Văn hóa truyền thống

Người đáng thương ắt có chỗ đáng giận, người ăn xin khổ cực là do đâu?

14/07/21, 11:22
Người đáng thương ắt có chỗ đáng giận, người ăn xin khổ cực là do đâu?
Người đáng thương ắt có chỗ đáng giận, người ăn xin khổ cực là do đâu? (ảnh Adobe Stock)

Giữa nơi ồn ào phố thị, đôi khi chúng ta sẽ bắt gặp những hoàn cảnh bất hạnh, những cậu bé ăn xin quần áo rách rưới, những người khuyết tật lết mình khắp nơi mưu sinh… nhìn họ vậy hỏi ai là không động mối thương tâm. Nhưng kỳ thực, chuyện trên đời đều có nhân quả, người đáng thương ắt có chỗ đáng giận.

Kiếp này ăn xin khổ cực là do đâu?

Chuyện kể rằng, có một cậu bé ăn xin bị mù hai mắt phải sống đơn độc một mình. Khi vừa sinh ra thì cậu đã bị cha mẹ vứt bỏ do bị mù. Cậu may mắn được một người đàn ông tàn tật sống bằng nghề ăn xin mang về nuôi. Cậu được người cha nuôi này chăm sóc mà dần lớn lên. Về sau thì người cha nuôi này cũng qua đời, cậu lại một lần nữa trở thành cô nhi.

Vì quá đau khổ, cậu nằm trên phần mộ của cha nuôi kêu khóc thảm thiết. Cậu thấy ông trời thật bất công, sao lại đối xử với cậu quá tàn nhẫn. Cậu gào khóc một hồi thì lăn ra ngủ ngay tại đó. Trong lúc mơ màng, cậu thấy có một ông lão tóc bạc trắng đi đến dùng tay làm phép diễn hóa ra một số cảnh tượng…

Ăn xin ăn mày; Ăn xin đường phố; Ăn mày là gì
Cậu bé ăn xin cảm thấy ông trời thật bất công với mình (ảnh Adobe Stock)

Hình ảnh hiện ra trước mắt là vào triều đại nhà Minh. Cách kinh thành không xa có một gia đình vô cùng giàu có, chủ nhân tên là Lý Phóng. Tuy gia cảnh giàu có nhưng mãi đến tuổi trung niên mới có được một người con trai, đặt tên là Đại Hỉ.

Trong vô minh không ngừng tạo nghiệp

Vì mãi mới sinh được một người con nên hai vợ chồng Lý Phóng vui mừng khôn xiết; từ nhỏ đến lớn Đại Hỉ được sống trong nhung lụa và được cha mẹ cưng chiều hết mực. Đại Hỉ muốn gì được nấy, muốn làm gì thì liền làm nấy, lâu ngày thành quen và không còn coi ai ra gì nữa. Sau khi lớn lên, Đại Hỉ thường xuyên đi gây chuyện khắp nơi khiến bà con lối xóm chẳng ngày nào được yên. Đại Hỉ tiêu tiền như rác, bày đủ trò quậy phá để tiêu khiển. 

Một ngày nọ, Đại Hỉ đang đi trên đường thì thấy có một cô nương xinh đẹp nên động tà niệm muốn chiếm đoạt thiếu nữ đó. May sao lúc đó có một nhà sư cưỡi ngựa đi ngang qua và cứu cô gái chạy thoát. Đại Hỉ đuổi theo đến trước một ngôi chùa, vừa hay lúc đó có một lão hòa thượng từ bên trong đi ra. Đại Hỉ nghi ngờ thiếu nữ đang trốn trong chùa nên đòi vào tìm; lão hòa thượng cản lại không cho. Đại Hỉ tức giận liền dùng cây đánh lên đầu lão hòa thượng một cái. Có lẽ do đánh phải chỗ hiểm nên lão hòa thượng lăn ra chết ngay tại chỗ.

Ăn mày dĩ vãng; Người không đáng thương; Người mẹ đáng thương
Tính tình ngang ngược, ra tay đánh chết cả lão hòa thượng (ảnh Adobe Stock)

Cuối đời tỉnh ngộ hiếu thuận với mẹ

Đại Hỉ bị bắt vào nhà lao. Nhưng cậu lại trốn tránh trách nhiệm và vu cho lão hòa thượng cướp thiếu nữ đó của mình. Người nhà của Đại Hỉ vì để chạy tội cho con nên đã dùng tiền mua chuộc viên quan và nhân chứng, đổi trắng thay đen. Đại Hỉ được cứu thoát, nhưng chẳng bao lâu sau thì mẹ của Đại Hỉ bị mù hai mắt, cha của Đại Hỉ cũng bị bệnh rồi qua đời.

Đứng trước biến cố to lớn của gia đình, Đại Hỉ bỗng nhiên tỉnh ngộ. Cậu nhận ra những việc mình làm là sai trái nên hối cải, hiếu kính mẹ già. Cậu học cách nấu cơm giặt quần áo, chăm sóc mẹ đến khi bà qua đời. Sau khi mẹ mất không lâu, Đại Hỉ cũng vì uất ức mà qua đời.

Lầm lỡ một đời mà phải làm ăn xin ba kiếp

Đại Hỉ trong câu chuyện trên chính là cậu bé ăn xin mù lòa trong kiếp này. Sau khi ông lão tóc trắng giúp cậu bé nhìn lại tiền kiếp của mình thì thở dài nói:

“Nợ nghiệp của ngươi quá lớn, không những ức hiếp con gái nhà lành, tiêu tiền như nước, quấy phá làng xóm… Ngươi còn phỉ báng người tu Phật, lại còn đánh chết người ta, tội chồng thêm tội.

Niệm tình nhà ngươi có hiếu với mẹ già nên mới tránh khỏi thần hồn tiêu tán. Nay phạt nhà ngươi ba đời không tiền của, ba đời không hôn nhân, ba đời ăn xin. Người cha nuôi tàn tật chính là người mẹ kiếp trước của ngươi; vì kiếp trước nuông chiều khiến ngươi hư hỏng nên kiếp này phạt bà ta phải làm ăn xin. 

Vì kiếp trước ngươi đối xử hiếu thuận với bà ta nên kiếp này quay lại kết hợp nhân duyên nuôi ngươi khôn lớn. Nếu như kiếp này ngươi có thể giữ vững tâm tính, có thể tiêu trừ nghiệp chướng thì kiếp sau sẽ được phúc báo.”

Nhân quả báo ứng; Nhân quả nhãn tiền; luân hồi chuyển kiếp
Mọi chuyện trên đời đều là do nhân quả luân báo (ảnh Adobe Stock)

Người đáng thương ắt có chỗ đáng giận

Quả thật trên đời không có gì nằm ngoài nhân quả luân báo, sướng khổ buồn vui cũng đều do nhân quả mà thành. Người ta hay nói, nhìn quả đời này biết nhân đời trước, người đáng thương trong hiện tại thì ắt hẳn trong quá khứ đã có điều đáng giận. Vì vậy cũng thôi than trách trời gần trời xa.

Nhưng người ta cũng nói, nhìn vào hiện tại có thể đoán biết được tương lai, số phận tuy đã được an bài là vậy, nhưng nếu biết hành thiện tích đức thì vẫn có thể cải biến được vận mệnh, hoặc tương lai nhất định cũng sẽ được phúc báo.

Theo DKN

x