Tăng Quốc Phiên mỗi ngày đều phải làm đủ 12 việc để tu thân, từ đó đạt được thành tựu to lớn, trở thành vĩ nhân lưu danh thiên cổ.
- Trí tuệ Tăng Quốc Phiên: 9 chữ khiến người đời tỉnh ngộ
- Tăng Quốc Phiên: “Nhân bại do lười biếng, sự bại do kiêu ngạo, gia bại do hoang phí”
Tăng Quốc Phiên là một chính trị gia, chiến lược gia, nhà triết học, nhà văn, người sáng lập và chỉ huy quân đội Tương quân, cánh quân chủ lực trong cuộc chiến chống quân Thái Bình Thiên Quốc.
12 phương pháp tu thân mà Tăng Quốc Phiên đặt ra cho mình và con cháu là: Chủ kính, tĩnh tọa, dậy sớm, chuyên tâm đọc sách, đọc sử, nói năng cẩn thận, dưỡng khí, giữ mình, tự xét chính mình, không ngừng học tập, viết chữ, ban đêm không ra ngoài. Trong đó có 8 phương pháp có thể đem lại lợi ích tuyệt vời cho cuộc sống của con người hiện đại ngày nay.
Nội dung chính
1. Chủ kính: chỉnh tề nghiêm túc thì sẽ không lo sợ
“Chủ kính” là yêu cầu quần áo và ngoại hình phải luôn chỉnh tề, tư thái và biểu cảm ngay thẳng, nghiêm túc, phải chuyên tâm làm việc, không được suy nghĩ lung tung. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể duy trì trạng thái tinh thần tốt và năng lượng mạnh mẽ, giống như mặt trời mọc vào buổi sáng.
2. Tĩnh tọa: tĩnh tọa 4 khắc, điềm tĩnh như bảo đỉnh
Tĩnh tọa 4 khắc, tức là mỗi ngày ngồi tĩnh tọa 1 giờ không giới hạn thời điểm, để thể nghiệm được tâm nhân từ mà Thánh nhân đã dạy, an nhiên như bảo đỉnh trấn định không lay chuyển. Điều này hoàn toàn giống với việc thiền định để giữ gìn sức khỏe ngày nay, ngồi yên lặng để thanh trừ những tạp niệm, thả lỏng cơ thể và tinh thần, cũng có thể thường nghĩ về những lỗi lầm của bản thân.
3. Dậy sớm: thức dậy vào lúc bình minh, đừng mê sau khi thức dậy
“Làm việc lúc mặt trời mọc và nghỉ ngơi khi mặt trời lặn”, đây là quy luật sống thuận theo tự nhiên của người xưa. Nhưng điều này có thể không thực tế với những bạn trẻ ngày nay khi có thể phải làm việc vào lúc mặt trời lặn. Đối với những người thức khuya để giải trí, “ngủ sớm dậy sớm” luôn là phương châm tốt nhất để giữ gìn sức khỏe.
“Sau khi thức dậy không mê” ý là nói sau khi thức dậy không có suy nghĩ vấn vương cảm giác thoải mái, an nhàn. Đối với những người thích nằm trên giường và trì hoãn công việc thì hãy cố gắng nhắc nhở bản thân để nuôi dưỡng tinh thần minh mẫn cho buổi sáng mỗi ngày.
4. Chuyên tâm đọc sách: một lòng đọc sách, 10 trang mỗi ngày
Theo quan điểm của Tăng Quốc Phiên, nếu bạn chưa đọc xong một cuốn sách, bạn không được đọc những cuốn sách khác, đọc tùy ý chỗ này chỗ kia không có lợi cho việc tiếp thu kiến thức. Ngoài ra, hãy duy trì đọc 10 trang của cuốn sách mỗi ngày. Tuân Tử nói: “Bất tích khuể bộ, vô dĩ chí thiên lý”, ý nói rằng nếu bạn không tích nửa bước thì sẽ chẳng đi nổi hành trình ngàn dặm. Đọc sách hoặc học tập là để làm phong phú bản thân mỗi ngày.
5. Cẩn ngôn: thời thời lưu tâm, cẩn trọng ngôn hành
Tăng Quốc Phiên tin rằng, ăn nói thận trọng là bản lĩnh đầu tiên trong việc đối nhân xử thế. Khổng Tử nói: “Mẫn ư sự nhi thận ư ngôn”, làm việc chăm chỉ, nói năng cẩn thận, nếu không sẽ vô tình lỡ lời mà đắc tội với người khác.
6. Giữ mình: tiết chế lao lực quá nhiều và tiết chế tham ăn
Tăng Quốc Phiên nói: “tiết chế lao lực quá nhiều, tiết chế dục vọng, tiết chế tham ăn”. Ông lúc nào cũng coi nó như một phương pháp chữa bệnh. “Hoàng Đế nội kinh” viết rằng: “Ăn uống điều độ, sinh hoạt điều độ, không làm việc quá sức”. Người hiện đại theo đuổi giữ gìn sức khỏe, nhưng thường không để ý đến bệnh từ miệng mà vào, chỉ nên ăn no 8 phần, uống trà 2 phần, không nên rượu chè ăn uống quá độ.
Bởi vì, lòng người vô đáy không bao giờ là đủ, như rắn mà lại muốn nuốt voi. biết bao nhiêu người vì lòng tham quá độ mà tự hủy hoại bản thân mình, rơi xuống vực sâu, kiềm chế dục vọng để tự bảo vệ mình.
7. Nhật tri sở vong: tự xét mình mà lĩnh hội, chứ không phải tìm cầu từ người khác
Cái gọi là “nhật tri sở vong” chính là ghi lại nhận thức và tâm đắc hàng ngày của bản thân, thông qua việc tự xét lại bản thân mà lĩnh hội, chứ không phải dồn hết tâm trí tìm ý nghĩa sâu xa trong sách, nếu không chỉ là phục tùng theo người khác mà thôi.
Ngoài ra, trong “Tăng Quốc Phiên gia thư” cũng nhấn mạnh rằng người suy bại không tách rời 2 chữ “an dật”. Chỉ khi thoát khỏi sự trì hoãn thì mới có thể hoàn thành việc lớn.
8. Viết chữ: luyện tập văn chương, mọi thứ đều rõ ràng
Ngày nay, viết bằng bút lông từ lâu đã không còn thông dụng, thư pháp ngày càng trở thành một nghệ thuật tao nhã mà ít người có thể thành thạo.
Theo quan điểm của Tăng Quốc Phiên, sau bữa sáng, ông nhất định phải viết trong nửa giờ. Phàm là những việc cần làm hôm nay thì phải hoàn thành trong hôm nay, nếu không mọi việc sẽ tích tụ lại càng ngày càng nhiều và cuối cùng mang lại nhiều rắc rối.
Kỳ thực, những nguyên tắc này chính là tinh thần kỷ luật tự giác mà con người ngày nay cần nhất, nếu có thể nhìn nhận một cách chính diện thì nhất định sẽ đem lại lợi ích không nhỏ cho bản thân.
Theo Vision Times