Văn hóa truyền thống

Nhân nghĩa đáng giá ngàn vàng

08/06/23, 07:11
Nhân nghĩa đáng giá ngàn vàng
Hứa Hoành không ăn lê khi không có chủ (ảnh minh họa Gushiw)

Người xưa nói “Tiền tài như đất bên đàng, nhân nghĩa mới thực ngàn vàng trong tay”, dù trong hoàn cảnh nào cũng phải giữ trọn nhân nghĩa.

Hứa Hoành nhà nghèo nhưng ham học

Trong “Tăng Quảng Hiền Văn” có viết: “Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa trị thiên kim”, có nghĩa là: Tiền tài như đất bên đàng, nhân nghĩa mới thực ngàn vàng trong tay. Người xưa coi trọng nhân nghĩa, xem nhẹ tiền tài, nhưng một người thời thời khắc khắc có thể giữ vững nhân nghĩa là điều không dễ dàng.

Vào cuối thời Tống, đầu thời nhà Nguyên, có một học giả tên là Hứa Hoành (1209-1281), tự là Trọng Bình, hiệu là Lỗ Trai. Hứa Hoành là người học thức uyên bác, nhân phẩm cao thượng. Câu chuyện về việc “Hứa Hoành không ăn lê khi không có chủ” đã được nhiều người biết đến. Hứa Hoành tuân thủ nghiêm ngặt lễ nghĩa, lấy việc duy trì học thuyết Nho gia và kế thừa mỹ đức dân tộc làm trách nhiệm của chính mình trong suốt cuộc đời.

Hứa Hoành gia cảnh vốn nghèo khó, tổ tiên nhiều đời làm ruộng để kiếm sống. Nhưng từ nhỏ ông đã bộc lộ tài năng phi thường. Năm 7 tuổi vào tiểu học, được thầy dạy đọc và viết, ông đã hỏi thầy: “Mục đích học tập là gì ạ?”. Thầy trả lời rằng: “Là để vượt qua kỳ thi”. Hứa Hoành lại nói, “Vậy chỉ vì điều này thôi sao thầy?” Trong lòng người thầy cảm thấy ngạc nhiên về người học trò này.

Nhân nghĩa đáng giá ngàn vàng
Hứa Hoành (ảnh: Dzng)

Mỗi lần thầy giảng giải sách, ông luôn hỏi thầy về ý nghĩa sâu xa trong sách. Sau một thời gian, người thầy nói với cha mẹ ông rằng: “Đứa trẻ này rất thông minh, nhận thức của nó rất tốt. Một ngày nào đó, cậu bé sẽ vượt qua người thường. Tôi không đảm đương nổi làm thầy của nó”. Vì vậy, ông từ chức và rời đi, cha mẹ đã cố gắng hết sức để giữ ông ở lại, nhưng không được.

Cứ như vậy đã ông đã thay đổi 3 người thầy. Hứa Hoành dần dần trưởng thành, ông thích đọc sách và rất ham học, nhưng ông sống trong thời chiên tranh hỗn loạn; hơn nữa, gia cảnh của ông nghèo khó, trong nhà không có sách. Có một lần ông đi theo về nhà một người thấy bói, thấy người này có một cuốn “Thư” (Sơ nghĩa, chú giải kinh sách), nên ông đã xin ở nhờ nhà người này để chép tay xong cuốn sách rồi mới quay về nhà. 

Vào năm Giáp Dần, khi Nguyên Thế Tổ làm Thân Vương đã bổ nhiệm Hứa Hoành làm Kinh triệu đề học để quản lý trường học ở Quan Trung. Sau đó, ông làm quan đến Tập hiền đại học sĩ, kiêm chức Quốc tử tế tửu. Ông từng đề nghị với Hoàng đế Nguyên Thế Tổ rằng: Làm người nắm quyền thì phải tuân theo đạo của tiên vương, phải nói về nghĩa lý, bởi vì đạo lý là “nguyên do” và “đương nhiên” của sự vật; không nên làm trái với đạo đức truyền thống.

Giữ trọn nhân nghĩa, bình thản ung dung

Vào thời điểm đó, đất nước đang ở thời kỳ chiến tranh và hỗn loạn, Hứa Hoành ngày đêm suy xét, đọc thuộc và tự mình thực hành lễ nghi. Ông xem xét mỗi lời nói và hành vi của mình phải phù hợp với lễ nghi, sau đó ông mới thực hiện. 

Một lần đi ngang qua Hà Dương vào mùa hè, Hứa Hoành vô cùng khát nước. Bên đường có cây lê, mọi người tranh nhau hái lê để ăn. Hứa Hoành ngồi một mình ngay ngắn dưới gốc cây như thường lệ. Có người hỏi ông tại sao không ăn, ông nói: “Lấy thứ không phải của mình là không đúng”. Người khác nói: “Thế gian hỗn loạn như thế, những quả lê này từ lâu đã không còn chủ nữa”. Hứa Hoành nói, “Lê không có chủ, nhưng chẳng lẽ lòng ta cũng không có chủ hay sao?”

Nhân nghĩa đáng giá ngàn vàng
Hiểu đạo lý thì sẽ không lấy đồ của người khác (ảnh minh họa Sogou)

Hứa Hoành sau đó chuyển đến Sơn Đông và ở lại Ngụy Châu. Mọi người nhìn thấy đạo đức cao thượng của ông và dần dần học theo. Hứa Hoành ở lại Ngụy Châu trong 3 năm, khi nghe tin chiến tranh sắp ngừng, ông trở về Hoài Châu. Việc cưới hỏi và tang lễ ông đều làm theo lễ nghi và khuyến khích người dân trong làng làm theo.

Bởi vì gia cảnh nghèo khó, Hứa Hoành tự mình ra đồng làm ruộng, ngũ cốc chín thì ăn hạt, ngũ cốc chưa chín thì ăn rau, sống một cách bình thản và ung dung. Mỗi ngày tiếng ngâm thơ đọc sách của ông êm tai như tiếng nhạc. Nếu như nhà dư dả được chút, ông lại đem phân chia cho những người trong họ hàng và những học trò nghèo khó.

Một ngày tuyết rơi, một học trò bất chấp gió bão để đến xin chỉ bảo. Hứa Hoành thấy anh run lên vì lạnh bèn cởi áo khoác bông cho anh mặc và hỏi: “Sao cậu chỉ mặc một bộ quần áo mỏng ra ngoài?” Người học trò nói: “Mẹ con bị ốm. Vì vậy, con đã đem cầm chiếc áo khoác bông để đổi lấy thuốc cho mẹ”. Hứa Hoành lập tức lấy ra 2 quan tiền và đưa cho người học trò để chuộc lại chiếc áo bông. 

Người học trò này biết Hứa Hoành gia cảnh vốn không giàu có nên đã từ chối nhận. Hứa Hoành nói: “Ta giúp cậu vượt qua khó khăn trước mắt, nhưng không ảnh hưởng đến sinh kế của ta. Huống hồ người xưa có câu nói rất hay rằng: ‘Tiền tài như phấn thổ, nhân nghĩa trị thiên kim’. Ta luôn tin rằng: thu nhập có thể đáp ứng nhu cầu cơ bản của cuộc sống là được rồi, số tiền dư ra nên dùng để giúp đỡ người khác”. Sau đó, Hứa Hoành đưa tiền cho cậu học trò nghèo. 

Theo Vision Times

x