Nhân sinh cảm ngộ

Chuyên gia tâm lý: Tha thứ cho người khác để bản thân hạnh phúc hơn

11/05/23, 08:14
Nói thật để sống an yên
Lòng chân thật mới là giá trị chân chính của con người(ảnh minh họa Adobestock)

Sẽ thật khó để tha thứ cho người đã làm tổn thương bạn, nhưng càng ôm giữ oán hận thì cuộc sống của bạn lại càng bất hạnh hơn.

Theo trang CNBC, Everett Worthington là nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư tâm lý học tại Đại học Virginia Commonwealth, Mỹ, ông đã tham gia nghiên cứu về sự tha thứ trong 30 năm. Theo ông, tha thứ cho người khác có rất nhiều lợi ích.

Worthington nói, phương thức chủ yếu để tha thứ đó là giảm thiểu số lần “tư lự” (rumination). “Tư lự” ở đây chính là việc trong lòng không ngừng suy nghĩ về điều đã khiến bản thân bị tổn thương.

Ông nói, mỗi khi tư lự, bạn sẽ trở nên lo lắng hơn. Và khi bạn tha thứ cho ai đó, bạn sẽ cảm thấy được an ủi ở một mức độ nào đó.

Trong một nghiên cứu gần đây của Worthington, 4.598 người từ 5 quốc gia đã tham gia vào một thí nghiệm liên quan đến sự tha thứ. Trong đó, một nửa số người tham gia sẽ làm xong hết tất cả những bài tập ở trong một quyển sổ tay hướng dẫn phương pháp tha thứ. Sau 2 tuần, họ ít có triệu chứng ưu buồn và lo lắng hơn so với những người không làm bài tập.

Chuyên gia tâm lý: Tha thứ cho người khác để bản thân hạnh phúc hơn
Oán hận người khác là tự làm khổ chính mình (ảnh minh họa Adobestock)

Quyển sổ tay hướng dẫn này là mô thức REACH do Worthington phát minh. Nó có tổng cộng 5 bước, và các chữ cái đầu tiên của 5 bước này theo thứ tự là R, E, A, C và H, như được mô tả ở dưới đây:

1. Nhớ lại những chuyện gây tổn thương (Recall the hurt)

Thử nhớ lại những tổn thương mà bạn đã trải qua, nhưng đừng tập trung vào những kết quả tiêu cực có thể xảy ra trong tương lai.

2. Đồng cảm với người làm tổn thương bạn (Empathize with the person)

Cố gắng cảm thông với người đã từng làm tổn thương bạn. Nếu bạn bị tổn thương sâu sắc đến mức không thể bỏ qua được, vậy thì bạn có thể thử thay thế nó bằng những cảm xúc khác. Ví dụ như bạn cảm thấy đáng tiếc cho người đó.   

3. Món quà vị tha (Altruistic gift)

Hãy dành tặng người khác món quà vị tha, khoan dung với họ. Đây là một loại lựa chọn.

4. Quyết định tha thứ (Commit)

Nếu như bạn đã quyết định là sẽ tha thứ cho người nào đó, vậy thì hãy làm điều đó.

5. Kiên trì với sự khoan dung của bạn (Hold onto your forgiveness)

Khi trong lòng bạn nổi lên một chút cảm xúc, khiến bạn nghi ngờ rằng liệu lòng khoan dung của mình có ích gì hay không, vậy thì lúc đó bạn phải kiên trì với lòng khoan dung của mình.

Chuyên gia tâm lý: Tha thứ cho người khác để bản thân hạnh phúc hơn
(ảnh: Adobestock)

Ông Worthington cũng từng phải đối mặt với một thử thách, đó là tha thứ cho hung thủ đã giết mẹ của ông. Mẹ của Worthington bị sát hại vào năm 1996. Ông cuối cùng đã tha thứ cho hung thủ, hơn nữa còn kiên trì với quyết định của mình.   

Đó không phải là một quyết định dễ dàng đối với Worthington, nhưng rõ ràng là việc này đã giải thoát ông khỏi bóng tối u ám.   

Roger Miller, nhà tâm lý học lâm sàng tại Phòng khám Aviv, chuyên môn nghiên cứu về sức khỏe thần kinh, đã nói rằng, nếu như mọi người có thể tha thứ cho người khác, thì chính là đang trợ giúp bản thân trị liệu vết thương tâm lý, thậm chí có thể giảm bớt căng thẳng và cải thiện sức khỏe sinh lý.  

Miller cho biết, căng thẳng trong thời gian dài có thể gây hại cho cơ thể, đặc biệt là khi “hormone căng thẳng” cortisol của bạn tăng cao. Điều này làm tăng nguy cơ lo lắng, trầm cảm, bệnh tim và tiểu đường.    

Ông nói rằng, khi chúng ta không tha thứ cho người khác, thì chính là chúng ta đang tự làm tổn thương chính mình.     

Theo Epoch Times

x