Trong Truyện Kiều có câu “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”, nhưng ‘nhân định thắng thiên’ lại không phải có ý rằng con người có thể dùng tài năng của mình để đấu thắng cả trời. Vậy hàm ý thực sự của câu này là gì?
Trong “Tam ngôn lưỡng phách” có chép lại hai câu chuyện để làm rõ ý nghĩa thực sự của câu nói “nhân định thắng thiên”.
Nội dung chính
Hoàng đế muốn ‘nhân định thắng thiên’
Vào thời Hán Văn Đế, có một người rất được hoàng đế sủng ái tên là Đặng Thông. Đặng Thông lúc nào cũng thấy xuất hiện cùng hoàng đế; thậm chí khi ngủ cũng được ở bên cạnh hoàng đế. Đây là một vinh hạnh lớn mà hiếm ai có được.
Khi đó có một người xem tướng rất giỏi tên là Hứa Phụ. Hứa Phụ quan sát Đặng Thông rồi nói: “Người này nhất định sẽ chết trong nghèo đói”. Văn Đế nghe xong tức giận nói: “Giàu sang là do ta định đoạt! Đặng Thông làm sao có thể nghèo đói được!”.
Sau đó Hán Văn Đế đã cho phép Đặng Thông tự ý đúc tiền. Đặng Thông vì vậy mà lợi dụng quyền hành, rải tiền khắp thiên hạ, tiêu pha hoang phí; thậm chí còn cung cấp cho cả những nước là kẻ địch.
Một ngày nọ, Hán Văn Đế bỗng nhiên mọc một cái mụn nhọt; cái mụn mưng mủ và chảy máu rất đau và khó chịu. Đặng Thông tỏ ra thương xót nên đã quỳ xuống nặn và hút mủ. Hán Văn Đế cảm thấy rất hài lòng nên đã hỏi: “Trong thiên hạ, ai là người yêu thương nhau nhất?”. Đặng Thông đáp: “Thần thấy không ai khác ngoài cha và con”.
Số phận đã được an bài
Vừa hay lúc đó có hoàng thái tử đi vào, Hán Văn Đế nói thái tử nặn hút cái mụn nhọt cho mình. Thái tử từ chối và nói: “Nhi thần vụng về, e rằng không dám đến gần thánh thượng”. Nói xong thái từ liền rời đi. Văn Đế thở dài nói: “Yêu thương nhất không phải là cha con. Con ta cũng đâu chịu hút mủ cho ta. Đặng Thông còn yêu ta hơn cả con của ta”. Từ đó Đặng Thông lại càng được sủng ái hơn nữa.
Những lời này đến tai hoàng thái tử nên trong lòng rất oán hận Đặng Thông. Sau khi Hán Văn Đế qua đời, thái tử lên ngôi hoàng đế; lập tức đi tìm Đặng Thông trị tội, nói rằng hắn hút mủ cho Hán Văn Đế là nịnh bợ, làm rối loạn pháp lệnh của triều đình. Sau đó ra lệnh tịch thu gia sản, nhốt Đặng Thông ở trong phòng không cho ăn uống gì. Cuối cùng Đặng Thông quả thực bị chết vì đói.
Hán Văn Đế muốn chống lại mệnh trời nhưng cũng không thể. Ông tưởng mình nắm trong tay quyền lực tột bậc nên có thể điều khiển mọi thứ. Nhưng trong trường hợp này rõ ràng là ‘nhân định không thể thắng thiên’. Vậy phải như thế nào thì mới có thể ‘nhân định thắng thiên’?
Làm việc thiện thay đổi vận mệnh
Vào thời nhà Đường có một người tên là Bùi Độ; từ nhỏ gia cảnh đã nghèo khó. Có người xem tướng của Bùi Độ cũng nói rằng sẽ bị nghèo đói mà chết.
Trong một lần đi đến chùa Hương Sơn, Bùi Độ đi dạo ở giếng đình thì nhặt được một tay nải bên trong đựng đầy bạc quý. Bùi độ nghĩ thầm: “Cái này chắc là của ai đó đánh rơi. Mình sao có thể chiếm làm của riêng được, nhất định không được có tâm xấu”. Vì vậy Bùi Độ đã đi quanh đó để xem có người đánh rơi đến tìm hay không.
Không lâu sau thì có một người phụ nữ chạy đến vừa khóc vừa nói: “Cha tôi bị người ta hãm hại vào ngục; mới đi mượn được chút bạc để mong chuộc được cha ra. Hôm nay lúc đi chùa thắp hương lại không biết thế nào mà đánh rơi mất. Ai nhặt được thì cho tôi xin lại; tính mạng của cha tôi phụ thuộc hết vào đó”.
Bùi Độ thấy vậy lập tức lấy bạc trả lại cho người phụ nữ đó; bà cảm ơn rối rít rồi vội rời đi. Một ngày nọ, Bùi Độ lại gặp được một người xem tướng. Người này nhìn thấy Bùi Độ thì ngạc nhiên nói: “Cốt pháp của ngươi đã thay đổi hoàn toàn; đáng lý phải bị chết đói từ lâu rồi. Có phải ngươi đã tích được âm đức gì rồi đúng không?”. Bùi Độ nói không có.
Hàm ý thực sự của ‘nhân định thắng thiên’ là gì?
Nhà tướng số phân vân: “Ngươi suy nghĩ thêm xem, nhất định phải tích được đại đức gì rồi”. Bùi Độ lúc này mới nhớ đến câu chuyện nhặt được bạc. Người này nói: “Cái đó là đại âm đức, sau này sẽ được giàu sang phú quý, nhất định là như vậy”. Về sau Bùi Độ quả nhiên thi cử đỗ đạt, nhanh chóng thăng quan tiến chức và làm đến chức tể tướng; cuộc sống đầy đủ viên mãn.
Có thể thấy số mệnh của Bùi Độ đã được đặt định từ trước, nhưng vì biết hành thiện nên đã có thể thay đổi số phận của mình; như vậy thì chẳng phải ‘nhân định thắng thiên’ rồi hay sao?
Và đây cũng là hàm ý thực sự của câu ‘nhân định thắng thiên’ mà người xưa muốn nói đến. Số phận một người tuy đã được an bài từ trước nhưng nếu biết tu tâm dưỡng tính; biết làm việc thiện cứu giúp người khác thì có thể cải biến vận mệnh của mình.
‘Nhân định thắng thiên’ hoàn toàn không phải có nghĩa là con người tài năng có thể thắng được cả trời. Tư tưởng sai lầm này đã bị khoa học hiện đại cổ vũ, khiến con người ngày càng tự mãn hơn về khả năng của bản thân, nghĩ mình có thể đấu cả trời, đấu cả đất; dần dần không còn tin vào sự tồn tại của Thần Phật nữa, việc này thực sự là rất nguy hiểm!
Theo Tinh Hoa