Vẻ đẹp Chân Thiện Nhẫn, Nhân vật, Khác

Đại Pháp cho tôi cuộc đời mới

27/09/20, 08:11

Có lúc nhìn lại quãng thời gian trước tôi chợt rùng mình, nếu không gặp được Đại Pháp không hiểu cuộc đời tôi sẽ đi đâu về đâu. Giờ đây tôi thấy mình như một chú chim trưởng thành tràn đầy năng lượng và sức mạnh để có thể sải cánh bay về nơi ấy, nơi chỉ có sự bình yên, lòng từ bi và niềm hạnh phúc ngự trị trong tâm.

Cuộc đời đi đâu về đâu

Tôi tên là Đặng Thị Nga, năm nay tôi 20 tuổi, hiện đang sống ở xã Tam Đa, huyện Phù Cừ, Hưng Yên. Gia đình tôi có 3 chị em. Tôi sinh ra đã bé nhỏ và ốm yếu, suốt những năm đi học phổ thông, tôi gầy nhẳng và xanh xao không sức sống. Tôi rất buồn và cảm thấy chán bản thân mình khi nhìn bố mẹ cứ mãi phải vất vả chăm lo cho tôi. Ốm đau liên miên khiến tôi lúc nào cũng trong tâm trạng mệt mỏi u uất và sợ hãi vô hình.

Cảm giác mình như gánh nặng cho gia đình càng khiến tôi thu mình trong cái thế giới sầu não của bản thân. Tôi không muốn tiếp xúc với bất kỳ ai, đến lớp học rồi lại mau chóng về nhà thu mình vào một góc. Thậm chí tôi còn cảm thấy khó chịu và cáu gắt khi mọi người, kể cả mẹ tôi hỏi đến tôi. Tôi giống như một con chim yếu ớt sợ hãi, nhưng lúc nào cũng muốn xù lông xù cánh với mọi người. 

Đi học, giờ ra chơi lũ bạn thì đùa vui chạy nhảy còn tôi chỉ ngồi một góc nhìn theo vô cảm. Dồn sức lo cho tôi suốt nhiều năm, lại còn phải vất vả lo cho cuộc sống của gia đình nên bố mẹ tôi cũng nản, đành chấp nhận tôi như một sự thiếu may mắn trong gia đình.

Từ nhỏ tôi đã tin vào Phật, tuy tôi không lên chùa thắp hương hay thờ cúng, nhưng tôi vẫn tin rằng Thần Phật có thể giúp đỡ con người hết khổ. Vì vậy mỗi lần đi qua cửa chùa tôi cũng hướng vào trong và cầu mong Phật ban cho mình sức khỏe và niềm vui. Niềm tin đó cũng an ủi phần nào cuộc sống sầu não của tôi.

Đại Pháp cho tôi cuộc đời mới

Vào năm 2013, một ngày tôi đạp xe lên nhà ông nội chơi, xưa nay ông luôn là người thương cảm và động viên tôi mỗi khi gặp. Lần này ông vui mừng đưa cho tôi một cuốn sách và dặn rằng đây là cuốn sách quý của một môn khí công tu luyện, hãy đọc và học theo những hướng dẫn của sách nhé.

Tôi nhìn cuốn sách Chuyển Pháp Luân mà chưa hiểu điều gì đang đến với mình, nhưng nhìn thái độ trân trọng của ông khi trao nó cho tôi, tôi cảm thấy nó chính là cứu cánh cho cuộc đời. Tôi ôm cuốn sách vào ngực suốt quãng đường về nhà. Tôi còn không dám để sách vào cái giỏ xe phía trước vì sợ đường xóc sẽ làm hỏng sách.

Cuộc đời của tôi đã thay đổi nhờ đọc được cuốn sách Chuyển Pháp Luân này


Vậy là vào năm 13 tuổi, thay vì có thể theo chúng bạn chọn cách giải trí bằng những bộ phim hoạt hình hay những cuốn truyện tranh màu sắc. Tôi theo ông nội tu luyện môn Pháp Luân Đại Pháp hay còn gọi là Pháp Luân Công, một môn tu luyện của Phật gia.


Trong một thời gian ngắn đọc sách và tập 5 bài tập của môn Pháp Luân Công, sức khoẻ của tôi đã cải thiện rõ rệt. Thay vì lúc nào cũng như hết hơi mỗi khi đạp xe đi học thì giờ tôi cảm thấy xe cứ bon bon chạy mà không cảm thấy mệt.

Sức khoẻ của tôi đã tốt hẳn lên nhờ vào 5 bài luyện công

Điều tuyệt vời là tinh thần tôi đã thay đổi hẳn, tôi không còn âu sầu, cau có hay gắt gỏng. Mọi người quanh tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy tôi đã có thể cười rạng rỡ thay cho khuôn mặt âu sầu trước đây. Tôi đã biết sống chan hoà cùng mọi người, tham gia các hoạt động cùng bạn bè ở trường cũng như trong thôn xóm. 

Sau 2 năm tu luyện, một chị đồng môn nói với tôi rằng bên đoàn Nghệ thuật Hồng Ân Hải Dương đang cần những người trẻ tuổi để bổ xung vào đội múa. Lúc này tuy tự thấy mình tay chân cứng, người lại gầy nhẳng và cũng không biết đến múa bao giờ, nhưng tôi cũng mạnh dạn tham gia.

Tôi và một số bạn được chị đội trưởng đội múa đoàn Hồng Ân Hải Dương hướng dẫn tập một tiết mục múa. Sau 4 ngày học và cố gắng luyện tập tôi được tham gia múa cùng đội. 

Tham gia múa cùng các bạn khiến tôi cảm thấy cuộc đời mình thêm ý nghĩa

Nói đơn giản là 4 ngày học, nhưng sự thực sau đó là một sự khổ luyện bản thân thường xuyên mỗi ngày. Ngày đó tôi vẫn còn đi học nên không chủ động được phương tiện, đi lại thật khó khăn. Mỗi lần đi học múa tôi phải đón chờ xe buýt đến nơi tập xa hơn 40km. Đoàn lại chủ yếu tập vào buổi tối cuối tuần nên rất khó đối với tôi.

Rồi những buổi đoàn đi biểu diễn xa đối với tôi cũng là một vấn đề rất lớn… nhưng tình yêu đối với múa đã giúp tôi vượt qua những khó khăn trong rèn luyện, những động tác xoay người, nhảy cao, uốn cầu, xoạc âm … Tất cả đối với tôi đều là những bài tập khổ luyện.  

Mỗi động tác múa là cả một sự khổ luyện mà trước đây tôi chưa từng nỗ lực như vậy trong đời mình

Sau hơn một năm tham gia một  tiết mục múa ở đoàn Nghệ thuật Hồng Ân Hải Dương, tôi có mong muốn ở Hưng Yên cũng có đội múa để tham gia đoàn Nghệ Thuật Hồng Ân quê nhà. Tôi trở về và lập một nhóm các chị em rồi cũng bằng cách này các khác dạy lại những gì mà tôi đã từng được học.

Tôi lên mạng tìm hiểu, học hỏi thêm những điều cần thiết cho một diễn viên múa. Giờ đây chúng tôi cũng đã có được những thành công nhất định cho nghề cho dù chỉ là những người biểu diễn nghiệp dư.

Động tác bay lên này khiến tôi cảm thấy cuộc đời mình đúng là đang thăng hoa

Hiện tôi là đội trưởng đội múa của đoàn Nghệ thuật Hồng Ân Hưng Yên, đoàn nghệ thuật của những học viên tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được thành lập với mục đích nhằm lưu giữ lại những giá trị văn hoá truyền thống. Đoàn thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn thiện niệm miễn phí nhằm mang đến cho mọi người những giá trị và vẻ đẹp của nghệ thuật truyền thống, khơi gợi lòng thiện niệm trong mỗi con người.  

Có lúc nhìn lại quãng thời gian trước tôi chợt rùng mình, nếu không gặp được Đại Pháp không hiểu cuộc đời tôi sẽ đi đâu về đâu. Giờ đây tôi thấy mình như một chú chim trưởng thành tràn đầy năng lượng và sức mạnh để có thể sải cánh bay về nơi ấy, nơi chỉ có sự bình yên, lòng từ bi và niềm hạnh phúc ngự trị trong tâm.

Giờ đây tôi cảm thấy mình tràn đầy năng lượng mà muốn sống một cách hữu ích nhất

Mời các bạn cùng xem video câu chuyện này của Nga:

x