Văn hóa truyền thống

Làm tận hết trách nhiệm, thành hay bại vâng theo thiên mệnh

16/06/23, 17:33
Làm tận hết trách nhiệm, thành hay bại vâng theo thiên mệnh
Làm tận hết trách nhiệm, thành hay bại vâng theo thiên mệnh (ảnh minh họa Pinterest)

Thái độ sống tốt nhất có lẽ là “Tận nhân sự, quan thiên mệnh”, làm hết khả năng với việc thế gian, còn lại thì vâng theo thiên mệnh.

“Tận nhân sự, quan thiên mệnh” là câu nói trong “Kính hoa duyên” của Lý Nhữ Trân thời nhà Thanh. Câu này có hàm ý rằng, người ta khi làm gì phải cố gắng hết sức, tận hết trách nhiệm, còn làm có được hay không thì cứ vâng theo mệnh Trời. Kỳ thực, khi đã làm hết sức mình thì dù không thành công thì cũng không phải hổ thẹn với lương tâm.

Gia Cát Lượng tài ba lỗi lạc, thống lĩnh ba quân, bày mưu tính kế, hô phong hoán vũ, nổi tiếng với câu nói “cúc cung tận tụy, đến chết mới thôi” – chính là cũng “tận nhân sự” rồi – nhưng cuối cùng cũng phải chấp nhận “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên” – chính là vâng theo thiên mệnh.

Có người cho rằng sống tùy duyên, thuận theo tự nhiên, vâng theo mệnh Trời là không có chí tiến thủ, phó mặc số phận, kỳ thực không phải như vậy. Tùy duyên là làm hết sức mình mà không cưỡng cầu, chứ không phải là không làm gì và để mặc do dòng đời đưa đẩy. Chỉ có thuận theo tự nhiên thì lòng mới tự tại, thành hay bại thì trong mệnh đã định sẵn rồi, bản thân làm hết phận sự thì cũng không có gì phải hối hận.

Làm tận hết trách nhiệm, thành hay bại vâng theo thiên mệnh
(ảnh minh họa Pinterest)

“Tận nhân sự” mà không biết “quan thiên mệnh” thì sẽ thành cố chấp, hoặc rơi vào đau khổ dằn vặt, oán trời trách đất, để rồi tự mình làm khổ chính mình. Trong “Tử bất ngữ” của Viên Mai thời nhà Thanh có bài thơ rằng: 

Nhân sinh mệnh định, ảo bất đắc,
Hiềm bần ái phú, sử bất đắc,
Tham tang uổng pháp, tố bất đắc,
Biệt nhân thê nữ, dâm bất đắc…
Táng quan cai bạc, hậu bất đắc!

Tạm dịch nghĩa là:

Đời người đã định không thể bẻ cong,
Chê nghèo thích giàu cũng vô dụng,
Ăn tiền phạm pháp không thể làm,
Vợ của người khác đừng bừa bãi…
Quan tài nên mỏng thì không thể dày!

Về câu thơ “Quan tài nên mỏng thì không thể dày”, thì ở Đài Châu (Trung Quốc) có một câu chuyện kể rằng:

Trước đây ở Đài Châu có một gia tộc lớn họ Trương. Trong nhà có một người làm đã hơn 60 tuổi rồi mà không có con cái. Ông lão vì muốn chuẩn bị trước cho hậu sự của mình nên đã mua sẵn một chiếc quan tài. Nhưng mua về rồi thì ông lại cho rằng gỗ của quan tài quá mỏng, cảm thấy không hài lòng.

Ông liền nghĩ ra một cách, đó là để ý xem nhà nào có tang mà chưa kịp chuẩn bị quan tài, ông sẽ cho họ mượn chiếc quan tài của mình để phát tang, tuy nhiên ông sẽ đưa ra một yêu cầu là: Khi trả lại quan tài thì phải làm nó dày thêm một lớp, xem như đó là lấy lời.

Qua nhiều năm, quan tài liên tục được cho mượn, và cứ thế dày lên. Khi chiếc quan tài đã dày đến 9 tấc thì ông lão cảm thấy rất hài lòng. Ông liền để chiếc quan tài ở dưới mái hiên của nhà chủ, đợi đến khi ông qua đời thì mọi người sẽ giúp ông dùng trong tang lễ.

Làm tận hết trách nhiệm, thành hay bại vâng theo thiên mệnh
(ảnh minh họa Pinterest)

Một đêm nọ, nhà hàng xóm bỗng nhiên bị cháy, mọi người hoảng hốt bỏ chạy, lửa cháy lan tới cả nhà họ Trương. Lúc này ông lão vô cùng lo lắng, sợ chiếc quan tài của mình sẽ bị cháy mất, ông nhờ mọi người đẩy chiếc quan tài ra ngoài.

Tuy nhiên quan tài đã bị bén lửa nên phải đẩy nó xuống nước. Sau khi mọi người dập lửa xong thì mới vớt quan tài lên trên bờ cho ông lão. Cũng thật may mắn, chiếc quan tài sau khi bỏ những lớp cháy đi thì vẫn còn sử dụng được. Nhưng điều kỳ lạ là, độ dày của lớp gỗ quan tài đã trở về như lúc ban đầu. Ông lão bao năm nay khổ cực làm dày quan tài nhưng cuối cùng cũng phí công vô ích.

Từ đó dân gian mới có câu: “Quan tài nên mỏng thì không thể dày”, với hàm ý rằng, không phải chuyện sinh tử, mà ngay cả những chi tiết nhỏ nhặt trong đời người cũng đều được định sẵn hết rồi.

Người xưa nói: “Trong mệnh có thì ắt sẽ có, trong mệnh không có thì đừng cưỡng cầu”. Ông lão vì muốn có một chiếc quan tài đẹp hơn mà tốn bao công sức, nhưng đẹp hay xấu thì chết rồi cũng không thể mang theo được, cố chấp vào những thứ phù phiếm như vậy chẳng phải quá vô ích hay sao?

Vậy nên, sống trên đời này, cần không ngừng tu dưỡng bản thân, nhận thấy điều gì đúng đắn thì nên tận sức để làm, làm xong rồi, dù có thành công hay không thì cũng vui vẻ chấp nhận, đó mới là lối sống lành mạnh, thuận theo tự nhiên, vâng theo thiên mệnh. 

Tổng hợp

x