Nhà sáng lập kiêm CEO của tổ chức đào tạo kỹ năng học tập Skill Incubator đã chia sẻ 10 thói quen giúp bạn có thể nâng cao hiệu quả học tập.
- Cha mẹ thông thái: Phương pháp Hoàng đế Khang Hy dạy con cháu học tập
- Phương pháp học của các anh hùng thiên cổ, từng câu thụ ích cả đời
Tạp chí “Entreprendre” của Mỹ mới đây đã đăng một bài viết đặc biệt của Chris Dunn, nhà sáng lập kiêm CEO của tổ chức đào tạo kỹ năng học tập Skill Incubator, giới thiệu 10 thói quen học tập gửi tới độc giả, với hy vọng giúp mọi người tăng gấp đôi hiệu quả học tập của mình.
Nội dung chính
1. Tốc độ đọc
Nhiều doanh nhân thành đạt có thói quen đọc sách hàng ngày, chẳng hạn Warrent Buffett có thể đọc hàng trăm trang sách chỉ trong vài giờ mỗi ngày.
Tốc độ đọc trung bình của người bình thường là 200 đến 400 từ mỗi phút. Những người có tốc độ đọc nhanh có thể đọc từ 1.000 đến 1.700 từ mỗi phút. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi khả năng đọc nhanh sẽ mang lại hiệu quả lớn hơn cho việc tiếp thu kiến thức.
Kỹ năng đọc nhanh bao gồm đọc theo cụm (nghĩa là đọc một nhóm từ thay vì một từ), giảm thiểu đọc thầm (nghĩa là khắc phục thói quen đọc nhẩm trong đầu), đọc lướt (đọc nhanh một đoạn văn để tìm thông tin quan trọng) và trỏ (sử dụng các công cụ như bút để hướng dẫn đường đọc) v.v.
Kỹ năng đọc nhanh cần được thực hành thường xuyên. Một khi bạn đã biến kỹ năng này thành thói quen, bạn có thể tiếp nhận được nhiều thông tin hơn trong thời gian ngắn hơn.
2. Môi trường học tập
Bạn có bao giờ để ý rằng, có những thời điểm trong ngày việc học sẽ dễ dàng hơn, những lúc khác nó có vẻ quá sức và giống như một trận chiến khó khăn hay không? Tất cả chúng ta đều có nhịp sinh học của riêng mình về giấc ngủ, nhiệt độ cơ thể và trạng thái tinh thần. Nếu bạn có thể hiểu rõ thời điểm bạn tỉnh táo và nhạy bén nhất thì hãy tận dụng thời gian này để học tập.
Trong trạng thái sợ hãi, lo lắng và căng thẳng, bạn khó có thể phát huy được trí thông minh và sức sáng tạo bên trong của mình. Để tạo cho mình một trạng thái học tập tốt nhất, hãy chọn một môi trường an toàn, sạch sẽ và thoải mái, đồng thời hít thở sâu để giúp bạn thư giãn và tập trung.
Các nghiên cứu cũng cho rằng, nhiệt độ phòng ảnh hưởng đến khả năng học tập. Do đó, hãy cố gắng giữ nhiệt độ trong khoảng 22℃ đến 27℃ để phát huy tốt nhất khả năng học tập của mình.
3. Ghi chép bằng tay
Ghi chép bằng tay có thể giúp chúng ta phân tích và tổng hợp thông tin đang học. Hành động ghi chép sẽ đánh lừa bộ não rằng, chúng ta đang luyện tập để ghi nhớ thông tin.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ghi chép bằng tay sẽ giúp não ghi nhớ thông tin lâu hơn đánh máy. Tuy rằng, tốc độ viết tay sẽ chậm hơn nhiều so với đánh máy, nhưng khi viết tay, chúng ta cần phải đưa ra phán đoán, chắt lọc và tổng hợp lại những thông tin đã học. Còn khi chúng ta gõ trên máy tính, chúng ta thường không nghĩ về thông tin, mà chỉ đơn giản là sao chép nguyên văn mà thôi. Để tăng tốc độ học tập của bạn, hãy dưỡng thành thói quen ghi chép bằng tay.
4. Kết hợp nhiều phương thức học tập
Mọi người đều có phương thức học tập ưa thích của riêng mình. Nếu bạn là kiểu người thiên về “thị giác”, bạn sẽ thấy việc học thông qua hình ảnh, biểu đồ hoặc bản trình bày PowerPoint dễ dàng hơn nhiều. Nếu bạn là kiểu người thiên về “thính giác”, bạn sẽ thích podcast, bản ghi cuộc phỏng vấn và sách nói. Nếu bạn là kiểu người thiên về “đọc” thì cách tốt nhất là khi đọc bạn hãy ghi chép lại. Còn nếu bạn thiên về “xúc giác” hơn, bạn sẽ ấn tượng nhất với những gì liên quan đến cảm xúc hoặc những gì bản thân làm ra.
Thấu hiểu phương thức học ưa thích của bản thân có thể nâng cao khả năng tiếp thu thông tin và ghi nhớ kiến thức. Nhưng nếu bạn có thể kết hợp tất cả các phương thức học tập thì hiệu quả mang lại sẽ càng tốt hơn. Ví dụ: Nếu bạn đang đọc một bài viết về kỹ thuật lập trình, hãy đọc to nó, vẽ sơ đồ tư duy và ngay lập tức thử triển khai nó trên trang web của riêng bạn.
5. Tạo kết nối với tinh thần
Thời gian học cũng có thể được rút ngắn bằng cách tạo ra các kết nối tinh thần giữa kiến thức hiện có và kiến thức mới. Ví như: Bạn có thể sử dụng các từ viết tắt hoặc cách gieo vần quen thuộc để giúp ghi nhớ trình tự các loại hình marketing khác nhau; Hay sử dụng màu sắc yêu thích minh họa nội dung đã học, để hỗ trợ cho việc ghi nhớ. Đây đều là các cách để tạo ra các liên kết tinh thần. Càng sử dụng cách liên kết tinh thần càng nhiều, tốc độ học tập của bạn sẽ càng tăng lên.
6. Rèn luyện trí não
Bộ não giống như cơ bắp trong cơ thể, bạn càng sử dụng nhiều thì bộ não sẽ hoạt động càng tốt. Bạn có thể đặt cho mình những thử thách mới như cố gắng học điều gì đó mới, như vậy sẽ tăng cường khả năng tập trung, trí nhớ và khả năng nhận thức của bạn. Đồng thời, bạn có thể tăng tốc độ tư duy của bạn bằng cách sử dụng các ứng dụng thú vị như BrainHQ và Lumosity. Khi bạn càng rèn luyện trí não của mình, bạn sẽ càng học nhanh hơn.
7. Nghe nhạc sóng não α (alpha)
Có 4 loại sóng não chính với tần số khác nhau: α (alpha), β (beta), δ (delta) và θ (theta). Trong số đó, sóng não α là giúp tinh thần chúng ta ở trạng thái tập trung và hiệu quả cao nhất trong học tập.
Trong quá trình học tập, bạn có thể nghe nhạc sóng não α (chẳng hạn như nhạc Baroque) với tần số từ 8 Hz đến 13 Hz để điều chỉnh sóng não của bạn về trạng thái sóng alpha. Nếu bạn không thích nhạc baroque, bạn cũng có thể chọn các loại nhạc khác có nhịp điệu tương tự. Cố gắng không nghe những bài hát có lời để tránh bị phân tâm.
8. Sau 6 giờ thì đổi sang cách học tập khác
Malcolm Gladwell là tác giả tờ New Yorker đã đưa ra khái niệm “luyện tập có chủ ý” trong cuốn sách bán chạy nhất vào năm 2008 của mình: “Outliers: The Story of Success”.
“Luyện tập có chủ ý” là luyện tập lặp đi lặp lại tập trung vào việc cải thiện một kỹ năng và thoát ra khỏi vùng an toàn của bạn. Trong cuốn sách, Gladwell sử dụng khái niệm “luyện tập có chủ ý” để giải thích tại sao một số vận động viên và nhạc sĩ tiến bộ nhanh hơn nhiều so với những người khác.
Nhiều nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra rằng chỉ cần thay đổi phương pháp luyện tập có thể làm tăng tốc độ học tập, đặc biệt là các môn vận động. Đó là bởi vì việc điều chỉnh quá trình luyện tập sẽ củng cố những kiến thức đã học bằng những kiến thức mới. Bởi vậy, bạn có thể thay đổi phương pháp học tập một chút sau 6 giờ luyện tập, bởi vì thời gian củng cố bộ não ước chừng 6 giờ.
9. Tích lũy kinh nghiệm thực hành
Không có cách học tập nào tốt hơn là áp dụng kiến thức vào thực tế. Kiến thức sách giáo khoa chỉ trở nên hữu ích khi được kết hợp với thực tế mà thôi. Ví dụ, bạn có thể đọc rất nhiều về đầu tư và cổ phiếu, nhưng chỉ khi bạn thực sự mua cổ phiếu đầu tiên của mình, bạn mới thực sự hiểu quy trình này có nghĩa là gì và việc đưa tiền của bạn vào thị trường sẽ như thế nào.
Một cách khác là đắm mình hoàn toàn vào trải nghiệm học tập. Ví dụ: Nếu bạn muốn học tiếng Tây Ban Nha, bạn có thể sống ở Mexico trong vài tháng mà không sử dụng bất kỳ tiếng mẹ đẻ nào. Như thế sẽ nhanh hơn nhiều so với việc bạn học ngôn ngữ đó thông qua sách nói và sách giáo khoa.
10. Dạy người khác những gì bạn đang học
Khi bạn dạy cho người khác những gì bạn học được, bạn có thể nhớ khoảng 90% nội dung đó. Bằng cách chia sẻ kiến thức của mình với người khác, bạn không chỉ giúp đỡ người khác, mà còn có thể nhanh chóng khám phá ra mình đã nắm vững đến đâu và bỏ sót điều gì.
Chris Dunn chia sẻ rằng, dưỡng thành và phát triển 10 thói quen học tập này sẽ giúp bạn học mọi thứ một cách nhanh chóng và dễ dàng hơn.
Theo Sound of Hope