Văn hóa truyền thống

Gần son thì đỏ, gần mực thì đen

28/08/23, 08:00
Gần son thì đỏ, gần mực thì đen
Gần son thì đỏ, gần mực thì đen (ảnh minh họa Vision Times)

Người xưa nói: “Gần son thì đỏ, gần mực thì đen”, là có hàm ý rằng, môi trường có thể làm thay đổi thói quen và vận mệnh của con người.

Thành ngữ “gần son thì đỏ, gần mực thì đen”

Thành ngữ “gần son thì đỏ, gần mực thì đen” xuất phát từ cuốn “Thái tử thiếu phó châm” của Phó Huyền thời Tây Tấn: “Cố cận chu giả xích, cận mặc giả hắc, thanh hòa tắc hưởng thanh, hình chính tắc ảnh trực”. Có ý chủ yếu là: Nếu gần chu sa thì dễ bị nhuộm thành màu đỏ, gần mực đen thì dễ bị nhuộm thành đen. Về sau, mọi người thường dùng câu này để ám chỉ môi trường sẽ ảnh hưởng và thay đổi thói quen của con người. 

Gần son thì đỏ, gần mực thì đen
Phó Huyền khuyên nhủ Thái tử (ảnh: NTDVN)

Phó Huyền là một chính trị gia và nhà tư tưởng nổi tiếng những năm đầu thời Tây Tấn. Ông là người uyên bác, có tài viết văn, tham gia biên soạn “Ngụy thư” và viết “Phúc tử” hàng trăm nghìn chữ.

Tác phẩm “Thái tử thiếu phó châm” của ông đã được lưu giữ trong “Bắc đường thư sao cuốn 65”. Trong đó đề cập rằng hình dạng của kim loại hoặc gỗ không phải tất cả đều cố định, mà có thể được thay đổi thông qua một số công cụ hoặc phương pháp nhất định. Nó giống như việc đặt một vật nào đó gần thuốc màu đỏ, theo thời gian nó đương nhiên sẽ bị nhuộm đỏ; nếu đặt cạnh thuốc màu đen thì theo thời gian nó cũng sẽ bị nhuộm đen.

Sở dĩ Phó Huyền nói như vậy là để thuyết phục thái tử, giải thích rằng môi trường có ảnh hưởng rất lớn đến con người. Là quân vương tương lai của đất nước cần phải biết rõ rằng, sự tồn vong của đất nước hoàn toàn phụ thuộc vào mình. Nếu xung quanh có những trung thần chính trực, ngay thẳng phò tá, thì bản thân sẽ làm điều đúng đắn, như vậy người dân đương nhiên sẽ có thể an cư lạc nghiệp, quốc gia có thể hưng thịnh.

Nếu xung quanh có gian thần, tiểu nhân, dụ dỗ nịnh bợ mà không làm điều ngay chính thì dân chúng ắt không yên ổn, quốc gia chắc chắn sẽ suy bại. Chân lý này cũng giống như trong cuốn “Tuân Tử _ Khuyến học” đã nói: “Bồng sinh ma trung, bất phù tự trực, bạch sa tại niết, dữ chi câu hắc”. Có nghĩa là, cỏ bồng mọc trong bụi gai, không nâng vẫn thẳng; cát trắng trong bùn, cuối cùng cũng đều thành màu đen. 

Sức ảnh hưởng của môi trường đối với con người là rất lớn. Ở cùng với ai sẽ quyết định cuộc đời sau này như thế nào, thậm chí nó còn thay đổi đường đời con người, quyết định thành bại cả cuộc đời. Cho dù là người có phẩm hạnh tốt, nếu ở trong môi trường xã hội xấu, thì cũng dần dần bị ảnh hưởng, cũng trở nên xấu đi.

Mạnh Mẫu 3 lần chuyển nhà

Câu chuyện mẹ Mạnh Tử 3 lần chuyển nhà cũng rất nổi tiếng trong lịch sử. Mạnh Mẫu vì để tìm hoàn cảnh sống thích hợp cho con trai của mình chuyên tâm học tập mà đã nhiều lần chuyển nơi ở. Ban đầu, nơi hai mẹ con chuyển tới ở gần một bãi tha ma. 

Gần son thì đỏ, gần mực thì đen
Mạnh Mẫu 3 lần chuyển nhà để Mạnh Tử có hoàn cảnh sống thích hợp (ảnh: Kknews)

Thấy Mạnh Tử thường xuyên cùng các bạn chơi trò xây mộ, cúng tế, nên bà quyết định chuyển nhà đến nơi khác sinh sống. Gia đình Mạnh Tử chuyển đến sinh sống trong nội thành sầm uất, nhưng lại cách một lò giết mổ không xa. Mạnh Tử thường xuyên cùng các bạn hàng xóm chơi trò buôn bán, mặc cả, thậm chí cãi vã với nhau.

Mạnh Mẫu quyết định chuyển nhà lần nữa. Lần này mẹ con họ chuyển đến sống ở chỗ đối diện với một trường học và văn miếu. Cứ đến ngày đầu tháng âm lịch, các vị quan viên lại đến văn miếu bái lạy hành lễ, thi lễ. Mạnh Tử chứng kiến cảnh ấy liền ghi nhớ từng chi tiết một mà bắt chước theo. Mạnh Mẫu nghĩ: “Đây mới là nơi thích hợp cho con trai ta ở”. Vì vậy, mẹ của Mạnh Tử đã chọn ở lại nơi này.

Môi trường sống có tác dụng vô cùng quan trọng đối với quá trình trưởng thành của mỗi con người. Môi trường sống khác nhau sẽ dưỡng thành nên những thói quen khác nhau, từ đó ảnh hưởng đến tính cách và số phận của người đó.

Trong “Mặc Tử _ Sở Nhiễm” cũng viết: “Mặc Tử nhìn thấy có người đang nhuộm lụa, thở dài nói: ‘Cho vào thùng nhuộm màu xanh thì nó sẽ thành màu xanh, cho vào thùng nhuộm màu vàng thì nó sẽ thành màu vàng. Thuốc nhuộm thay đổi, màu sắc của lụa cũng thay đổi. Đem lụa ngâm vào lần lượt 5 loại thuốc nhuộm khác nhau thì cuối cùng sẽ được tấm vải lụa 5 màu. Vì vậy, khi nhuộm lụa, cần phải cẩn thận!’ Không phải chỉ là việc nhuộm lụa, một quốc gia cũng tồn tại vấn đề bị ảnh hưởng giống như nhuộm lụa vậy!”

Theo Vision Times

x