Nhân sinh cảm ngộ

Đau khổ cũng là của cải của đời người

24/03/23, 17:31
Chịu khổ là một loại tài phú của đời người
Nếu có thể vượt qua hết đắng cay của cuộc sống, mới có thể nếm trải hương vị ngọt ngào (ảnh: Beautyworld)

Chịu khổ chịu thiệt là phúc, người có thể chịu khổ thì khó khăn nào cũng có thể vượt qua, đau khổ cũng là của cải của đời người.

Trong cuộc sống: “Thứ duy nhất trên đời không thể giữ lại chính là thời gian, thứ duy nhất không thể quay lại chính là cuộc đời.” Trong hành trình nhân sinh, chúng ta bước đi như thế nào và sống ra sao là do sự lựa chọn và nỗ lực của chính mỗi người.

Có người dù trải qua khó khăn, gian khổ đến mấy cũng có thể thản nhiên mà vượt qua. Nhưng cũng có người, cho dù cuộc đời luôn thuận buồm xuôi gió thì vẫn cứ oán trời trách đất. Thực ra, ở đời có một điều vô cùng quý giá, đó là biết chịu khổ.

Khi chúng ta có thể hiểu rằng đau khổ là một loại tài phú, cuộc sống sẽ tràn ngập lòng biết ơn, ít cảm giác chông chênh và hụt hẫng hơn. Suy cho cùng, bây giờ đau khổ chính là để cho tương lai không chịu đau khổ nữa.

1. Đau khổ là một loại tài phú

Khi tôi còn nhỏ, cha mẹ thường dạy rằng: “Chịu được khổ trong khổ, thì mới làm người ở trên người”. Lúc đó, tôi cảm thấy điều này không đúng, tại sao bản thân phải chịu khổ như vậy? Điều đó chẳng phải là ngốc hay sao?

Kỳ thực, sau này tôi mới hiểu cha mẹ đang dùng kinh nghiệm sống của mình để dạy cho chúng tôi biết, khi có thể chịu đựng được khó khăn và đau khổ chính là tạo ra khả năng chịu đựng cho bản thân. Như vậy mới có thể rèn luyện bản thân trở nên mạnh mẽ, tự lập và kiên cường đối diện mọi khó khăn trong cuộc sống. 

Của cải là gì; Của cải vật chất là gì; Của cải vật chất; Của cải là vật ngoài thân; Tiết kiệm của cải là gì
Năm tháng tuổi thơ vất vả có thể rèn luyện ý chí và nghị lực của con người (ảnh minh họa Dantocmiennui)

Khi tôi còn ở tuổi thiếu niên, mỗi năm vào mùa đồng áng bận rộn, cha mẹ tôi luôn đánh thức 3 anh em tôi dậy trước lúc bình minh. Dù trong lòng không muốn dậy nhưng chúng tôi không dám nói ra. Bởi đứa nào dám nói “không” thì thật sự sẽ bị cha mẹ mắng. Sau đó, tôi cùng cha đi gặt lúa, chị gái nấu bữa sáng ở nhà, em trai thì đi trồng ngô với mẹ, cả nhà đều bận rộn với công việc của mình. 

Sau đó, cha tôi để lúa đã thu hoạch trên mặt đất, tôi đi theo sau, dùng rơm thắt nút, bó lúa thành từng đống rồi kéo đến gần xe đẩy, chờ cha tôi khiêng lên xe. Mỗi lần chất đầy lên xe là phải kéo về nhà, cha tôi sẽ đẩy phía sau xe, còn tôi kéo phía trước. Tôi vừa nghiến răng cúi đầu, vừa lê từng bước một cách khó khăn. 

Chính nhờ những năm tháng tuổi thơ vất vả đó mà tôi nhận ra rằng ở đời không có bữa cơm nào là miễn phí, bữa cơm nào cũng phải tự mình kiếm lấy. Cho nên, sau này dù cuộc sống khó khăn cực khổ đến đâu, tôi cũng không sợ hãi, mà ngược lại tôi sẽ bình tĩnh để đối diện. Cho dù phải chịu bao nhiêu gian khổ, tôi cũng sẽ vui vẻ đón nhận.

Nếu bạn không sợ khổ, hơn nữa còn coi những khó khăn mà bạn đã trải qua như một loại kinh nghiệm sống, thì không có điều gì có thể cản trở bạn thành công. Cuộc đời vốn có muôn vàn khổ đau, chỉ khi chịu đựng được hết những khổ đau ấy, chúng ta mới có thể trưởng thành hơn. Cuộc sống cũng vì thế mà càng thuận lợi và suôn sẻ hơn.

2. Chịu khổ bây giờ sẽ hưởng lợi cả đời

Cuốn sách “Trị gia cách ngôn” cuối thời nhà Minh có viết rằng: “Thà chịu khổ khi còn trẻ, còn hơn chịu cái nghèo khi về già”. Trong quá trình trưởng thành, chúng ta đều không ngừng nỗ lực hoàn thiện bản thân và cố gắng để đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Trong hành trình này, không ai tránh khỏi đau khổ, vấp ngã hay tổn thương. Nhưng nếu chúng ta có thể kiên trì tiến bước tới cùng, thì sau này sẽ có thể tận hưởng quả ngọt của thành công, không còn lo lắng những ngày tháng về già thiếu cơm ăn áo mặc.

Khuông Hoành là một học giả Nho gia thời Tây Hán. Ông sinh ra trong một gia đình nhiều đời làm nông, nhưng ông sẵn sàng chịu đựng gian khổ từ khi còn nhỏ và rất ham học. Vì không đủ tiền mua nến, ông đã nghĩ ra cách đục vách tường nhà hàng xóm để lấy ánh sáng đọc sách. Câu chuyện “Tạc bích tá quang” (đục tường mượn sáng) đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ nho sĩ sau này.

Nhưng ngoài ra, điều mà Khuông Hoành băn khoăn nhất là không thể đọc nhiều sách hơn nữa. Thế là, Khuông Hoành nghĩ ra một cách hay, trong huyện có một gia đình vô cùng giàu có, trong nhà lưu giữ rất nhiều sách quý.

Chịu khổ là một loại tài phú của đời người
Câu chuyện “Tạc bích tá quang” (đục tường mượn sáng) đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ nho sĩ (ảnh: tw-book)

Khuông Hoành đã chủ động tìm đến gia đình này và nói với người chủ rằng ông sẽ đến làm thuê ở đây mà không cần bất kỳ khoản tiền lương nào, chỉ mong có thể được đọc tất cả những cuốn sách ở đây.

Người chủ nhà vô cùng cảm động trước quyết tâm chịu khổ học tập của Khuông Hoành nên đã đồng ý với yêu cầu của ông. Kể từ đó, miễn là Khuông Hoành làm xong công việc của mình, ông có thể đọc bất kỳ cuốn sách nào trong nhà. Trải qua những năm tháng khổ học như vậy, Khuông Hoành sau này đã trở thành một học giả uyên bác, lưu danh sử sách và được người đời sau ca tụng.

3. Bây giờ không chịu khổ thì mai sau sẽ phải chịu khổ

Thăng trầm nơi thế gian là để rèn luyện tâm con người, đắng cay trong đời người là để rèn luyện sự kiên nhẫn. Mỗi người sống trên đời, ai cũng có những khó khăn của riêng mình. Chỉ bằng cách chịu đựng những thăng trầm và đau khổ, cuộc sống mới có thể viên mãn và trọn vẹn hơn.

Tôi từng đọc câu chuyện về một cặp vợ chồng già sau hơn 10 năm chung sống mới sinh được một cậu con trai, vì vậy mà hết mực cưng chiều. Hai vợ chồng làm lụng vất vả hàng ngày chỉ để nuôi con ăn học, không bao giờ muốn con phải chịu một chút khổ, thậm chí con muốn gì cũng cho.

Chịu khổ là một loại tài phú của đời người
Một người không thể chịu khổ, trong cuộc sống sau này sẽ chịu càng nhiều thống khổ hơn (ảnh minh họa Afamily)

Khi cậu con trai lên cấp 3, cậu bé cảm thấy học hành quá vất vả, lại không muốn chịu khổ. Thế là, hai vợ chồng già để cậu con trai ở nhà chơi. Những người xung quanh thấy vậy đã thuyết phục hai vợ chồng già rằng không nên quá chiều chuộng đứa trẻ, khó khăn nào cũng phải chịu đựng vượt qua. Nhưng hai vợ chồng già không coi trọng điều đó mà vẫn chiều chuộng con trai mình. 

Tuy nhiên, trong một trận giông bão, hai vợ chồng già đã ngã xuống vùng nước sâu và cả hai đều thiệt mạng. Người con trai 20 tuổi khi tổ chức tang lễ cho cha mẹ, đã nhiều lần phải khóc lóc vì bị trưởng bối trong dòng họ la mắng do không hiểu phép tắc. Sau đó, dưới sự dụ dỗ của người có dụng tâm xấu, người con trai đã bán tài sản và bỏ nhà đi không biết tung tích.

Kỳ thực, kinh nghiệm sống là được tích lũy từng bước từng bước một. Nếu một người không muốn hoặc không thể nhẫn chịu cực khổ đương nhiên sẽ không đủ năng lực để ứng phó những khó khăn trong cuộc sống. Vì thế trong cuộc sống sau này sẽ thấy phải chịu nhiều thống khổ hơn.

Vậy nên chịu khổ không phải là điều gì không tốt, trái lại giúp rèn luyện khả năng chịu đựng, kiên trì đi tới mục đích đã đặt ra, niềm vui sẽ tự đến.

Theo 360doc

x