Nhân sinh cảm ngộ

“Bốn tính năm vị” của trái cây – hiểu đúng để dưỡng sinh hiệu quả

25/07/25, 17:15
“Bốn tính năm vị” của trái cây - hiểu đúng để dưỡng sinh hiệu quả
Trái cây có "tứ tính ngũ vị" (ảnh: FB)

Mọi người đều biết rằng nên ăn trái cây theo mùa, nhưng theo Đông Y, trái cây còn có “4 tính, 5 vị”, nếu hiểu rõ những đặc tính này sẽ giúp bạn dưỡng sinh hiệu quả. 

Vào mùa thu, trái cây theo mùa được bày bán với số lượng lớn, không chỉ phong phú về chủng loại mà giá cả cũng rất rẻ. Vì thế, những ai yêu thích trái cây thường sẽ ăn rất nhiều. Hơn nữa, những người hiểu về dưỡng sinh còn biết cách tận dụng tính chất của trái cây để điều hòa chức năng cơ thể.

Tuy nhiên, vẫn có rất nhiều người không biết rằng trái cây, cũng giống như thuốc trong Đông y, đều mang “bốn tính năm vị”, và có sự phân biệt giữa hàn và nhiệt.

Tứ tính ngũ vị của trái cây

Trong y học cổ truyền, trái cây được chia theo “tứ tính ngũ vị”. Tứ tính gồm: hàn tính, lương tính, ôn tính, nhiệt tính (lạnh, mát, ấm, nóng) và có thêm một loại là “bình tính”, nhưng vẫn được gọi chung là tứ tính.

Ngũ vị gồm: toan, khổ, cam, tân, hàm (chua, đắng, ngọt, cay, mặn). Mỗi loại tính và vị đều có công năng riêng biệt.

hoa quả; trái cây tươi; hoa quả theo mùa
Táo và nho là những loại hoa quả có tính bình (ảnh: Soundofhope)

Ví dụ, nếu ăn dưa hấu đúng cách, sẽ có tác dụng giải nhiệt mùa hè; ăn dâu tằm đúng cách sẽ có tác dụng dưỡng gan, thích hợp với người gan hư yếu. Do đó, chỉ khi hiểu rõ tính – vị của trái cây thì mới đạt được hiệu quả dưỡng sinh, hoặc phối hợp tốt với bác sĩ để chọn loại trái cây phù hợp nhằm hỗ trợ cải thiện bệnh tật.

Trong đó, các cặp như “hàn” với “lương”, hay “nhiệt” với “ôn” đều có tác dụng tương tự nhau, chỉ khác biệt ở mức độ mà thôi. Ví dụ như, tính “hàn” có mức độ mạnh hơn “lương” một chút.

Trái cây có tính lạnh hoặc mát thường có công dụng thanh nhiệt, hạ hỏa hoặc giải độc; có thể dùng để điều trị các chứng nhiệt như sốt, khô miệng, táo bón, mụn trứng cá và sợ nóng.

Ngược lại, những loại trái cây mang tính ấm hoặc nóng lại có công dụng làm ấm bụng, xua hàn khí và trợ dương; thường được dùng để chữa các chứng hàn như sợ lạnh, tiêu chảy, sắc mặt nhợt nhạt.

Còn những loại hoa quả có tính bình thì tác dụng tương đối ôn hòa, không gây lạnh cũng không gây nóng; ví dụ như nho và táo đều là loại mang tính bình.

Phân loại trái cây

Loại trái cây mang tính hàn – lương (lạnh -mát): khế, hồng, chuối, cà chua, kiwi, bưởi, quýt, dưa hấu, dưa lưới, lê, dâu tây, dâu tằm, măng cụt, thanh long, mía,…

Loại trái cây mang tính ôn – nhiệt (ấm – nóng): vải, nhãn, đào, mơ, anh đào (cherry), sầu riêng, táo tàu (táo đỏ), lựu…

hoa quả; trái cây tươi; hoa quả theo mùa
Vải có tính nóng, người có cơ địa nóng-khô không nên ăn nhiều (ảnh: Plantogram)

Những loại trái cây có tính cam – bình (ngọt – bình): nho, chanh vàng, cam ngọt, mận, xoài, táo, thơm (dứa), ổi, chanh dây, bơ, đu đủ, quất vàng….

Theo y học cổ truyền, thông thường người có cơ địa nóng – khô có thể ăn một lượng vừa phải trái cây có tính mát hoặc lạnh. Ngược lại, người có cơ địa hư hàn thì nên thận trọng khi chọn loại trái cây này, hoặc chỉ nên ăn ít.

Trái cây mang tính ôn hoặc nhiệt lại phù hợp với người có cơ địa lạnh yếu. Những loại trái cây có tính bình và vị ngọt thì phù hợp với nhiều người, nhưng cũng cần ăn có mức độ.

Ngoài ra, vì trái cây chứa nhiều acid hữu cơ, nên những người có tỳ vị yếu hoặc dư axit dạ dày cũng không nên ăn quá nhiều.

Những điều cần lưu ý 

Theo góc nhìn của y học cổ truyền, người khỏe mạnh ăn hoa quả thì không cần quá câu nệ về thời gian.Tuy nhiên, đối với một số người thì cần chú ý những điều sau:

1. Đối với những người tỳ vị hư yếu, nên ăn trái cây sau bữa sáng khoảng 2 tiếng – tốt nhất là sau 10 giờ sáng, khi dương khí trong cơ thể bắt đầu sinh trưởng, ăn lúc này giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn.

2. Trẻ em không nên ăn trái cây trong vòng 30 phút trước hoặc sau bữa ăn, để tránh ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa và hấp thu của hệ tiêu hóa.

3. Những người cơ thể yếu, sợ lạnh, người có tỳ vị hư hàn hoặc người cao tuổi được khuyến khích nên ăn trái cây nấu chín, hấp hoặc nấu thành canh. Cách này giúp giảm bớt tính hàn và sống, khiến trái cây trở nên dễ ăn hơn. Tuy nhiên, giá trị dinh dưỡng có thể bị giảm phần nào.

4. Đối với bệnh nhân tiểu đường, nên ăn trái cây vào khoảng giữa hai bữa chính để tránh tình trạng đường huyết tăng vọt sau bữa ăn.

5. Người đang trong quá trình giảm cân nên ăn trái cây trước bữa ăn để giúp tạo cảm giác no, từ đó hỗ trợ giảm lượng thực phẩm nạp vào cơ thể.

6. Đối với những người đang dùng thuốc, tốt nhất không nên ăn trái cây trong vòng 1 đến 2 giờ trước hoặc sau khi uống thuốc để tránh ảnh hưởng đến sự hấp thu thuốc hoặc gây ra những tác dụng phụ không mong muốn.

Theo Sound of hope

x