Vẻ đẹp Chân Thiện Nhẫn, Nhân vật

Bệnh tật không biết từ đâu kéo đến, nhưng trong rủi lại có may

02/04/24, 09:52
Bệnh tật không biết từ đâu kéo đến, nhưng trong rủi lại có may
Cũng vì bị bệnh tật mà cô Nguyệt lại có duyên đắc được Phật Pháp (ảnh nhân vật cung cấp)

Phật Pháp dù đặt trước cổng nhà nhưng người không có duyên thì cũng khó đắc được; thế gian ồn ào náo nhiệt, hỏi mấy ai có thể nghĩ tới chuyện tu luyện nếu như cuộc sống không gặp phải những chuyện bất như ý? Trong rủi lại có may, cô Nguyệt cũng vì bị bệnh tật nên lại có duyên đắc được Phật Pháp, cuộc đời cô đã thay đổi hoàn toàn kể từ đây. 

Khi cuộc sống đã ổn định, trong nhà có nếp có tẻ, con gái lớn cũng đã sinh được một đứa cháu ngoại rất kháu khỉnh, thì cô Nguyễn Thị Nguyệt (54 tuổi, ở Thị trấn Chờ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) lại bị bệnh tật bủa vây, cứ trị xong bệnh này thì lại sinh ra bệnh khác, giày vò cô không có lúc nào yên.

Đợt đó cô thường thấy mình ăn uống không tiêu, lúc nào cũng đầy bụng, ấm ách rất khó chịu. Cô nghĩ mình bị đau dạ dày rồi. Tháng 6 năm 2012, cháu ngoại xuống chơi, bị sốt rất cao, thế là mẹ con cô bồng cháu đi bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh. Lúc này tiện thể cô bảo con gái trông cháu để mình đi kiểm tra dạ dày xem thế nào.

Bác sĩ cho cô đi nội soi, phát hiện trong dạ dày của cô có khối u, lấy tế bào đi sinh thiết. Bác sĩ gọi người nhà vào mà không nói với cô. Khi con gái ra, thấy con từ phòng bác sĩ ra nước mắt chan hòa mà không nói gì cả. Linh tính là mình có chuyện chẳng lành. Cô cũng đoán chắc mình bị ung thư nên thái độ của con mới thế. Dù rất hoang mang, lo sợ nhưng cô lại động viên con: “Con đừng khóc, mỗi người một mệnh, sinh tử là cái số của mỗi người. Con là chị cả, phải cứng rắn làm chỗ dựa cho các em.”

Chồng con cô không tin tưởng lại đưa cô sang viện K và các bệnh viện lớn bên Hà Nội khám lại, nhưng kết quả vẫn như vậy. Vậy là cô nhập viện K và theo phác đồ điều trị ở đây. Cô phải mổ cắt bỏ 3/4 dạ dày và truyền 8 mũi hóa chất.

Trong rủi lại có may; Trong rủi lại có cái may; Trong cái rủi lại có cái may
(ảnh nhân vật cung cấp)

Mới truyền mũi 1 mà cô thấy người vô cùng mệt mỏi, ăn vào nôn hết ra, ngửi mùi thức ăn cũng buồn nôn. Truyền xong 8 mũi, cô vô cùng mệt, tóc rụng hết, người đang 55kg sụt chỉ còn hơn 40kg, ai cũng nghĩ là cô sẽ chết!

Sau xạ trị bác sĩ yêu cầu kiểm tra 3 tháng 1 lần. Sau đó lại 6 tháng 1 lần. Sau 2 năm, bác sĩ kiểm tra và xác định không còn tế bào ung thư. Ai cũng mừng, nhất là cô.

Những tưởng khổ nạn đã qua đi thì một thời gian sau cô lại thấy đau ở sườn bên phải, có lần đau quá làm cô bị ngất đi; gia đình vội đưa cô đi cấp cứu, bác sĩ kết luận cô bị sỏi mật, phải mổ. Nhưng vì cơ thể cô quá yếu nên bác sĩ khuyên cô về nhà bồi dưỡng, rồi mổ sau. 

Một tháng sau cô lại ngất phải đi cấp cứu. Lần này bác sĩ kết luận cô có thêm bệnh tim đập nhanh (187 nhịp/phút). Bác sĩ trị bệnh tim cho cô thấy ổn rồi thì cho cô ra viện. Nhưng cứ vài tháng bệnh tim lại tái diễn như cũ mà không trị dứt điểm được. Bác sĩ viện Bạch Mai khuyên cô nên thử một phương pháp điều trị đặc biệt, nhưng nói tỉ lệ thành công chỉ 50%. Gia đình quyết định làm, và sau khi điều trị bằng phương pháp đó thì may mắn là bệnh tim của cô đã khỏi.

Cái sảy nó nảy cái ung, khỏi được bệnh tim thì cơn đau sỏi mật lại ập đến. Cơ thể cô yếu quá không mổ được. Ai khuyên cái gì cô cũng làm theo, chỉ ở đâu có thầy giỏi thuốc hay cô cũng đi nhưng không thấy đỡ.

Năm 2014, thấy mọi người đi tập Yoga, cô rủ chị dâu mình cùng đi tập. Tập Yoga xong lại lên chùa tụng kinh. Nhưng cả một năm mà cũng chẳng thấy cơ thể khỏe lên chút nào, bệnh cũng chẳng thuyên giảm. Cứ vài tháng lại phải đi cấp cứu. Một lần đi viện cấp cứu bác sĩ lại phát hiện cô bị viêm khớp gối bên phải, xẹp đĩa đệm, đau nửa đầu vai gáy, phải uống thuốc và châm cứu thường xuyên mà bệnh tình vẫn không đỡ. Bác sĩ bảo phải sống chung với lũ. Ốm đau, tốn tiền mà bệnh chẳng khỏi, cô sinh ra cáu bẳn, cứ việc gì không vừa ý là cáu gắt, quăng đồ khiến gia đình lúc nào cũng căng thẳng…

Đến năm 2015, cô bị đau lại, đi cấp cứu vẫn là sỏi túi mật, một bác sĩ quen ở Trung tâm Ung bướu Bắc Ninh, cô ấy cho cô một đơn thuốc uống, bảo đỡ đau thì chuẩn bị mổ. Nhưng uống thuốc thấy không đau nữa thế là cô bắt xe quay về, quyết định không mổ.

Có người khuyên cô nên đi xem bói. Cô cũng đi, cô đồng bảo cô phải trình đồng mở phủ 3 lần (vì cô đồng bảo nghiệp cô nặng phải mở phủ 3 lần mới thoát được kiếp nạn này). Cô về bàn với gia đình, mọi người đồng ý. Dù tốn kém nhưng có bệnh thì vái tứ phương. Thế là cả nhà gom góp rồi vay mượn để làm lễ. Lần đầu mở phủ hết 70 triệu. Lần thứ 2 cách lần đầu 100 ngày, hết 35 triệu. Lần thứ 3 mở phủ hết 50 triệu, vẫn cô đồng đó làm giúp. Nhưng kết quả cũng không thấy có gì khả quan, bệnh của cô vẫn cứ như thế. 

3 năm khổ cực, chịu đủ thứ bệnh hành hạ, và cuối cùng may mắn cũng đến với cô, bạn của con gái lớn của cô thấy cô bệnh tật nhiều quá, trị mãi không hết, nên mới nói với con gái cô: “Em hãy về khuyên mẹ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp!” Con gái cô nói với cô rằng: “Chị ấy lúc nào cũng khỏe mạnh, tính tình luôn vui vẻ, ôn hòa, lúc nào cũng nhiệt tình với người khác nên con tin và quý chị ấy lắm.” Nghe con gái động viên nên cô cũng thử tập xem sao. Cô không bao giờ quên ngày hôm đó – ngày 25 tháng 8 năm 2015 – ngày mà cô bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công).

Bệnh tật không biết từ đâu kéo đến, nhưng trong rủi lại có may
Cô Nguyệt đang luyện bài công pháp thứ 5 của Pháp Luân Đại Pháp (ảnh nhân vật cung cấp)

Mới ngày đầu học Pháp (đọc Kinh sách Đại Pháp) và luyện công về mà cô đã không còn thấy đau như mọi ngày nữa. Cơ thể thấy thoải mái, nhẹ nhõm vô cùng. Trước chưa tu luyện, cô rất ít ngủ, có đêm thức trắng. Không ngủ được, cô thường xuống nói chuyện với em dâu bán hàng ăn đêm cho đỡ buồn, nhưng hôm đó cô ngủ một mạch đến 6 giờ sáng. Lúc tỉnh dậy cô ngạc nhiên: “Lâu lắm rồi mình mới có một giấc ngủ ngon như thế!” Thấy thế cô càng quyết tâm tu luyện hơn, bệnh tật dần lùi xa, cơ thể cô ngày càng khỏe mạnh hơn.

Ban đầu khi cô tu luyện Đại Pháp thì có người do chưa hiểu nên nói với chồng con của cô: “Không nên tập môn này, vì ở bên Trung Quốc mổ lấy nội tạng người tập Pháp Luân Công đấy. Tập môn này bị công an bắt đó.” 

Chồng và các con cô lo sợ và khuyên cô thôi không tập nữa. Nhưng sau khi tìm hiểu thì mọi người biết ở Việt Nam không cấm tập Pháp Luân Công, và việc mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đang bị cả thế giới lên án. Pháp Luân Công được hơn 100 quốc gia trên thế giới biết đến với hơn 100 triệu người đang tu luyện. Vậy là mọi người lại ủng hộ cô tu luyện môn này. Từ đó đến nay đã gần 9 năm cô tu luyện Đại Pháp, cô vô cùng khỏe mạnh, cô không phải đến bệnh viện để khám bệnh nữa. Gia đình cô cũng rất hạnh phúc!

Chồng cô trước đây bị tê bì, đau chân tay, thường phải đi viện châm cứu mà bệnh cũng chẳng đỡ. Năm 2020, dịch Covid bùng phát, chú không đi châm cứu được, chân đau tê mỏi cũng không thể đi tập thể dục được, cô chia sẻ với chồng: “Hay anh thử học Pháp và luyện công cùng với em.”

Bệnh tật không biết từ đâu kéo đến, nhưng trong rủi lại có may
Hai vợ chồng cô chú cùng bước vào tu luyện Đại Pháp (ảnh nhân vật cung cấp)

Chú đồng ý. Mới tập được vài hôm, chú bảo cô: “Tập môn này tốt thật. Nhẹ nhàng mà chân tay không còn đau, cơ thể cũng vô cùng thoải mái, dễ chịu”. Thế là từ đó chú chân chính bước vào tu luyện. Trước đây chú uống rượu rất nhiều, tính nóng nảy, nói nhiều, nhưng từ khi bước vào tu luyện, chú bỏ không uống rượu, tính tình ôn hòa, nhẹ nhàng, ai kích bác uống rượu chú chỉ cười, không uống. 

Cô chú đang luyện bài công pháp thứ 2 của Pháp Luân Đại Pháp (ảnh nhân vật cung cấp)

Chú chia sẻ: “Phật Pháp đã đặt đến cổng nhà rồi, tốt thế mà còn không đắc được thì không làm gì được nữa!”

Bạn đọc muốn giao lưu chia sẻ về Pháp Luân Đại Pháp thì có thể liên lạc với cô Nguyệt qua số điện thoại 0975 616 891. Hoặc cũng có thể vào trang web chính của Pháp Luân Đại Pháp https://vi.falundafa.org/ hay vào link https://hocphapluancong.com/ để được hướng dẫn chi tiết hơn về Pháp môn này.

x