Nhân sinh cảm ngộ

Ý kiến chuyên gia về khi nào trẻ có thể sử dụng điện thoại thông minh

13/04/23, 08:16
Làm sao để trẻ tránh xa điện thoại thông minh và mạng xã hội?
Điện thoại gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ vị thành niên (ảnh minh họa Lindastade)

Điện thoại thông minh và mạng xã hội đã trở nên quá phổ biến trong cuộc sống hiện đại, vậy làm sao để bảo vệ trẻ?

Melanie Hempe, nhà sáng lập ScreenStrong, đồng thời là một cử nhân Khoa học Điều dưỡng (BSN), đã nói rằng: “Trẻ em chỉ có một cơ hội duy nhất để có một tuổi thơ khỏe mạnh, và chúng cần sự chăm sóc và giúp đỡ của bạn. Vì lợi ích của trẻ em, bất kể trả cái giá nào thì nó đều xứng đáng – Ngay cả khi bạn chiến đấu chống lại áp lực mạnh mẽ từ xã hội và trì hoãn việc sử dụng điện thoại thông minh.”

Câu nói này nói lên tiếng lòng của nhiều bậc cha mẹ lo lắng rằng con cái họ không thể sống thiếu điện thoại thông minh. Tất nhiên sẽ có người không đồng tình với quan điểm này, nhưng suy cho cùng đây cũng là vấn đề được cả xã hội quan tâm. Vậy rốt cuộc lứa tuổi thanh thiếu niên có thích hợp để sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội hay không? 

Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học 

Trong một nghiên cứu của Đại học Michigan về vai trò của điện thoại thông minh trong các trại hè của sinh viên, những tác động tiêu cực thậm chí còn rõ rệt hơn, với xu hướng rõ ràng là những người tham gia tập trung vào điện thoại thông minh của họ, khiến họ không thể tham gia đầy đủ vào các hoạt động và nhiều sinh viên thậm chí còn bỏ tham gia các trò chơi hay thể hiện tài năng của mình. 

Jane Twenge, giáo sư tâm lý học tại Đại học Bang San Diego, đã phát hiện trong một loạt nghiên cứu về hơn 500.000 trẻ em trong khoảng thời gian 5 năm rằng, những đứa trẻ sử dụng điện thoại thông minh hơn 3 giờ mỗi ngày cảm thấy vô vọng, chán nản, cô đơn, v.v. Theo nghiên cứu, việc trẻ vị thành niên từ 12-14 tuổi sở hữu điện thoại thông minh có thể làm tăng 50% tỷ lệ trầm cảm và tự tử. 

Làm sao để trẻ tránh xa điện thoại thông minh và mạng xã hội?
Nghiện thiết bị thông minh khiến trẻ ít hứng thú với cuộc sống, ít tham gia vào các hoạt động gia đình và mối quan hệ xã hội (ảnh Epoch Times)

Nhà khoa học và nhà văn nổi tiếng người Anh Susan Greenfield đã đề cập đến kết luận của một cuộc thăm dò hơn 1.500 thanh thiếu niên tại Anh. Trong đó chỉ ra rằng, khi các ứng dụng như YouTube, Twitter và Facebook tiếp tục xâm chiếm cuộc sống của chúng ta, thanh thiếu niên cảm thấy họ ngày càng ít quan trọng hơn, ngày càng ít hứng thú với cuộc sống, ít tham gia vào các hoạt động gia đình và mối quan hệ xã hội, cho dù là tình bạn hay tình yêu. Ngoài ra, tỷ lệ những người ngủ đủ giấc cũng ngày càng thấp. 

Ngoài ra, tỷ lệ béo phì của trẻ em tỷ lệ thuận với số giờ chúng xem TV hoặc lướt điện thoại thông minh mỗi ngày. Bởi vì chúng bổ sung thêm khoảng 50 calo cho mỗi giờ xem TV. Khi một đứa trẻ xem TV hơn 3 giờ mỗi ngày có nghĩa là nó có 50% khả năng bị béo phì trong tương lai. 

Cẩn trọng khi trẻ dùng điện thoại thông minh

Vẫn còn nhiều tác hại mà điện thoại thông minh mang lại cho thanh thiếu niên. Vậy sẽ có người hỏi, thanh thiếu niên dùng điện thoại thông minh ở độ tuổi nào là tốt nhất? Melanie Hempe cho rằng, câu hỏi “độ tuổi tốt nhất” là một câu hỏi hóc búa và mọi người thường sẽ không nhấn mạnh “độ tuổi tốt nhất” cho những điều thực sự tốt cho con cái của họ. Vấn đề quan trọng là thanh thiếu niên có cần điện thoại thông minh hay không?

Trong thời đại thông tin ngày nay, chúng ta có thể tưởng tượng cuộc sống không có Internet và điện thoại thông minh sẽ như thế nào? Điều này có vẻ rất khó khăn và bất tiện. Do đó, khi cha mẹ không cho phép trẻ dùng thiết bị thông minh, trẻ sẽ thể hiện cho cha mẹ thấy rằng chúng “không thể sống thiếu điện thoại”. Hơn nữa, một số người sẽ nói với cha mẹ cách để trẻ sử dụng điện thoại thông minh một cách an toàn, chẳng hạn như: 

1. Giảm chức năng của điện thoại di động và yếu tố rủi ro đối với trẻ bằng cách mua các ứng dụng giám sát phức tạp dành cho cha mẹ; 

2. Thông qua việc trò chuyện, ký cam kết hoặc đưa ra quy định về sử dụng điện thoại di động để cho phép trẻ tham gia mạng xã hội. Bằng cách này, chúng sẽ trở nên trưởng thành và có trách nhiệm hơn.

Làm sao để trẻ tránh xa điện thoại thông minh và mạng xã hội?
Trẻ tham gia mạng xã hội sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ (ảnh minh họa Opinion)

Melanie Hempe nói rằng, sự kiểm soát của cha mẹ là cần thiết, nhưng trên thực tế, chúng giống như những miếng “băng dán cá nhân” chỉ có thể mang lại cảm giác an toàn giả tạo. Thanh thiếu niên có thể dễ dàng tìm cách vượt qua sự giám sát và nội dung mạng xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát của cha mẹ. Như vậy, việc thanh thiếu niên lên mạng và sử dụng điện thoại thông minh đã trở thành điều bình thường, cái gọi là những biện pháp an toàn bảo vệ đã trở nên vô ích.

Melanie Hempe cũng nói rằng về mặt y tế không thể ép buộc thanh thiếu niên trưởng thành bằng cách nói chuyện hoặc ký cam kết với chúng. Giao tiếp thường xuyên với thanh thiếu niên là rất quan trọng, tuy nhiên, các cuộc trò chuyện và cam kết sẽ không thay đổi hành vi của thanh thiếu niên.

Nếu những phương pháp này hiệu quả, thì người ta đã có thể loại bỏ rượu, ma túy, mang thai và nhiều vấn đề khác của thanh thiếu niên chỉ sau một đêm. Hơn nữa, việc sử dụng mạng xã hội khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Kỳ thực, tham gia vào các hoạt động gây nghiện như mạng xã hội không giúp thanh thiếu niên trở nên khôn ngoan hơn hoặc trưởng thành hơn. 

Những điều cần lưu ý trước khi cho phép trẻ sử dụng điện thoại thông minh 

Melanie Hempe đưa ra một số điều mà thanh thiếu niên cần chú ý trước khi sử dụng điện thoại thông minh như sau: 

Trưởng thành: Trẻ em khá giỏi trong việc thể hiện sự trưởng thành của bản thân. Mặc dù chúng ta có thể nhận thấy một số dấu hiệu trưởng thành trong một số khía cạnh của cuộc sống của trẻ. Điều đó không có nghĩa là chúng đã sẵn sàng sử dụng điện thoại thông minh.

Trẻ em cần nhiều thời gian hơn để trưởng thành ở trường trung học và thậm chí là đại học, trước khi chúng có đủ khả năng để chống lại những cám dỗ từ mạng xã hội. Các bậc cha mẹ hãy nhớ đừng nhầm lẫn trí thông minh với sự trưởng thành. 

Sự gắn bó: Trong giai đoạn trưởng thành của trẻ, sự gắn bó của chúng với gia đình quan trọng hơn so với các bạn bè cùng trang lứa trên mạng. Nhưng nếu bạn cảm thấy rằng con bạn chú ý đến điện thoại di động nhiều hơn bạn, điều đó có nghĩa là bạn đã thất bại rồi.

Trải nghiệm lành mạnh: Trẻ em cần nhiều hoạt động thể chất và sở thích lành mạnh ở tuổi thiếu niên để phát triển. Hãy hướng dẫn trẻ theo đuổi những sở thích có ý nghĩa, công việc có mục đích, hoạt động giải trí lành mạnh và phát triển kỹ năng giao tiếp xuất sắc. Thay vì bị ám ảnh bởi màn hình điện thoại trong một thời gian dài. Đây là điều rất quan trọng đối với sự phát triển của thanh thiếu niên.

Làm sao để trẻ tránh xa điện thoại thông minh và mạng xã hội?
Phát triển sở thích lành mạnh của trẻ, như đọc sách, học đàn, nấu ăn…(ảnh: Vietthuong)

Điện thoại thông minh với tư cách là một hoạt động đòi hỏi ít nỗ lực và hiệu quả cao, đã làm xao nhãng và thay thế nhiều hoạt động và thành tựu quan trọng khác. Trẻ em chỉ có một cơ hội duy nhất để có một tuổi thơ khỏe mạnh. Vì vậy, hãy giúp trẻ có được một tuổi thơ trọn vẹn nhất.

Bạn bè và giao tiếp: Thanh thiếu niên cần những người bạn thân thiết, thường xuyên gặp mặt, đồng thời cũng cần phát triển kỹ năng giao tiếp một cách trực tiếp. Mạng xã hội không cách nào đáp ứng nhu cầu kết bạn của một đứa trẻ. Tình bạn giữa những đứa trẻ có thể dần phai nhạt khi chúng sử dụng mạng xã hội. Điều đó khiến thanh thiếu niên cảm thấy cô đơn hơn bao giờ hết. Nhắn tin và biểu tượng cảm xúc cũng không phải là một hình thức giao tiếp trưởng thành hoặc bền vững. 

Chấp nhận: Thanh thiếu niên cần phát triển một cách bình thường mà không bị tổn hại và từ chối bởi mạng xã hội. Tuổi vị thành niên là thời gian tồi tệ nhất để sử dụng mạng xã hội. Mọi người ở độ tuổi này dễ bị tổn thương và dễ bị ảnh hưởng, việc bị từ chối sẽ gây tổn thương nhiều hơn bất kỳ độ tuổi nào khác trong cuộc đời. 

Cai nghiện: Để trẻ phát triển và phát huy hết tiềm lực của mình, cha mẹ nên cai nghiện cho trẻ khỏi mọi hoạt động gây nghiện. Thanh thiếu niên cần sự quan tâm chăm sóc của người lớn để giúp chúng loại bỏ các rào cản của mạng xã hội, như vậy mới có thể có một tuổi thơ lành mạnh. Hãy nhớ rằng, 90% chứng nghiện của người trưởng thành bắt đầu từ thời thơ ấu. 

Bảo vệ: Cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ con cái của họ và con cái cũng cần được cha mẹ bảo vệ, ngay cả khi quan điểm của bạn trái ngược với công chúng hiện nay. Hãy cho con bạn cảm nhận tình yêu và trách nhiệm của cha mẹ.

Những giải pháp khả thi

Nếu trẻ cần điện thoại, hãy sử dụng loại thông thường chỉ có chức năng trò chuyện và nhắn tin, chứ không phải là điện thoại thông minh.  Đồng thời, cố gắng trì hoãn việc trẻ tiếp xúc với mạng xã hội càng lâu càng tốt, ít nhất là cho đến cuối tuổi vị thành niên. Các hoạt động sau đây có thể được sử dụng thay cho điện thoại thông minh: 

Tổ chức hoạt động trong gia đình: Trong gia đình thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu ở nhà sẽ giúp con bạn gặp gỡ bạn bè và tạo ra những tình bạn lâu dài và những kỷ niệm vui vẻ. 

• Phát triển những sở thích lành mạnh: Hướng dẫn con bạn tìm những sở thích mới và dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động không sử dụng công nghệ như đọc sách, thể thao, học nhạc, nghệ thuật, tập thể dục v.v. 

• Thời gian dành cho cha mẹ và con cái: Dành nhiều thời gian để thấu hiểu con bạn. Đây là điều không có bất kỳ phương tiện truyền thông xã hội nào trên thế giới có thể thay thế được. 

Dành thời gian quan tâm và chăm sóc con cái là một giải pháp hiệu quả (ảnh: Familiesforlife)

Nhiều dữ liệu nghiên cứu đã kết luận rằng, việc thử nghiệm cho thanh thiếu niên sử dụng điện thoại thông minh là một thất bại và rủi ro của điện thoại thông minh gây ra vượt xa lợi ích mà nó mang lại.

Theo Sound of hope

x