Có người không chịu làm gì mà cứ chờ đợi sự giúp đỡ của người thiện lương, không ngừng lợi dụng người tốt, tuy nhiên từ bi cũng phải có uy nghiêm.
- Truyện cổ Phật gia: Vàng bạc còn đáng sợ hơn cả rắn độc
- Nhà sư ngốc chỉ thuộc một câu kệ mà thành Đạo
Thiền sư Hoàng Nghiệt là một vị cao tăng nổi tiếng thời nhà Đường. Sau khi về già ông đã thành lập chùa Quảng Giao ở núi Kính Đình, tỉnh An Huy.
Một hôm, thiền sư dẫn một tiểu đồ đệ ra ngoài có công việc. Bởi vì trên trời có mây đen nên thiền sư bảo đồ đệ mang theo 2 chiếc ô. Khi sư phụ và đồ đệ đi ngang qua một thị trấn nhỏ, cảm thấy hơi đói bụng, nên bước vào một quán ăn ven đường và gọi 2 bát canh đậu hũ. Trong lúc ăn, thiền sư tình cờ nghe được ông chủ nói với một chàng trai: “Nhìn trời có vẻ sắp mưa rồi, sao cậu ra ngoài mà không mang theo ô vậy?”
Chàng trai cười khúc khích nói: “Mang theo ô là gánh nặng. Trên đời ai cũng có sự lương thiện. Chỉ cần người khác mang ô, họ đều sẽ sẵn sàng chia sẻ một nửa chiếc ô để che mưa cho tôi, cho nên tôi không cần mang theo ô”. Chàng trai nói xong liền thoải mái lên đường.
Sau khi thiền sư Hoàng Nghiệt và đệ tử ăn canh đậu hũ xong, họ tiếp tục lên đường. Không lâu sau, trời bắt đầu mưa, thiền sư Hoàng Nghiệt và đệ tử đã có chuẩn bị từ trước, cầm ô tiếp tục lên đường.
Không lâu sau, 2 người đi ngang qua một ngôi nhà tranh, cửa của ngôi nhà đã khóa chặt, nhưng bên dưới mái hiên có một chàng trai đang trú mưa. Chàng trai gọi lớn thiền sư: “Thiền sư, Phật Pháp giảng phổ độ chúng sinh, ông có thể chia sẻ một nửa chiếc ô để giúp tôi che mưa, độ tôi một đoạn đường được không?”
Thiền sư nhìn kỹ hơn và thấy rằng đó là chàng trai trẻ trong quán ăn vừa rồi. Đệ tử của thiền sư đang cầm ô muốn đi tới, nhưng thiền sư gọi người đệ tử lại và nói với chàng trai: “Thầy trò tôi đang đi dưới mưa, còn cậu thì trú dưới mái hiên. Ngoài trời đang mưa. Nhưng dưới mái hiên không có mưa, tại sao còn cần chúng tôi độ cậu?”
Chàng trai nghe vậy, cười lớn, bước ra khỏi mái hiên và nói: “Bây giờ tôi cũng đang ở trong mưa, ông nhất định có thể độ tôi rồi phải không?”
Thiền sư nói: “Chúng tôi vẫn không thể độ cậu được. Tuy rằng chúng ta đều ở trong mưa, nhưng chúng tôi không bị mưa ướt vì ô đang cứu chúng tôi. Cậu bị mưa ướt vì cậu không mang ô. Nếu cậu muốn có ô để che thì cậu không nên tìm người, mà cần đi tìm ô!”
Nói xong, thiền sư dắt đồ đệ của mình bước đi. Đi được vài bước, tiểu đệ tử khó hiểu hỏi thiền sư: “Sư phụ, người xuất gia có lòng từ bi, nhưng sao người không để con giúp anh ấy?”
Thiền sư mỉm cười nói: “Con không nhìn ra sao? Ta đã cho cậu ấy sự giúp đỡ lớn nhất rồi. Mặc dù ta từ chối cậu ấy, nhưng thực ra ta đã dạy cậu ấy một bài học, mọi chuyện chỉ có thể dựa vào chính mình, không thể trông cậy hay lợi dụng sự lương thiện của người khác. Chúng ta quả thực nên có lòng từ bi, nhưng chúng ta cũng cần duy trì sự uy nghiêm của lương thiện”. Tiểu đệ tử lúc này mới tỉnh ngộ và gật đầu.
Người thiện lương tấm lòng rộng rãi, thường không tính toán gì mà giúp đỡ người khác, nhưng cũng cần phải có trí huệ để không bị người khác lợi dụng.
Theo Vision Times