Văn hóa truyền thống

Truyền thuyết và ý nghĩa hoa đào ngày tết

11/02/21, 11:15
hoa đào
Hoa đào đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu trong những ngày tết Việt (ảnh Youtube)

Cứ mỗi dịp tết đến, nếu miền Nam ngập tràn sắc vàng của hoa mai, thì ở miền Bắc lại nhẹ nhàng sắc hồng của những nụ đào e ấp. Không biết từ bao giờ hoa đào đã trở thành một nét đẹp không thể thiếu vào những ngày Tết của những người dân Việt.

Tại sao lại cắm hoa đào vào ngày Tết?

Theo truyền thuyết, ở núi Độ Sóc bên Đông hải có một cây đại thụ gọi là Đào Đô; khoảng cách giữa những cành cây là ba ngàn dặm. Ở trên cây có một con Kim kê. Mỗi ngày lúc mặt trời mọc lên từ trên biển đông thì con gà trời trên cây đào gáy vang. Thế là bầy gà từ khắp nơi cũng gáy theo; “hùng kê nhất thanh thiên hạ bạch” (gà trống gáy lên một tiếng thì trời sáng). Mọi người nghe tiếng gà gáy thì biết rằng bình minh đã đến.

Ở phía Đông bắc chính là Quỷ Môn quan. Canh giữ Quỷ Môn quan là hai vị Thần có tên là Thần Đồ và Úc Lũy. Hai vị Thần này đều là những cao thủ bắt quỷ. Hàng ngày, thường đi khắp nơi để kiểm tra các loài quỷ. Khi thấy ác quỷ tác oai tác quái hại người thì họ dùng dây lau trói chúng lại; bắt lên núi cho mãnh hổ ăn thịt.Vì thế bọn hung thần ác quỷ đều sợ hai vị Thần này đến nỗi sợ luôn cả cây đào. Chỉ cần trông thấy cành hoa đào thôi cũng đủ khiến chúng cao chạy xa bay.

Ðến ngày cuối năm, cũng như các vị Thần khác, hai Thần Đồ và Úc Lũy phải lên thiên đình chầu Ngọc Hoàng. Trong mấy ngày Tết, để tránh ma quỷ hoành hành, tác oai tác quái, dân chúng đã đi hái những cành hoa đào về cắm trong lọ. Ai không hái được thì treo trước cửa hai miếng gỗ đào. Trên đó vẽ hình hai vị Thần Đồ và Úc Lũy để trừ ác quỷ.

Từ đó, kiếm làm bằng gỗ đào, gậy đào, trái đào, lá cây đào đều trở thành những bảo bối để trừ tà. Đây cũng chính là nguồn gốc của phong tục treo câu đối Tết (còn gọi là đào phù) và hình tượng hai vị môn Thần ở trước cửa khi đón năm mới, được lưu truyền trong dân gian.

Ý nghĩa của hoa đào ngày tết

Đào (danh pháp khoa học: Prunus persica) là một loài cây được trồng để lấy quả hay hoa. Nó là một loài cây sớm rụng lá, thân gỗ nhỏ, có thể cao tới 5–10 m. Lá của nó có hình mũi mác, dài 7–15 cm và rộng 2–3 cm. Hoa nở vào đầu mùa xuân, trước khi ra lá; hoa đơn hay có đôi, đường kính 2,5–3 cm, màu hồng với 5 cánh hoa. Quả đào cùng với quả của anh đào, mận, mơ là các loại quả hạch.Quả của nó có một hạt giống to được bao bọc trong một lớp vỏ gỗ cứng (gọi là "hột"), cùi thịt màu vàng hay ánh trắng, có mùi vị thơm ngon và lớp vỏ có lông tơ mềm như nhung.  Tên gọi khoa học persica có lẽ có từ niềm tin ban đầu của người châu Âu cho rằng đào có nguồn gốc ở khu vực Ba
Một góc hoa đào nở trên vùng cao Tây Bắc (ảnh:Vũ Quang Duy)

Theo ngũ hành Bát Quái, hoa đào được xem là tinh hoa của ngũ hành. Nó có tác dụng xua đuổi bách quỷ tạo cho cuộc sống của con người bình an, hạnh phúc.

Theo nho học, hoa đào tượng trưng cho sự sinh sôi nẩy nở; mang đến vượng khí cho ngôi nhà, cũng như may mắn, tài lộc cho gia đình trong năm mới.

Theo phong thủy hoa đào còn có ý nghĩa đoàn tụ; mang đến sự hòa thuận, đồng cam trong gia đình, dòng họ.

Tại sao miền Nam chuộng hoa mai, còn miền Bắc thích hoa đào dịp tết?

Hoa đào ưa thời tiết lạnh. Hoa mai ưa nắng ấm. Đào và mai khác nhau màu sắc, thời tiết ưa chuộng.

Người dân địa phương sẽ chọn cây hợp thời tiết nơi đó nhất để chưng, ngắm trong những ngày tết. Bởi trước đây không thuận tiện phương tiện vận chuyển hoa tươi từ Bắc vào Nam như bây giờ.

Cách chọn đào ngày tết

Chọn đào cành

hoa đào
Chọn đào phải có đủ hoa, nụ, lộc và quả (ảnh Shopee)

Đào cành thích hợp với không gian nhà nhỏ; hoặc chỉ cần bày trên bàn thờ, bàn phòng khách. Tùy vào không gian diện tích nhà mà lựa chọn cành đào to hay nhỏ.

Tán đào phải tròn; các nhánh phân bố đều, cành có dăm nhỏ, vút thẳng ra ngoài tán. Tránh chọn cành có các nhánh đâm lên; không cùng bắt đầu từ một điểm trên thân gốc.

Nụ rải đều và mập. Hoa có cánh kép, dày, tươi màu. Thân đào xù xì nhưng chắc khỏe.

Nên mua trước Tết 3-5 ngày để hoa nở rộ đúng Tết.

Người tinh tế khi chọn đào thế sẽ chú ý đào phải có đủ bộ tứ quý: Hoa, nụ, lộc và quả. Bởi đó là biểu tượng cho sự đề huề, ấm no của gia đình.

Chọn đào cây

hoa đào
Chọn cây có nụ to, hoa nở nhiều vào lúc cận Tết do đào cây thường nở chậm hơn đào cành (ảnh anhdep123)

Thích hợp với không gian rộng.

Các tiêu chí về hoa, nụ, dăm giống như đào cành.

Ngoài ra cần có dăm nhỏ, ngắn, các nhánh chính của cây tạo nên dáng cây xuất phát từ một điểm và được uốn tạo dáng đẹp, cân đối.

Chọn cây có nụ to, hoa nở nhiều vào lúc cận Tết do đào cây thường nở chậm hơn đào cành.

Cách giữ hoa đào tươi lâu ngày Tết

Đối với đào cành

Dùng nước sạch để cắm hoa. Cách 2-3 ngày, bạn nên thay nước trong bình cắm một lần; và rửa sạch phần cành đào nằm ở dưới nước. Để giúp hoa đào tươi lâu hơn, bạn cũng có thể thả vào lọ vài viên thuốc vitamin B1.

Đối với cây đào

Đào là cây không ưa ẩm nên tuyệt đối không được tưới quá nhiều. Nếu không cây đào sẽ bị thối rễ. Đồng thời bạn cần đặt cây ở vị trí sạch, thoáng mát để hoa được tươi lâu.

x