Văn hóa truyền thống

Khổng Tử: “Thiên hạ có 5 điều đáng lo ngại”, ngày nay điều nào đang phổ biến?

25/06/21, 07:33
Khổng Tử: “Thiên hạ có 5 điều đáng lo ngại”, ngày nay điều nào đang phổ biến?
Khổng Tử từng nói về 5 điều đáng lo ngại của thiên hạ (ảnh NTDVN)

Khổng Tử từng nói về 5 điều đáng lo ngại của thiên hạ, tuy là cách đây đã hơn 2.000 năm nhưng vẫn còn mang tính thời sự. Vậy ngày nay điều nào đang trở nên phổ biến?

Một ngày nọ, vua nước Lỗ hỏi Khổng Tử: “Ta nghe nói mở rộng xây dựng nhà cửa về hướng Đông không phải là việc tốt. Có phải như vậy không?”

Khổng Tử nói: “Thần nghe nói thiên hạ có 5 điều đáng lo ngại, mà việc mở rộng xây dựng về phía Đông không nằm trong số đó”.

Vậy 5 điều đáng lo ngại đó là gì?

Điều thứ nhất: “Hại người lợi mình”

Của cải vật chất là thứ sinh không mang theo đến, tử không mang theo đi; nhưng đức và nghiệp lại là thứ mang theo con người đời đời kiếp kiếp. Vậy mà con người lại mê muội lừa gạt người khác để chiếm đoạt tiền tài một cách phi pháp, tự làm tổn hại đến phúc báo của bản thân. Phúc phận vừa hết thì báo ứng cũng lập tức đến, lúc đó thì tiền tài chiếm đoạt được đâu còn ý nghĩa gì nữa?

Điều thứ hai: “Khinh già, trọng trẻ là gia đình xấu”, thiên hạ đang rất phổ biến việc này

Thiên hạ hữu tình; Thiên hạ vô song; Khổng tử là ai
Ngày nay ‘hiếu thảo’ đã trở thành hiếu với con, thuận với cháu (ảnh Facebook)

Người già bỏ mặc không quan tâm chăm sóc, lại dồn hết tình thương yêu lên trẻ nhỏ. Gia đình như vậy sẽ không gặp may mắn. Tại sao gia đình này lại không may mắn?

Người xưa so sánh mối quan hệ trong gia đình với một cái cây lớn. Trong đó quả là con, thân cây là cha mẹ, gốc rễ là ông bà. Vậy muốn cây phát triển xanh tốt thì chăm bón chất dinh dưỡng ở đâu? Hẳn là phải từ gốc rễ rồi.

Tuy nhiên, hầu hết các bậc cha mẹ đều chăm bón chất dinh dưỡng lên trái cây. Kết quả là trái cây non không thể hấp thụ được chất dinh dưỡng nên dẫn đến bị thối rữa – tức là những đứa trẻ được chiều chuộng quá sinh hư hỏng. Đây là mấu chốt trong vấn đề nuôi dạy con trẻ thời hiện đại. 

Ngày xưa, con cháu hiếu thảo với cha mẹ ông bà thường được gọi là người con hiếu thảo, người cháu hiếu thảo. Còn thời nay thì hàm nghĩa câu này đã bị đổi ngược lại, nghĩa là hiếu với con, thuận với cháu.

Cha mẹ luôn là tấm gương để con cái học tập theo. Ở trong nhà, bạn cư xử nhẹ nhàng, cung kính với cha mẹ thì không cần nói thì con trẻ cũng tự học theo. Còn nếu bạn cư xử thiếu lễ độ thì con trẻ cũng học theo và tương lai chúng cũng đối xử với bạn giống như vậy.

Điều thứ 3: “Thích nổi danh nhưng bất tài là đất nước suy”

Người thích nổi danh sẽ thích những kẻ xu nịnh và bài xích những người tài đức; dần dần đất nước sẽ toàn do những kẻ bất tài vô dụng lãnh đạo. Đây chẳng phải là cái họa của quốc gia hay sao?

Hơn nữa, bên trên không chính thì bên dưới sẽ loạn; bên trên toàn người xu nịnh gian dối thì ở dưới cũng toàn lừa lọc hại người. Như vậy đạo đức xã hội sẽ nhanh chóng mà trượt dốc không phanh.

Khổng tử dạy; Khổng tử và lão tử; Khổng tử tinh hoa
Lãnh đạo nịnh trên nạt dưới, lừa lọc gian trá thì quốc gia sẽ suy vong (ảnh tamthuc)

Điều thứ 4: “Già không dạy bảo, trẻ thời không học, đó cũng là tập tục xấu ở đời”

Người già không muốn dạy bảo người trẻ; người trẻ tuổi thì mang tâm ngạo mạn không muốn học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Cứ như vậy thì trình độ tri thức của lớp sau càng ngày càng kém đi. Đây cũng thực là một điều đáng lo ngại trong thiên hạ.

Điều thứ 5: “Thánh nhân không quản, người xấu tự ý làm loạn, đây cũng là điều xấu đối với thiên hạ”

Khổng tử gặp lão tử; Khổng tử thế gia; Phong thủy nhà ở
Tâm còn chưa thiện, phong thủy vô ích (ảnh Vandieuhay)

Bậc Thánh hiền là những người có trí tuệ và đức hạnh, vậy mà họ lại đi ẩn cư hết. Đây quả thực là điều đáng buồn đối với thiên hạ.

Vậy tại sao bậc Thánh nhân lại đi ẩn cư hết? Bởi vì họ không được trọng dụng, quốc gia không dùng đến, khuyên can cũng không ai nghe. Người tài đức không tham tiền tài danh vọng; khi thấy bản thân không có đất dụng võ thì tự nhiên sẽ lui về ở ẩn. Ngược lại, kẻ bất tài vô dụng lại dùng mọi cách để leo lên cao. 

Trở lại câu hỏi của vua nước Lỗ, việc không tốt không phải là nằm ở phong thủy tốt xấu thế nào mà là nằm ở đạo đức của con người. Người xưa có câu: “Nơi người phúc đức ở sẽ thành phúc địa, đất lành người tốt ở”.

Câu này ý nói rằng, nơi nào vốn ban đầu có phong thủy không tốt, nhưng nếu người biết tu thân tích đức đến ở một thời gian thì phong thủy liền thay đổi, trở thành miền đất tốt lành. Còn nếu như vùng đất ban đầu có phong thủy tốt nhưng người vô đức đến ở một thời gian thì cũng sẽ chuyển thành xấu.

Theo DKN

x