Văn hóa truyền thống

Phương pháp giáo dục con của người xưa: Dùng ‘Đức’ dạy con

26/03/23, 17:40
Phương pháp giáo dục con của người xưa: Dùng 'Đức' dạy con
Người xưa rất coi trọng việc dùng đức để giáo dục con (ảnh: Minh chân tướng).

Người xưa rất coi trọng việc giáo dục con cái trong gia đình. Dùng tinh thần Ngôn truyền – Thân giáo lấy mình làm gương cho các thế hệ sau tu sửa chính mình và giáo dục con cái.

Cổ nhân mong cầu chân lý, coi trọng đức tính cần kiệm; không chỉ yêu cầu bản thân phải siêng năng thực hành mà còn rất coi trọng việc tu nhân tích đức cho đời sau.

Tư Mã Quang: Dạy con tiết kiệm

Sử gia Bắc Tống Tư Mã Quang là một người ngay thẳng, một vị quan cần kiệm liêm chính; cả cuộc đời ông không có chuyện gì không thể nói với mọi người. Ông dạy con trai là Tư Mã Khang rằng “tiết kiệm là một mỹ đức”. Qua lời cổ huấn “Thành do kiệm, bại do xa hoa” (thành công do tiết kiệm, thất bại do xa hoa); kết hợp với kinh nghiệm sống của mình và trải nghiệm thiết thân của bản thân, viện dẫn rất nhiều những trường hợp điển hình để giáo dục con tiết kiệm.

Tư Mã Quang viết thư cho con và dạy rằng: “Nhà ta vốn nghèo, nhiều đời truyền thừa thanh bạch… mọi người đều coi xa hoa là một vinh dự, trong tâm cha coi tiết kiệm là tốt đẹp”. Ông cảm thán đương triều rằng “phong tục xa hoa; nhưng bản thân cần tự giữ cho mình thanh khiết, không được trôi theo trào lưu”.

Tư Mã Quang liên tiếp nêu gương các bậc hiền nhân như Lý Kháng, Lỗ Tông Đạo và Trương Văn Tiết để dạy con con dốc sức trừ bỏ thói xa hoa; cẩn thận tiết kiệm sử dụng. Ông nói rằng: “Cả đời con người y phục cũng chỉ là để tránh rét, ăn uống chỉ là để no bụng. Người đọc sách cần có chí hướng mong cầu chân lý, cần trau dồi đạo đức; không nên truy cầu sự xa hoa phù phiếm bên ngoài. Chỉ có người có đạo đức cao thượng thì mới có thể có những suy tính sâu xa được”.

Phương pháp giáo dục con của người xưa: Dùng 'Đức' dạy con

Ông còn chỉ dạy con, rằng: “Người cầu xa hoa thì nhiều dục vọng. Người quân tử mà mang nhiều dục vọng thì sẽ ham phú quý; khi Đạo bị phế bỏ, thì sẽ nhanh chóng chuốc lấy tai họa. Kẻ tiểu nhân nhiều dục vọng thì ham cầu cuồng vọng; làm bại hoại gia tộc và dẫn đến mất mạng”.

Một lần, Tư Mã Quang thấy con trai ông dùng tay tùy tiện lật trang khi đọc sách; ông bèn dạy con rằng: “Người quân tử thích đọc sách Thánh hiền thì trước tiên cần biết yêu quý sách. Trước khi đọc sách, con cần phải rửa tay sạch sẽ, lau sạch bàn, trải vải trên bàn. Khi đọc sách, cần ngồi ngay ngắn với thái độ cung kính, tĩnh tâm chuyên nhất học tập; không để đầu óc nghĩ vẩn vơ. Làm người cần giản dị, làm việc thiết thực; có đủ những phẩm chất đạo đức này thì mới tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.”

Dưới sự dạy bảo của cha, Tư Mã Khang chuyên tâm đọc sách, tu tâm dưỡng tính, tự giác tiết kiệm, giản dị. Về sau ông làm quan đến chức Hiệu thư lang, Trước tác lang… Lúc bấy giờ, vùng Lạc Dương Bắc Kinh lưu truyền một câu nói rằng: “Có thể làm bậc thầy mẫu mực, là cha con nhà họ Tư Mã”.

Lục Du dạy con: Học tập quan trọng ở chỗ tự bản thân cần thực hành theo Đạo

Lục Du, nhà thơ kiệt xuất thời Nam Tống, là người bộc trực, quan tâm đến bách tính; vì không chuyên quyền nên nhiều lần bị giáng chức. Ông có 6 con trai và 1 con gái và rất coi trọng việc học hành của con cái; giáo dục chúng làm người. Ông khuyên nhủ các con rằng: “Cha chỉ mong sau này khi con lớn lên, dân làng đều khen các con là người có đạo đức. Dù là thường dân, so với các đại quý tộc cũng không có gì phải xấu hổ”.

Ông giáo dục con cái học và hiểu đạo lý, trong “Canh 5 đọc sách dạy con” ; ông viết: Các con hiện nay đang là thời điểm tốt để đọc sách, các con cần phải khắc khổ học tập; chớ để lỡ mất cơ hội tốt này. Đọc sách thì quan trọng nhất là học để áp dụng, cần phải thiết thực làm được “lời thiện châm ngôn thì cần dốc sức làm”. “Học tập quan trọng nhất là ở việc bản thân siêng năng thực hành”; “từng chữ từng, lời nhỏ đều phải dốc sức mà thực hành”. Học tập phong thái cao và khí tiết của người xưa, không a dua quyền quý; làm người chính trực vô tư, từng giờ từng khắc đều nghĩ báo đáp quốc gia.”

Ông còn dạy các con mình rằng: “Nếu các con muốn học thơ; thì công phu chính là nằm ở bên ngoài thơ”. Tức là làm văn thì trước tiên phải biết cách làm người. Phải chú trọng tu thân, thường xuyên quy chính bản thân, có lỗi ắt phải sửa. Thấy người khác có hành vi tốt, thì bản thân cần chủ động và tự giác học tập theo. Không được kết giao bằng hữu với những người hào hoa khoác lác mà không chân thực.

Lục Du dạy con: Học tập quan trọng ở chỗ tự bản thân cần thực hành theo Đạo
Cha dạy con “học tập quan trọng ở chỗ tự bản thân cần thực hành theo Đạo” (ảnh minh họa Vision Times).

Trong “Đông dạ độc thư thị tử Duật” (Đêm đông đọc sách dạy con), ông tay cầm tay dạy con trai tên Duật viết chữ. Ông dạy con khi đọc sách, học tập thì nhất định phải chuyên cần không mệt mỏi, giữ thường hằng. “Người xưa dốc sức truy cầu học vấn, khi còn trẻ dốc sức công phu; đến khi già mới bắt đầu có thành tựu…”.

Khi con trai thứ hai làm quan ở Cát Châu ông yêu cầu con trai làm quan thanh bạch. Ông còn nói với con trai rằng: Ở Cát Châu, cha cũng có một số bằng hữu; họ không chỉ có học vấn cao mà còn có phẩm đức tốt. Sau khi đến đó, con có thể đến thăm họ mà không được đưa ra bất kỳ yêu cầu nào. Không mưu lợi, giữ liêm khiết, làm người chính trực chỉ mưu cầu phúc cho bách tính. Các con của Lục Du sau này đều trở thành những người hiền đức nổi tiếng.

Trương Anh dạy con: Làm người thì cần lập phẩm hạnh

Trương Anh, một đại học sĩ đời Thanh, kính tín Thần Phật, thích làm việc thiện, làm quan thanh liêm chính trực; trước nỗi khổ của dân chúng và nạn lụt lội, hạn hán đều tường trình rõ ràng; ông được Khang Hy hết sức tín nhiệm. Trong bản gia huấn “Thông huấn trai ngữ”, ông nhiều lần nhắc đến việc làm người cần phải lập phẩm hạnh: “Đọc kinh sách, tu thiện đức, cẩn thận uy nghi, cẩn thận lời nói”.

Trong việc dạy con, ông chưa bao giờ chủ trương nghiêm mặt quở trách; mà dùng lời lẽ đơn giản rõ ràng, tinh tế nhẫn nại. Ông dạy con trai Trương Đình Ngọc cách làm người và xử thế rằng: “Khi kết giao với người, mỗi lời mỗi việc, đều phải có ích lợi cho người; thì đó mới là người lương thiện”. “Nếu có thể để tâm suy nghĩ từng lời nói từng hành vi, đều nghĩ có lợi ích cho người, hết sức tránh làm tổn hại cho người; thì mọi người sẽ coi trọng con như loan phượng, sẽ quý trọng như nhân sâm linh chi; ắt sẽ được Thiên địa bảo hộ, quỷ Thần kính phục, từ đó mà được hưởng phúc báo”.

Trương Đình Ngọc nhớ lời cha dạy, từ nhỏ đã học kinh thư, đối nhân xử thế, tiết kiệm; sau làm Đại học sĩ, quân cơ đại thần. Về sau, con trai của Trương Đình Ngọc là Trương Nhược Ái tham gia kỳ thi đình đỗ thứ 3 đệ nhất giáp; tức là Thám Hoa. Trương Đình Ngọc sau khi biết tin đã kiến ​​nghị: Thiên hạ nhiều nhân tài, ba năm kỳ thi lớn, không ai không mong đậu cao; con nhà quan không nên xếp trên con nhà nghèo. Ông cho rằng con trai còn nhỏ, vẫn cần phải nỗ lực học tập, tu dưỡng, tích đức thì mới thiết thực, đáng tin cậy; và xin cho con trai mình được xuống hai giáp. Hoàng đế Ung Chính nghe theo lời thỉnh cầu của ông, chuyển Trương Nhược Ái lên làm đệ nhị giáp.

Phương pháp giáo dục con của người xưa: Dùng 'Đức' dạy con
Làm người thì cần lập phẩm hạnh (ảnh: Nguyện ước).

Về sau, Trương Nhược Ái nhậm chức Nam thư phòng. Quân cơ xứ tận tụy làm hết bổn phận, khiêm tốn, có phong thái như cha. Ai cũng khen danh gia Trương gia thuần hậu, khiêm tốn, tâm trong sáng như nhật nguyệt. Cả gia tộc ba đời đều làm quan, thanh liêm, đoan chính, được nhân dân yêu mến.

Người xưa dạy con phải trọng đức, phải hướng thiện, giao phó sự chăm sóc, kỳ vọng con cháu đời sau noi gương; bởi họ thấy điều cốt yếu nhất, căn bản nhất là làm người.

Sự quan tâm nhân ái và yêu cầu nghiêm khắc của họ đối với con cháu, khiến con cháu vào bất kỳ lúc nào cũng có thể phân biệt rõ đúng sai tốt xấu; lựa chọn con đường nhân sinh đúng đắn. Đó chính là tính kế lâu dài và có trách nhiệm với tương lai, khiến con cháu cả đời thụ ích; là tài sản đáng tin cậy nhất lưu lại cho con cháu đời sau.

Theo Minh Huệ Net

x