Vẻ đẹp Chân Thiện Nhẫn, Câu chuyện

Phật Pháp nhiệm màu chiếu sáng ngôi làng Tam Tảo cổ kính

16/04/21, 18:31
Phật Pháp nhiệm màu chiếu sáng ngôi làng Tam Tảo cổ kính
Phật Pháp nhiệm màu chiếu sáng ngôi làng Tam Tảo cổ kính. Bà Cần ở bên trái ảnh (ảnh nhân vật cung cấp)

Ra tận cổng làng Tam Tảo (ngôi làng cổ thuộc xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) đón tôi là bà Cần, năm nay đã gần 70 tuổi, thuộc lớp người “xưa nay hiếm”. Bà đưa tôi về thăm nhà, một căn nhà trần 3 gian nằm núp dưới bóng cây nhãn cổ thụ râm mát. Qua những lời giản dị, chân thành, bà đã kể tôi nghe câu chuyện kỳ diệu của cuộc đời bà kể từ khi biết đến Phật Pháp nhiệm màu.

Thuở nhỏ nghèo khó không được đến trường

Là người con thứ năm trong một gia đình nghèo có 8 người. Bà có cả anh trai và em nhỏ. Đến tuổi cắp sách đến trường bà cũng háo hức lắm, nhưng ngày khai trường đến gần thì trong một bữa cơm trưa bố lại nói với mẹ: “Có lẽ mình để con Cần ở nhà trông em, cơm nước việc nhà; chứ nếu nó mà đi học thì ai làm những việc ấy để mình ra đồng được!”

Thương con gái nhưng mẹ cũng phải thuận theo chồng vì chẳng còn cách nào khác. Ngày khai giảng đến, nhìn các bạn cùng trang lứa quần áo xênh xang, sách vở trên lưng, í ới rủ nhau tới trường đi học mà bà nước mắt ngắn, nước mắt dài. Nhưng biết làm sao được, cái phận nghèo mà!

Lần thứ hai lỡ hẹn với con chữ

Thời gian thấm thoát thoi đưa, cô bé Cần ở nhà trông em và nấu cơm giúp bố mẹ ấy đã 15 tuổi rồi; cái tuổi dậy thì với người con gái xuân sắc ấy đã sang trang mới với niềm vui được cắp sách đến trường học lớp bình dân học vụ mở ở trong thôn vào các buổi trưa. 

Đến lớp học được vài buổi, nhìn những trang giấy trắng với những con chữ a b c đầu tiên ấy bà thấy mình thật hạnh phúc; vậy là bà đã thỏa mơ ước được học chữ từ thuở nhỏ. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang. Cứ hết giờ lên lớp là bà lại phải cuống quýt chạy về nhà lo cơm nước cho 11 miệng ăn; để cho mọi người còn kịp thời gian ra đồng làm việc. Thấy tất bật quá, bà lại đành bỏ học không đến lớp nữa. Cánh cửa trường học lần thứ hai khép lại với cuộc đời bà.

Làng Tam Tảo thuộc xã Phú Lâm, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh
Cổng làng Tam Tảo (ảnh Wiki)

Cuộc sống vừa tạm yên ổn thì bệnh tật lại ập đến

Rồi cũng như bao người con gái khác ở quê, lớn lên như hạt lúa củ khoai, lấy chồng sinh con đẻ cái. Bốn đứa con bà vừa trai vừa gái ngoan ngoãn chăm chỉ; làm ăn vào loại khá giả ở làng. Những tưởng cuộc đời yên ả trôi đi. Thôi thì trông lên cũng chẳng bằng ai, trông xuống thì cũng không ai bằng mình. Nhưng ông Trời đâu có chiều lòng người như vậy. Đến năm 2006, sau một đợt đau bụng lâm râm kéo dài, đến viện kiểm tra thì kết quả làm bà choáng váng: Bà đã bị ung thư.

Bệnh viện Quân y 110 kết luận bà bị ung thư đại tràng và cho chuyển ngay sang viện K để kiểm tra. Kết quả là: Ung thư đại tràng giai đoạn 2. Ca mổ được tiến hành rất khẩn trương sau vài ngày nhập viện. Sau đó là 6 đợt truyền hóa chất. Và sau 11 ngày điều trị phục hồi thì bệnh viện cho bà về nhà điều trị ngoại trú. Chuỗi ngày thuốc thang triền miên làm bà mỏi mệt; bà bi quan và chán chường. Có lúc bà uống thuốc Đông y bị ngộ độc chướng cả bụng, lại phải đi cấp cứu.

Cơ duyên biết đến Pháp Luân Công

phật pháp là gì; phật pháp và cuộc sống; Nghe Phật Pháp
Sau thời gian dài bị bệnh tật giày vò, cuối cùng bà đã bén duyên với Phật Pháp nhiệm màu (ảnh nhân vật cung cấp)

6 năm sau, bệnh cũ tái phát làm bà đi ngoài ra máu, chướng bụng vàng da, hen phế quản, viêm họng; khoèo tay bên phải không tự chải đầu được; và đặc biệt hai bên thận của bà có rất nhiều sỏi. Bà lại phải đi viện chữa bệnh.

Sau một đợt điều trị thì bà được cho về nhà. Từ đó, cứ chiều đến bà lại rủ một bà bạn hàng xóm cùng đi ném bóng hơi vận động nhẹ nhàng theo lời khuyên của bác sĩ. Một hôm qua nhà một người bạn thì thấy mấy người trong xóm đang tập môn gì đó; bà ghé vào nhìn thì được mọi người rủ vào cùng tập. Nhưng có lẽ là chưa có duyên nên bà lại tiếp tục đi tập bóng.

Đến ngày thứ ba thì bà bắt đầu tham gia tập chung với mấy người hàng xóm kia. Lúc đó bà mới biết pháp môn này được gọi là Pháp Luân Công (hay còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Môn này yêu cầu đọc sách và luyện 5 bài công pháp nhẹ nhàng. Luyện công thì bà làm được ngay, còn đọc sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) thì do không biết chữ nên bà chỉ có thể ngồi nghe.

Biết đọc nhờ học sách Chuyển Pháp Luân

Phật Pháp nhiệm màu chiếu sáng ngôi làng Tam Tảo cổ kính
Chuyển Pháp Luân – Cuốn sách chính chỉ đạo tu luyện Pháp Luân Công (ảnh Nguyện Ước)

Có người nhiệt tình lấy cho bà mượn một cuốn sách để mang về nhà tự đọc. Bà thoáng buồn nói: “Em không biết chữ nên chỉ nghe thôi!”. Nhưng chỉ ít hôm sau thì bà Cần nói: “Mua hộ tôi quyển sách Chuyển Pháp Luân, cháu tôi học đại học ở Hà Nội, tối về nó dạy tôi đọc”.

Được một hai tối thì do cháu bà còn nhiều bài vở ở trường nên không dạy bà được nữa. Bà đành phải tự mày mò học bằng cách dựa vào phần Luận Ngữ (phần mở đầu của sách Chuyển Pháp Luân) đã thuộc lòng. Bà nói với chị bạn: “Em dòm từng chữ đánh vần, ấy vậy mà đã đọc được chữ rồi. Từ phần Luận Ngữ, giờ em đã đọc được cả sách Chuyển Pháp Luân và các Kinh Văn khác nữa”.  

Phật Pháp nhiệm màu chiếu sáng ngôi làng Tam Tảo cổ kính

Phật Pháp Nhiệm Màu; lời phật dạy về đạo làm người; kinh phật
Các học viên đang luyện bài công pháp số 5 của Pháp Luân Công. Bà Cần ở hàng trên bên tay trái (ảnh nhân vật cung cấp)

Bây giờ thì bà đã đọc được chữ thông thạo rồi. Bà chiểu theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn (chân thật, thiện lương, nhẫn nại) được trình bày ở trong sách để làm theo; tâm tính cứ tốt dần lên, rồi bệnh tật của bà cũng hết lúc nào không hay. Bà khỏe mạnh, đi lại nhẹ nhàng, leo cầu thang không biết mệt; bà cũng ra đồng, làm việc nhà cùng với các con.

Chuyện bà Cần biết chữ và khỏi cả ung thư nhờ tu luyện Pháp Luân Công thì làng trên xóm dưới ai cũng biết. Bà tên đầy đủ là Nguyễn Thị Cần; địa chỉ: Thôn Tam Đảo, xã Phú Lâm, Huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Từ đó mà càng có thêm nhiều người hữu duyên đến với Phật Pháp, bao gồm cả con cháu bà. Một nhóm hơn 20 người cứ sáng sáng luyện công; tối tối lại cùng nhau đọc sách; lan tỏa Phật Pháp nhiệm màu, khiến cảnh làng quê càng thêm yên bình, lòng người càng thêm trìu mến.

Cùng tác giả:

x