Phùng Đạo thời Ngũ Đại đã đưa ra một góc nhìn rất độc đáo để có thể nhận biết và đề phòng kẻ tiểu nhân, rất đáng cho chúng ta tham khảo.
“Vinh Khô Giám” còn được gọi là “Tiểu nhân Kinh”, là tác phẩm của Phùng Đạo thời Ngũ Đại. Ông đã trải qua 5 triều đại và 12 vị hoàng đế trong thời Ngũ Đại, làm quan hơn 40 năm. Phùng Đạo đã viết ra quan sát của mình về những kẻ tiểu nhân dưới một góc nhìn độc đáo, khuyên răn người đời sau nhận biết những kẻ tiểu nhân để tránh bị làm hại.
Tăng Quốc Phiên từng nhận xét: Một bộ “Vinh Khô Giám” tiết lộ những thủ đoạn của tiểu nhân và những thăng trầm của cuộc sống. Nó khiến kẻ tiểu nhân phải xấu hổ và quân tử phải kính sợ. Đó thực sự là một cuốn sách độc nhất vô nhị trong suốt 2.000 năm.
Nội dung chính
5 cách nhận biết kẻ tiểu nhân
1. Quân tử không có bè phái, cái họa của họ không có người trợ giúp. Tiểu nhân kết giao là vì lợi ích, cái lợi của họ là có người trợ giúp
Người quân tử không muốn kéo bè kết phái, trong khi những kẻ tiểu nhân có rất nhiều bạn bè vì danh vì lợi. Quân tử kết bạn là bằng tâm, kẻ tiểu nhân kết bạn là vì lợi. Cho nên, đối với quân tử, bằng hữu quý ở tinh chọn; Đối với tiểu nhân, bạn bè quý ở số lượng. Nếu một người xung quanh có nhiều bạn bè rượu chè đàn đúm, thì không nghi ngờ gì nữa, người đó là một kẻ tiểu nhân.
2. Người nhân từ thì dùng hành động để báo ân, kẻ tiểu nhân thì chỉ cảm ơn cửa miệng
Những người có lòng nhân từ nguyện ý dùng hành động để bày tỏ lòng biết ơn, trong khi những kẻ tiểu nhân thường chỉ cảm ơn bằng lời nói. Người xưa nói: “Nhận ân một giọt, báo ân một dòng”.
Người quân tử khi nhận ân huệ của người khác thì trong lòng tràn đầy lòng biết ơn, sẽ báo đáp bằng hành động thiết thực. Khi một kẻ tiểu nhân nhận được ân huệ từ người khác, sẽ cảm thấy mình đang chiếm được lợi ích, và chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để chiếm được nhiều hơn nữa, còn về việc trả ơn, thì họ hoàn toàn không để tâm đến. Nếu một người chỉ biết nói lời cảm ơn mà không muốn báo đáp thì đó rất có thể là kẻ tiểu nhân.
3. Người quân tử làm vui lòng những người ở dưới, khiến người trên không nghi ngờ danh dự của họ. Kẻ tiểu nhân làm vui lòng những người ở trên, không trừng phạt những kẻ xấu ác ở dưới
Người quân tử suy nghĩ cân nhắc đến người khác, nghĩ cách làm cho mọi người đều hài lòng, trong khi kẻ tiểu nhân chỉ tìm cách lấy lòng cấp trên. Việc một người lựa chọn suy xét đến quần chúng hay cho lãnh đạo cấp trên sẽ quyết định nhân phẩm của người đó. Quân tử sẽ vì lợi ích cho số đông mọi người, quan tâm đúng sai phải trái. Kẻ tiểu nhân chỉ nghĩ về tiền đồ của bản thân mình, họ chỉ quan tâm đến việc liệu lãnh đạo có hài lòng hay không. Nếu một người bóp méo sự thật và lấy lòng thượng cấp một cách mù quáng, thì chắc chắn anh ta là một kẻ tiểu nhân.
4. Quân tử không chịu khuất phục, giữ vững chí hướng của mình, tiểu nhân không chịu nổi những khốn khổ về thân thể
Quân tử không chịu nổi sự sỉ nhục về mặt tinh thần, tiểu nhân không thể chịu nổi những thống khổ về thể xác và vật chất. Mạnh Tử nói: “Xả sinh thủ nghĩa”, hàm ý là vứt bỏ, hy sinh tính mạng vì đại nghĩa. Đối với người quân tử, chí hướng và nguyên tắc của bản thân không thể bị ô uế hoặc chà đạp, họ coi tiết tháo và nhân nghĩa quan trọng hơn mạng sống. Đối với những kẻ tiểu nhân, họ có thể bán đứng nguyên tắc và lấy phẩm hạnh để mặc cả. Nếu một người quá coi trọng vật chất và quá xem nhẹ đạo đức, thì người ấy có thể bán rẻ nguyên tắc của mình để kiếm lời, chắc chắn đây là một kẻ tiểu nhân.
5. Quân từ nói lời từ tâm, tiểu nhân tấn công vào tâm, cách thức khác nhau, hiệu quả cũng khác nhau
Quân tử coi trọng quy tắc và nguyên tắc, họ tin tưởng và tuân theo những điều này. Những kẻ tiểu nhân sử dụng quy tắc như một công cụ, tìm kiếm những chỗ sơ hở để mưu lợi cá nhân. Nếu một người trong lòng không có chút kính sợ, coi đạo đức như lá chắn, coi giới hạn đạo đức là con bài mặc cả, thì người này chính là một kẻ tiểu nhân.
5 cách đề phòng kẻ tiểu nhân
1. Nhân nghĩa có thể xử phạt quân tử, nhưng lại bỏ qua tiểu nhân, không nên lạm dụng nhân nghĩa
Nhân nghĩa có thể xử phạt quân tử, nhưng lại dễ dàng buông tha cho kẻ tiểu nhân, cho nên, đối với kẻ tiểu nhân thì không thể khoan dung nhân nhượng để chúng làm càn. Đối với bậc quân tử thì có thể lấy đức báo ân, nhưng không thể lấy từ bi để dung nhẫn cho kẻ gian tà, lòng dạ tiểu nhân. Vì vậy, chúng ta có thể dùng nhân nghĩa để đối đãi với quân tử, nhưng đối với tiểu nhân thì cần phải tuyệt đối kiên quyết và nghiêm khắc trừng trị. Chỉ cần những việc bạn làm không hổ thẹn với lương tâm là được rồi.
2. Tiểu nhân sợ kẻ mạnh, kẻ xảo trá thường tự chuốc lấy thất bại
Tiểu nhân ức hiếp kẻ yếu và sợ kẻ mạnh, khi gặp người mạnh mẽ, cứng rắn hơn mình thì liền nhụt chí, lo sợ. Vì vậy, khi đối phó với một kẻ tiểu nhân, đừng sợ hãi, hãy dùng lý trí để đối đãi và cho họ biết rằng bạn không phải là một người yếu đuối, dễ dàng bị bắt nạt. Tiểu nhân khác với kẻ ác, họ có thể dùng thủ đoạn bỉ ổi để đạt được mục đích hay lợi ích cho mình, nhưng họ có thể không làm việc xấu, táng tận lương tâm. Do đó, chỉ cần chúng ta có thể mạnh mẽ, cứng rắn hơn họ, họ sẽ trở nên “hiền lành, ngoan ngoãn”.
3. Không biểu lộ tình cảm, không tiết lộ sự việc, thích ứng hoàn cảnh
Khi tiếp xúc với tiểu nhân, nếu không thể tránh làm việc với họ, bạn phải biết cách ẩn mình. Đừng dễ dàng bộc lộ quan điểm của bạn, đừng dễ dàng nói cho họ biết những điểm mạnh và điểm yếu của mình, cũng đừng bình phẩm về người khác trước mặt họ. Những lời nói vô tình của bạn có thể trở thành vũ khí để họ công kích bạn. Thích ứng với hoàn cảnh, biết ẩn mình và chờ đợi thời cơ thích hợp, như vậy mới có thể đối phó được những kẻ tiểu nhân.
4. Làm ra vẻ sợ hãi mà thực sự là nhẫn nại, bên ngoài cung kính bên trong kiêng nể, sẽ làm cho kẻ tiểu nhân không đề phòng
Trong lòng tức giận cũng đừng biểu hiện ra ngoài. Trong lòng kiêng nể họ, lại rất cung kính với họ, như vậy, cho dù người này có tâm tư xấu xa đến đâu cũng sẽ bị lừa. Đối mặt với tiểu nhân, bạn phải biết cách chế ngự tâm trạng mình, hãy học cách kiềm chế cảm xúc bản thân để họ cảm thấy bạn vô tích sự và kém cỏi, lâu dần họ sẽ buông lỏng cảnh giác và cảm thấy không cần thiết phải dở thủ đoạn với bạn.
5. Không cần nói lý lẽ, không cần khuyên nhủ tiểu nhân
Tiểu nhân không nói lý lẽ, cho nên việc thảo luận nguyên tắc đối với họ là điều vô nghĩa. Tiểu nhân hành xử theo thế giới quan riêng của họ, và họ không thể dùng lý lẽ để thuyết phục được. Vì vậy, đối mặt những người này, không nên giảng đạo lý với họ, ngoại trừ làm cho họ oán hận bạn ra thì chẳng có tác dụng gì. Tựa như loài côn trùng mùa hè không bao giờ trải qua mùa đông băng giá, làm sao có thể tưởng tượng được băng tuyết mùa đông? Tranh luận với họ chỉ thêm phí lời, và tốt nhất là chúng ta nên đi con đường riêng của mình.
Theo Vision Times