Nhân sinh cảm ngộ

Nhân sinh có xả mới có đắc, muốn được thì phải mất

10/03/24, 15:23
Nhân sinh có xả mới có đắc, muốn được thì phải mất
Nhân sinh có xả mới có đắc, muốn được thì phải mất (ảnh minh họa: Spiderum)

Trong “Liễu phàm tứ huấn” có câu: “Thực vô sở xá, diệc vô sở đắc” tức là không xả thì không đắc. Cuộc sống chính là có được thì có mất, có xả mới có đắc.

Nhân sinh vốn rất nhiều ưu sầu, khổ não, rất nhiều sự việc khiến chúng ta buông thì không nỡ, giữ thì đau khổ; bởi vậy mà cuộc sống trở nên vô cùng mệt mỏi. 

Nhưng bạn đã từng nghĩ chưa? Thực ra có rất nhiều thống khổ vốn đến từ chấp niệm của chính mình. Cũng là bởi mải mê với được mất, cũng là bởi cố giữ những điều không nên giữ; đâu hiểu được rằng trên đời này, phải có xả mới có đắc. Khi bạn càng không muốn buông, thì lại càng không thể có được. 

Nhân sinh có xả mới có đắc, vậy “xả” là gì? 

Xả là gì? Xả chính là xả bỏ, sẵn lòng để cho thứ gì đó mất đi. Không cần quá để ý đến được mất, cái gì cần bỏ thì sẵn lòng bỏ. 

Phải biết rằng, cuộc sống vốn là quá trình không ngừng mất đi rồi lại đắc được. Mọi thứ trên đời, khi càng cố nắm lấy sẽ càng không giữ được. 

Ngày xửa ngày xưa, có một người đàn ông đi tìm kiếm kho báu trên sa mạc. Anh ta cứ tìm mãi, kiếm mãi, cho tới khi tất cả nước mang theo đều đã uống hết, mà vẫn không tìm được kho báu nào. 

có được thì có mất; bất thất bất đắc; không mất thì không được
Trên sa mạc khô cằn, người đàn ông tìm kho báu trong tuyệt vọng (ảnh minh họa: YBOX)

Đang trong lúc tuyệt vọng và nghĩ rằng mình sẽ chết khát trên sa mạc này, thì đột nhiên có một vị Phật xuất hiện, cho anh ta đủ nước để ra khỏi sa mạc. 

Anh ta mừng rỡ, mang theo nước đó quay trở về. Trên đường trở về, kỳ diệu thế nào, mà anh lại tìm được kho báu, điều này khiến anh vui mừng khôn xiết. Anh ta điên cuồng nhét đầy vàng bạc, châu báu vào tất cả các bao và túi mà mình mang theo trên người.

Cứ như thế, anh vác theo rất nhiều báu vật trở về. Tuy nhiên, vì quá nhiều mà nó trở thành gánh nặng. Anh dần kiệt sức và chỉ có thể đi chầm chậm từng bước về phía trước. 

Lúc này nếu không bỏ lại một ít vàng bạc thì e rằng anh sẽ không thể ra khỏi sa mạc. Bởi với tốc độ chậm thế này, thì số nước còn lại sẽ không đủ để kéo dài. Nhưng anh ta lại không nỡ bỏ xuống, nghĩ rằng bản thân đã vất vả thế nào mới tìm được kho báu; giờ bỏ đi dẫu chỉ một chút cũng chẳng phải quá uổng phí tâm lực hay sao?

Cứ như vậy, anh ta vác số vàng bạc trên lưng lê từng bước nặng nề, cuối cùng nước hết và phải bỏ mạng trong sa mạc.

Rất nhiều lúc, muốn càng nhiều thì kết quả lại mất càng nhiều. Điều gì cũng không nguyện ý mất đi, kết quả chỉ là thứ gì cũng chẳng có được. 

Nhân sinh cần phải hiểu được cái gì nên giữ cái gì nên bỏ. Cái gì cần giữ thì giữ, cái gì cần bỏ thì cứ bỏ. Muốn được thì nhất định phải có mất.

Thế nào là “đắc”?

Đắc chính là đạt được, có được thứ gì đó.  

Những người có kinh nghiệm sống hay người thành công, kỳ thực họ đều hiểu rõ về hai chữ “được và mất”. 

Không xả không đắc, xả ít đắc ít, xả nhiều đắc nhiều. Đó chính là đạo lý. Mất trước được sau. Muốn đắc thì tất yếu phải có gì xả trước. 

Có một câu chuyện kể rằng, một con thuyền đang bơi ngoài biển lớn, bất ngờ gặp phải bão. Tất cả thuyền viên đều bỏ mạng, chỉ có một người còn sống sót, trôi dạt vào một hòn đảo hoang. 

Người này sau khi tỉnh lại, thấy mình vẫn còn sống; nhưng đã trôi dạt tới một nơi không có người, trong lòng không biết là nên mừng hay nên khóc. Anh tha thiết mong có ai đó tìm thấy mình và đưa anh ấy rời khỏi đó, nhưng suốt mấy ngày trôi qua không hề có ai. 

Vì để có thể sống sót, anh bắt đầu dùng cành cây để dựng nhà. Ai ngờ rằng, ngôi nhà vất vả dựng được lại bị bốc cháy lúc anh ra ngoài kiếm thức ăn. Vừa mới dựng được nhà, đã bị cháy, anh ta cảm thấy vô cùng chán nản và tuyệt vọng. 

Ngay khi anh vẫn đang đắm chìm trong tuyệt vọng và không thể thoát ra được thì một con thuyền lớn xuất hiện và cuối cùng anh đã được giải cứu.

Anh tò mò hỏi: “Sao mọi người tìm được nơi này?”

Một thuyền viên đã trả lời: “Chúng tôi thấy khói dày đặc bốc lên từ nơi này, nên nghĩ chắc chắn có người”.

Đúng là phúc họa ở đời thật khó mà lường trước được. 

Cuộc sống nếu có thể buông bỏ, sẽ có được hạnh phúc

Có câu cổ ngữ nói rằng: “Phàm là người đại thiện đều có thể xả, phàm là người trí tuệ đều dám xả”

Sống ở đời, đừng quá tham lam. Cái gì cũng muốn có, muốn có thứ gì đó thì ắt có điều phải xả bỏ. Có được, có mất chính là trạng thái bình thường vốn có của nhân sinh. 

có được thì có mất; bất thất bất đắc; không mất thì không được
Được mất thế gian vốn là trạng thái bình thường của nhân sinh (ảnh minh họa: Eurowindow)

Trong thời kỳ chiến tranh, chiến loạn không ngừng, cuộc sống dân chúng khổ không kể xiết. Thân ở trong thời loạn thế, khó tránh khỏi sẽ bị ngộ thương, bệnh tật cũng là lẽ bình thường. Lúc bấy giờ cần rất nhiều tới thuốc, bởi vậy thuốc cung không đủ cầu. 

Rất nhiều người đều nhân cơ hội này mà nâng giá thuốc, kiếm được bộn tiền. Chỉ có một tiệm thuốc nhỏ, chẳng những không tăng giá, ngược lại còn giảm giá cho dân chúng nghèo khổ. 

Sự việc này được lan truyền rộng rãi, khắp nơi đều tán dương, khen ngợi. Bởi vậy rất nhiều khách hàng không ngừng đổ xô tới mua. Hiệu thuốc nhỏ càng ngày càng thịnh vượng, quy mô làm ăn cũng ngày càng lớn, sau này trở thành hiệu thuốc lớn nhất ở khu vực. 

Chủ tiệm thuốc này, tuy rằng bỏ lỡ lợi ích tạm thời trước mắt, nhưng lại lấy được lòng người và nhận được lợi ích lâu dài. 

Hiểu được sự xả bỏ, chính là một loại trí tuệ thấu ngộ nhân sinh.

Cuộc sống giống như khi bạn nắm cát trong tay, càng nắm chặt nó càng rơi, nhưng dám xòe tay ra nó sẽ ở lại. 

Nhân sinh có thăng có trầm, có được rồi lại có mất, chính vì vậy mà trải nghiệm trên đường đời của chúng ta thêm phần phong phú. 

Trong cuộc sống, nhiều người thường chỉ quan tâm đến những gì mình nhận được mà không bao giờ sẵn sàng đánh mất bất cứ thứ gì. 

Có những lúc chúng ta đang vui mừng vì có được điều gì đó, nhưng có thể chỉ trong chớp mắt lại mất đi. Trong khi đang u sầu vì mất mát, có lẽ ngay giây tiếp theo chúng ta lại nhận được bằng một cách khác. 

Thế giới này vốn ồn ào náo nhiệt, luôn có được và mất, đừng chỉ vì đắc được chút ít đã vui mừng hớn hở, cũng đừng vì những thứ mất mát mà u sầu khổ não. 

Nhân sinh có xả mới có đắc. Những năm tháng sau này, nếu có thể giữ một trái tim bình thản, bĩnh tĩnh trước được và mất, sẵn lòng đối mặt với mọi chuyện bằng nụ cười, vậy thì hạnh phúc sẽ luôn bên bạn.

Theo Vision Times

x