Bà Nghiêm Ấu Vận thích ăn nhiều thịt cá và không thích thể thao, nhưng bà lại sống thọ đến 112 tuổi. Vậy đâu là bí quyết sống trường thọ của bà?
Bà Nghiêm Ấu Vận là một người có địa vị xã hội ở Thượng Hải thời Trung Hoa Dân Quốc, sống đến 112 tuổi và qua đời vào tháng 5 năm 2017. Bà không thích tập thể dục và thích ăn nhiều cá, thịt, điều này đi ngược lại với quan niệm “dưỡng sinh” bình thường mà chúng ta biết. Bà kết luận rằng bí quyết trường thọ của mình chỉ là “2 chữ”.
Nội dung chính
Gia cảnh của Nghiêm Ấu Vận
Nghiêm Ấu Vận sinh năm 1905 trong một gia đình quan chức rất giàu có ở Thượng Hải. Ông nội của bà là Nghiêm Tín Hậu, làm phụ tá cho Lý Hồng Chương, một danh thần nổi tiếng vào cuối triều đại nhà Thanh. Cha của bà là Nghiêm Tử Quân, điều hành các doanh nghiệp công nghiệp và thương mại trên khắp đất nước. Hai người chị gái của bà là Nghiêm Thái Vận và Nghiêm Liên Vận cũng là những người nổi tiếng ở Thượng Hải, và họ còn được gọi là “Ba chị em nhà họ Nghiêm”.
Năm 14 tuổi, Nghiêm Ấu Vận vào trường trung học nữ sinh Thiên Tân Trung Tây để học, sau đó cùng gia đình chuyển về Thượng Hải. Năm 1925, bà trở thành nữ sinh đầu tiên của Đại học Hỗ Giang. Năm 1927, bà chuyển đến Đại học Phúc Đán để học năm 3 tại đây.
Nghiêm Ấu Vận cùng chồng ra nước ngoài
Năm 1929, sau khi tốt nghiệp Đại học Phúc Đán, Nghiêm Ấu Vận kết hôn với nhà ngoại giao trẻ tuổi Dương Quang Sinh. Không lâu sau khi kết hôn, Dương Quang Sinh được chính phủ Quốc Dân cử đi làm việc ở châu Âu, và ông đã dẫn theo vợ mình là Nghiêm Ấu Vận cùng đi.
Năm 1938, Dương Quang Sinh chấp nhận yêu cầu của Bộ trưởng Bộ Tài chính của Chính phủ Quốc gia, làm Tổng lãnh sự Trung Quốc tại Manila với cấp bậc Công sứ để quyên tiền cho kháng chiến chống Nhật. Do đó, Nghiêm Ấu Vận bắt đầu tham gia vào các hoạt động xã hội, bà được bầu làm chủ tịch danh dự của chi nhánh tại Philippines của Hiệp hội nữ chiến sĩ tự vệ và chống Nhật, giúp phát triển các kênh gây quỹ mới.
Năm 1942, quân đội Nhật chiếm đóng Manila và bắt giữ Dương Quang Sinh cùng 7 viên chức lãnh sự khác. Sự “mất tích” của chồng khiến các bà vợ của các nhà ngoại giao tự động tập trung tại chỗ Nghiêm Ấu Vận. Nghiêm Ấu Vận lập tức trở thành “Đại tổng quản” duy trì “cộng đồng” này. Bà dẫn dắt những người phụ nữ khai hoang bãi cỏ thành vườn rau, chăn nuôi gà lợn và làm trung gian hòa giải mâu thuẫn giữa các bên.
Sau khi chồng mất, bà tham gia vào Liên Hợp Quốc
Sau chiến thắng trong Chiến tranh chống Nhật, Nghiêm Ấu Vận mới biết được chồng mình đã bị người Nhật giết hại, nên bà cùng 3 cô con gái trở về Hoa Kỳ và gia nhập Ban Lễ tân của Liên Hợp Quốc, trở thành những nhân viên đầu tiên của Liên Hợp Quốc. Công việc của bà bao gồm tất cả các vấn đề liên quan đến nghi thức: Tiếp đón các Đại sứ mới nhậm chức, sắp xếp để họ trình quốc thư, đón và tiễn các nguyên thủ quốc gia đến thăm, làm thủ tục hải quan, sắp xếp khách sạn và đoàn xe hộ tống, v.v.
Trong 13 năm làm việc tại Liên hợp quốc, 3 cô con gái của Nghiêm Ấu Vận đều thành đạt trong học tập và lập gia đình. Cô con gái thứ 2 Dương Tuyết Lan nhớ lại cuộc sống không có cha khi còn nhỏ: “Mẹ là người giữ lửa cho gia đình, mọi người đều yêu thương mẹ. Khi còn nhỏ, tôi chưa từng cảm thấy đau khổ, chỉ có tình yêu thương”.
Năm 1959, Nghiêm Ấu Vận kết hôn với Cố Duy Quân – “nhà ngoại giao số 1 tại Trung Hoa Dân Quốc”. Kể từ đó, cả hai đã ở bên nhau 18 năm cho đến khi Cố Duy Quân qua đời.
Vào năm 2015, khi Nghiêm Ấu Vận 109 tuổi, bà đã phát hành tự truyện bằng miệng của chính mình với tên là – “109 mùa xuân: Câu chuyện của tôi”.
Vào ngày 24 tháng 5 năm 2017, Nghiêm Ấu Vận, người có địa vị xã hội thuộc thế hệ đầu tiên ở Thượng Hải, đã qua đời vì bệnh tật tại nhà riêng ở New York, hưởng thọ 112 tuổi.
Nghiêm Ấu Vận trường thọ 112 tuổi, bí quyết chỉ có 2 chữ “lạc quan”
Nghiêm Ấu Vận sống đến 112 tuổi, rất nhiều người cho rằng thói quen sinh hoạt của bà khiến bà sống lâu hơn, nhưng thực tế không phải vậy. Đầu tiên, bà là người không thích thể thao, không có thói quen tập thể dục, thường xuyên ở nhà một mình, hơn nữa bà thích ăn thịt, chưa bao giờ thấy ngán, khi ốm cũng không muốn đến bệnh viện mà thích ở nhà.
Cuộc đời bà trải qua nhiều thăng trầm, nhưng dù khó khăn có lớn đến đâu bà cũng không nản chí, tiêu cực, bà luôn đối mặt với chúng một cách tích cực, tìm mọi cách giải quyết và tràn đầy kỳ vọng vào tương lai, bà thích đi giày cao gót, cho dù ở độ tuổi 80, 90, hơn nữa bà còn ra ngoài mua sắm và tham dự một số bữa tiệc.
Bà đã viết trong cuốn tự truyện “Câu chuyện của tôi” (My Story, năm 2009) rằng: “Tôi chỉ có một bí mật duy nhất: Lạc quan. Hãy ngừng sống trong quá khứ và dành thời gian suy nghĩ về cách tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn“.
Cuộc đời của Nghiêm Ấu Vận giống như một bài thơ, khi đối mặt với những chuyện không vừa ý, bà luôn giữ thái độ lạc quan. Bà cũng thường nói với những người xung quanh rằng hãy học hỏi từ bà, cần phải tràn đầy hy vọng trong cuộc sống và lạc quan đối mặt với hết thảy mọi thứ.
Theo Vision Times