dân tan cửa nát nhà

“Thần có ba tội như vậy, chẳng lẽ còn có thể thoái thác trách nhiệm được nữa sao? Nếu như lúc đó thần nói rằng mình không nhận hối lộ, thì triều đình sẽ lại phái quan viên tiếp tục đi điều tra việc này. Lúc ấy thì lại có người dân thiện lương vô tội bị bắt trói, chịu khổ tra vấn ở công đường. Thậm chí khiến cho người dân tan cửa nát nhà, đây cũng là tội của thần. Thần nghĩ đến một câu ca dao:

Phá gia huyện lệnh không tương xứng

Con cháu ba đời gặp tai ương;

Ác báo đến rồi tội khó thoát,

Chi bằng về nhà cấy ruộng nương!

Thần làm chủ của một châu, so với huyện lệnh thì lại còn lớn hơn. Huyện lệnh làm cho người dân tan cửa nát nhà đã là tội ác lớn. Thần làm châu quan thì tội ác còn lớn hơn gấp bội. Bởi vậy, thần thà rằng tự mình chịu oan khuất, còn hơn là làm một châu quan khiến người dân tan cửa nát nhà; cứ ‘chi bằng về nhà cấy ruộng nương’ cho xong. Cho nên khi đó thần cũng không có biện bạch gì cho mình”.

Hoàng đế nghe xong vừa cảm thán, vừa kinh ngạc, đã gọi Nguyên Hiếu Chỉnh là trưởng lão trung hậu. Sau đó Hoàng đế đã khôi phục lại chức quan cho ông.

Quan lại thời xưa được gọi là ‘quan phụ mẫu’, tức coi như là cha mẹ của dân, vậy nên nhất định không thể để người dân tan cửa nát nhà.

Theo Epoch Times

x