Bài hát “Xin hỏi đường ở phương nào?” của phim Tây Du Ký đã gắn liền với tuổi thơ của biết bao người, bài hát cũng chứa nhiều nội hàm tu luyện sâu sắc.
- Từ văn hóa tu luyện trong Tây Du Ký lý giải cuộc sống hiện đại ngày nay (P1)
- Đâu mới là nguyên nhân thực sự khiến Đường Tăng lấy được chân kinh?
Nội dung chính
Giai điệu tuổi thơ đầy hoài niệm
Mỗi lần giai điệu của bài hát “Xin hỏi đường ở phương nào?” vang lên là bao ký ức lại ùa về. Tuổi thơ nhiều người chắc cùng từng dõi theo những bước chân của thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh. Âm nhạc mang lại cảm giác Thần Thánh phiêu bồng khó tả; giai điệu hào sảng của bài hát như đưa khán giả lạc vào thế giới Thần Tiên.
Chất giọng tuyệt vời của ca sĩ Tưởng Đại Vy đã giúp ca khúc này được xếp vào tuyển tập 100 ca khúc được yêu mến nhất tại châu Á. Mời quý độc giả lắng nghe lại ca khúc đầy hoài niệm này:
Xin hỏi đường ở phương nào? – Đường dưới chân ta
Tên bài hát là một câu hỏi “Xin hỏi đường ở phương nào?”. Biết đi đến đâu để tìm Đại Đạo, Phật Pháp, khi mà đường xa vạn dặm chẳng thấy tận cùng. Và câu trả lời được đưa ra là “Đường dưới chân ta”. Vậy tại sao lại là “Đường dưới chân ta”?
Lão Tử giảng: “Thiên lý chi hành, thủy ư túc hạ”, nghĩa là: Hành trình nghìn dặm, bắt đầu từ dưới bước chân. “Đường dưới chân ta” cũng là như vậy, cứ đi sẽ tới, cứ tìm sẽ thấy con đường. Chỉ cần tâm đừng ngại xa ngại khó, thì cứ làm rồi nhất định sẽ được.
Cũng giống như hai câu thơ trong bài “Du Sơn Tây thôn”: “Sơn trùng thủy phúc nghi vô lộ, liễu ám hoa minh hựu nhất”, tạm dịch là: “Núi cùng nước tận ngờ hết lối, bóng liễu hoa tươi một thôn làng”. Khi nhìn về phía trước thấy tối tăm mù mịt, nhưng càng đi tới gần thì ánh sáng càng hiện ra. Đôi khi điều chúng ta cần tìm kiếm lại chỉ còn cách một bóng liễu, chỉ cần lấy tay gạt qua là đã tới rồi.
Vượt qua kiếp nạn, đắc chân kinh
Tôn Ngộ Không thần thông biến hóa, một cân đẩu vân có thể đi được mười vạn tám nghìn dặm, muốn đến Tây Trúc lấy kinh thì chỉ một loáng là tới. Nhưng tiếc là không thể cõng Đường Tăng mà bay đến Tây Trúc được, vì “Cắp Thái Sơn nhẹ như hạt cải, dắt người phàm khó thoát bụi hồng”. Đường Tăng thịt xương phàm tục nên Tôn Ngộ Không cũng không thể cõng được.
Vì vậy mà mấy thầy trò phải đi bộ ròng rã 14 năm trời, tự mình bước đi, chịu đủ khổ nạn, vượt qua chấp trước, đề cao tâm tính, đắc được chân kinh cũng là biểu tượng cho việc đạt được viên mãn.
Trong bài hát có câu “Đạp bình khảm khả thành Đại Đạo”, nghĩa là đạp bằng cho hết nhấp nhô là thành Đại Đạo. Đại Đạo vừa có thể hiểu là là mở ra đường lớn để đi, vừa có ý là tu thành đắc Đạo. Những nhấp nhô, kiếp nạn trên đường đi, chính là những tâm chấp trước còn chưa bỏ được của người tu luyện; cần phải trừ dứt hết nó thì mới có thể tu thành viên mãn.
Cứ đi rồi sẽ thấy con đường
Bài hát này thành công, thì ngoài phần phổ nhạc hùng tráng của Hứa Kính Thanh, phần lời sâu sắc của Diêm Túc, không thể không kể đến giọng hát tuyệt vời của Tưởng Đại Vy. Đạo diễn Dương Khiết của phim Tây Du Ký từng nhận xét rằng:
“Bài hát này nửa đầu cần thể hiện rõ được chất hào sảng, lời ca thán tự vấn của một người trên chuyến hành trình dài. Nửa sau lại cần chất giọng mềm mại, thánh thót như một thiếu nữ kêu thấu trời xanh. Vì vậy để thể hiện thành công được ca khúc này là rất khó. Khi nghe bản ghi âm ấy lần đầu, tôi đã nghĩ Tưởng Đại Vy đã mời thêm một nữ ca sĩ khác song ca cùng mình. Về sau khi biết người hát chỉ là một mình Tưởng Đại Vy, tôi đã rất khâm phục giọng ca của ông ấy!”
Khán giả của Tây Du Ký thì chắc nhiều người cũng đã trưởng thành, cũng đã trải qua đủ thứ hỷ nộ ái ố. Liệu có khi nào cảm thấy tuyệt vọng mà phải thốt lên “không biết đâu là lối thoát?”. Tuyệt vọng, ngã xuống, đứng dậy và bước tiếp, vậy rồi mọi chuyện cũng trôi qua. Quả thực là “Đường dưới chân ta!”
Câu hỏi nhân sinh “Xin hỏi đường ở phương nào?” Hãy cứ dũng cảm bước tới, tự nhiên sẽ thấy con đường.