Những quy tắc tốt đẹp trong gia đình giống như là một món đồ cổ vô hình được truyền thừa qua nhiều thế hệ, tạo ảnh hưởng rất lớn đến con trẻ.
- Giáo dục gia đình là gốc rễ của mọi sự thành bại trong đời người
- Phong thủy tốt nhất của gia đình: Không trách cha mẹ, không trách bạn đời, không trách con cái
Quốc có quốc pháp, gia có gia quy, những quy tắc ứng xử trong gia đình liên tục được truyền thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, đa phần đều là miệng truyền miệng, cha mẹ sẽ là người thực hành và chỉ dạy lại cho con cái. Nhưng thời hiện đại, mô hình gia đình có nhiều xáo trộn, nhiều bậc phụ huynh cũng không còn biết rõ những quy tắc này.
Dưới đây là một vài quy tắc ở trên bàn ăn, trong sinh hoạt, khi ra ngoài đường và lúc đi thăm hỏi người khác, tin rằng sẽ có nhiều điều có ích cho bạn:
Quy tắc trên bàn ăn
1. Khi cả nhà cùng ăn cơm, bậc trưởng bối trong nhà phải ngồi ở giữa, vợ chồng thường ngồi cạnh nhau, những người khác theo thứ tự mà ngồi.
Đứa con được cưng chiều có thể được ngồi cạnh bậc trưởng bối, nhưng không thể cao hơn trưởng bối.
2. Cả nhà cùng nhau ăn cơm, bậc trưởng bối chưa động đũa thì những người khác cũng chưa được ăn.
3. Lúc ăn cơm, không được nhai nhóp nhép, phát ra tiếng, phải khép miệng lại, nhai từ tốn, chậm rãi; lúc ăn canh cũng không được húp xì xụp, phát ra âm thanh phản cảm.
4. Không được cắm đũa vào bát cơm, vì nó sẽ giống như là đang thắp hương.
5. Không được dùng đũa gõ vào nồi và bát, vì làm thế giống như là ăn mày đang xin ăn.
6. Khi ăn hai tay đều phải đặt ở trên bàn, một tay phải đỡ lấy bát, nhất định không được để một tay dưới gầm bàn.
7. Khi đã vào bàn ăn thì ngồi ở đâu là ngồi yên ở đó, không được đổi chỗ lung tung, vì nếu cầm bát chạy loanh quanh thì giống như là ăn xin.
8. Khi ăn không được cắn đũa.
9. Không được gắp đồ ăn lung tung ở trên bàn ăn, chỉ có thể gắp những thứ ở trước mặt mình.
10. Khi đi làm khách ở nhà người khác, chủ nhân động đũa rồi thì khách hãy ăn.
11. Khi rót trà thì không được quá đầy.
Quy tắc trong sinh hoạt
1. Ngồi không được rung chân.
2. Không được kéo ống quần lên.
3. Không được xắn tay áo lên.
4. Không được hô lớn trước mặt mọi người.
5. Không được đè lên bả vai người khác.
6. Đứng không dựa cửa, nói không quá to.
7. Nhà có khách thì không được quét dọn.
8. Không được liếc mắt nhìn người khác.
9. Khi đưa kéo hay dao cho người khác thì hướng cái cán về phía đối phương.
Quy tắc khi đi ra ngoài
1. Khi đi ra ngoài phải nói với người lớn một tiếng, về nhà cũng phải báo cho người lớn biết.
2. Quần áo không cần hoa mỹ, nhưng phải chỉnh tề.
3. Thấy người lớn thì phải đứng dậy kính chào.
4. Đừng đứng ở ngoài đường và nói chuyện quá lâu.
5. Khi đi bước chân phải vững vàng, ưỡn ngực, ngẩng đầu, mắt nhìn về phía trước.
6. Khi đi mà có người hỏi đường thì phải chỉ cặn kẽ; khi hỏi đường người khác thì phải bày tỏ lòng biết ơn.
7. Gặp người lớn tuổi và trẻ em thì phải nhường đường, nhường ghế.
Quy tắc khi đến nhà người khác
1. Khi gõ cửa, nhịp điệu nên chậm rãi, thông thường gõ một cái, chờ một lúc lại gõ hai cái, nhớ đừng gõ dồn dập, vì gõ cửa dồn dập giống như là báo tang.
2. Đứng ở ngoài nhẹ nhàng gõ cửa, chủ nhân cho phép vào thì mới được vào.
3. Nếu phát hiện trong nhà đang có khách khác, sau khi chủ nhân giới thiệu xong, phải thi lễ với từng người, lúc đi về cũng như vậy.
4. Thư từ, sách vở ở trong nhà của chủ nhân thì không được tùy tiện lật mở khi chưa xin phép.
5. Khi đến nhà người khác, nhớ đừng ngồi lên giường của họ.
6. Làm khách thì không được vào một căn phòng mà không có ai ở đó.
7. Khi nói chuyện nhớ chú ý lắng nghe, ánh mắt luôn tập trung.
8. Nếu thấy chủ nhân đang ngáp ngủ, thì có thể xem giờ rồi xin phép đi về.
9. Nhớ đừng đến nhà người khác vào giờ ăn cơm và giờ ngủ.
Quy tắc xử thế
1. Hãy nhớ đừng nói về điểm yếu của người khác và đừng khoe khoang điểm mạnh của mình.
2. Chuyện vụn vặt trong gia đình, nhớ đừng kể cho người ngoài.
3. Nên suy nghĩ kỹ trước khi nói, khi đối mặt với người đang gặp thất bại, chớ nói lời đắc chí; đối mặt với người lớn tuổi, không được nói những lời xui xẻo.
4. Khi tuyệt giao với ai đó cũng không được nói xấu đối phương.
5. Không được xúc phạm hay giễu cợt người khác.
6. Thấy người tàn tật không được cười đùa, phải hết sức cung kính.
7. Làm ơn cho người thì hãy mau quên đi, nhận ân của người thì nhất định phải nhớ để báo đáp.
8. Gặp chuyện phải dùng lý trí mà suy nghĩ vấn đề, không để cảm tình chi phối.
9. Điều mình không muốn thì đừng làm cho người khác, và nhớ đừng đùn đẩy việc mình không muốn làm cho người khác.
Gia quy tốt là nền tảng của một gia tộc thịnh vượng, có thể giáo dục ra những thế hệ con cháu xuất chúng. Có gia quy tốt mới tạo nên gia phong tốt, gia phong tốt chính là bảo vật vô giá của một gia đình.
Theo Zhbaike