Dân tộc Thái sinh sống rải rác ở nhiều vùng, miền khác nhau. Ở mỗi vùng, từng nhóm người Thái lại có những kiểu trang phục truyền thống khác nhau phù hợp với phong tục tập quán, quan niệm thẩm mỹ…
- Chuyện của Diu: người phụ nữ dân tộc Thái mang niềm vui đến dân bản
- Trái đất đang tăng tốc độ tự quay, một ngày không còn đủ 24h
Mặc dù có nhiều nhóm người Thái khác nhau nhưng nhìn chung trang phục của họ thể hiện một số ảnh hưởng lẫn nhau. Tất cả đều tự hào về bản sắc riêng của mình và không ngừng giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Duyên dáng trang phục dân tộc Thái ở Sơn La
Ai đã từng lên Tây Bắc sẽ không khỏi ngẩn ngơ trước những cô gái Thái trong trang phục truyền thống với áo cóm, váy đen và khăn piêu. Trang phục của người Thái khéo léo làm tôn lên vẻ đẹp cơ thể của người con gái mà vẫn kín đáo, tế nhị.
Áo cóm được may ôm sát cơ thể, có hàng cúc bạc hình con bướm; chúng tượng trưng cho sự kết hợp nam nữ, sự trường tồn của nòi giống. Chiếc váy dài đen và chiếc áo cóm tạo nên sự mềm mại, thướt tha của người phụ nữ Thái. Thắt lưng bằng sợi tơ tằm hoặc cotton màu xanh, hồng hoặc tím sẫm; vừa để giữ váy vừa tạo điểm nhấn cho trang phục.
Chiếc khăn Piêu là vật dụng không thể thiếu của phụ nữ Thái, dùng để giữ ấm vào mùa đông và làm mát vào mùa hè. Chiếc khăn Piêu còn là vật chứng cho tình yêu đôi lứa; thể hiện sự khéo léo chăm chỉ của các cô gái Thái.
Phụ nữ Thái đeo rất nhiều đồ trang sức vừa để làm đẹp vừa để thể hiện sự quý phái của mình. Phụ nữ Thái trắng mặc áo cóm cổ thấp chữ V, tóc buộc sau gáy. Người phụ nữ Thái đen với chiếc áo cóm cổ cao, chít khăn Piêu, tóc vấn cao trên đỉnh đầu.
Trang phục của người phụ nữ Thái trắng đơn giản nhưng duyên dáng và thanh lịch, tôn lên vẻ đẹp chân chất, khiến cho hình ảnh người con gái Thái mang một nét đẹp rất riêng của miền sơn cước.
Nét đẹp trong trang phục truyền thống của dân tộc Thái ở xứ Thanh
Trang phục của phụ nữ Thái ở xứ Thanh là một trong những nét đẹp văn hóa; không chỉ thể hiện phong tục tập quán, nếp sống, thẩm mỹ và niềm tự hào của dân tộc Thái; mà còn là nét văn hóa rất độc đáo trong kho tàng văn hóa dân tộc.
Trang phục của người Thái được phân biệt rất rõ ràng trong từng mối quan hệ. Có trang phục hàng ngày, trang phục trong lao động, trong sinh hoạt, trong lễ hội. Ngoài ra, trang phục của người Thái còn có sự phân biệt giữa người Thái đen và người Thái trắng, chủ yếu là trang phục của phụ nữ. Trang phục của đàn ông Thái rất đơn giản – áo ngắn xẻ ngực, quần xẻ đũng.
Phụ nữ Thái trắng thường mặc áo cánh ngắn sáng màu, áo cổ chữ V, váy đen không trang trí hoa văn. Trang phục thường ngày của phụ nữ Thái đen là áo có cổ tròn màu sẫm, chui đầu, cài khuy ở vai; khác với chiếc áo của phụ nữ Thái trắng có hàng khuy bạc hình con bướm, con ve,… Riêng cách búi tóc của người phụ nữ Thái trắng và Thái đen là giống nhau. Chưa chồng thì búi sau gáy, nếu đã có gia đình thì búi trên đỉnh đầu.
Trang phục của phụ nữ Thái xứ Thanh có giá trị thẩm mỹ rất cao. Hoa văn trang trí trên trang phục thể hiện quan niệm về cái đẹp hài hòa; là sự phối hợp màu sắc cơ bản một cách tinh tế và cầu kỳ trong quá trình thêu dệt trang phục của người Thái.
Trang phục dân tộc vừa thể hiện tín thẩm mỹ vừa mang ý nghĩa tâm linh
Nét đẹp văn hóa trong trang phục Thái còn thể hiện ở chiếc khăn piêu. Mỗi hoa văn là một biểu tượng của sự sống và tình yêu: “Xai peng” là “dây tình” của đôi lứa; “Kút piêu” là phẩm vật cao quý để biếu bề trên; “Ta leo” là vật trừ tà ma bảo vệ “thần hồn” cho người đội khăn. Bởi người Thái quan niệm rằng cuộc đời của mỗi con người được ví như “sợi bấc” của ngọn đèn nên nếu đứt thì kết thúc cuộc đời.
Màu được người Thái sử dụng phổ biến nhất là màu chàm. Màu chàm hòa với màu xanh của cây rừng tạo nên sự hài hòa về màu sắc; thể hiện sự hòa nhập thích nghi của con người với thiên nhiên.
Để tạo nên một bộ trang phục là cả một quá trình rèn luyện đức tính kiên trì, nhẫn nại, sự thông minh và khéo léo của người con gái Thái. Thế hệ sau ngoài việc tiếp thu, gìn giữ những giá trị truyền thống của tiền nhân, họ còn nâng cao và phát triển những giá trị văn hóa mới.
Phụ nữ Thái đã tạo ra những bộ trang phục với kỹ thuật thêu, dệt rất cao về nghệ thuật tạo dáng, xử lý bố cục, màu sắc. Đặc biệt, từng họa tiết, hoa văn được đưa vào trang phục đều thể hiện tín ngưỡng và mang ý nghĩa tâm linh của dân tộc.