Khoa học hiện đại đã làm rất nhiều nghiên cứu để xem tuổi thọ của con người có phải do gen quyết định hay không? Vậy kết quả sẽ là như thế nào?
Nội dung chính
Hai người cùng gen nhưng tình trạng sức khỏe rất khác nhau
Tuổi thọ và sức khỏe là chủ đề mà hầu như ai cũng quan tâm. Từ cách dưỡng sinh của người xưa cho đến khoa học hiện đại, có nhiều cách hiểu và góc nhìn khác nhau. Y học hiện đại nghiên cứu tác động của tế bào và gen dưới góc độ phân tử. Kết quả lại không như người ta tưởng tượng. Trên thực tế, gen ảnh hưởng rất ít đến tuổi thọ của một người.
Một bài báo trên tờ New York Times vào ngày 31/8/2006 đã tìm hiểu về vấn đề này. Bà Josephine Tesauro sống ở ngoại ô Pittsburgh, tiểu bang Pennsylvania, Hoa Kỳ. Bà đã 92 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh, lưng thẳng, răng chắc. Hơn nữa bà còn có thể tự lái xe đi thăm bạn bè, nhà thờ hoặc đi mua sắm. Nhưng người chị em sinh đôi của bà thì lại có khác biệt rất lớn: Đại tiểu tiện mất kiểm soát, phải phẫu thuật thay khớp háng, mất thị lực cơ bản và bệnh Alzheimer.
Các chuyên gia nghiên cứu về lão hóa đã rất ngạc nhiên về trường hợp này: Hai chị em sinh đôi có cùng gen; lớn lên trong cùng một gia đình và sống ở cùng một nơi trong suốt cuộc đời; vậy tại sao tình trạng sức khỏe của họ lại khác nhau nhiều đến vậy?
Tuổi thọ của con người và di truyền
Các yếu tố ảnh hưởng đến sự lão hóa và tuổi thọ của con người là gì? Khoa học hiện đại có nhiều cách lý giải khác nhau cho việc này. Nhiều thập kỷ trước, các khoa học gia tin rằng môi trường, chế độ ăn uống, vận động, điều kiện chăm sóc y tế, sẽ quyết định đến sự lão hóa và tuổi thọ của con người.
Về sau các chuyên gia lại đề xuất học thuyết về gen, cho rằng bởi vì gen khác nhau, nên có người dù ăn rất nhiều bò bít tết, hút thuốc lá, nhưng vẫn có thể sống đến 100 tuổi; nhưng một số người thì lại không được như vậy. Loại quan điểm này cho đến nay vẫn còn rất thịnh hành.
Tuổi thọ của con người là điều khó có thể nói trước được. Nhất là khi về già, có người nhìn rất khỏe mạnh nhưng có thể đột nhiên gục xuống; hơn nữa cũng không biết được nguyên nhân thực sự là do đâu. Người ta vẫn tin rằng, người có cơ thể khỏe mạnh thì tuổi thọ sẽ cao hơn; nhưng điều này không phải lúc nào cũng đúng. Đôi khi có người trông thấy yếu ớt nhưng họ lại có thể sống rất lâu; trong khi có người rất mạnh mẽ nhưng lại có thể ra đi lúc nào không hay.
Song sinh cùng gen nhưng tuổi thọ vẫn khác nhau nhiều
Tờ New York Times đưa tin, một số bệnh như bệnh Alzheimer và bệnh tim sẽ liên quan đến di truyền học nhiều hơn là các bệnh như ung thư. Mặc dù vậy, một số người có gen di truyền mắc bệnh này nhưng không có nghĩa là họ sẽ mắc bệnh. Trên thực tế, hầu hết những người có khuynh hướng di truyền về một căn bệnh nào đó, thì sẽ không mắc phải căn bệnh đó.
Theo James Vaupel, trưởng nhóm nghiên cứu về tuổi thọ con người tại Viện Max Planck, Đức, chiều cao của con người có liên quan rất nhiều đến di truyền; trong khi tuổi thọ lại khác xa. Chưa kể việc đoán tuổi thọ của một người từ cha mẹ, ngay cả những cặp song sinh giống hệt nhau cũng sẽ có tuổi thọ khác nhau, khác biệt trung bình là hơn 10 tuổi.
Nghiên cứu so sánh các cặp song sinh
James Lyons sống ở Michigan, Hoa Kỳ. Cha của ông qua đời vì một cơn đau tim ở tuổi 55; chỉ 6 tiếng đồ hồ kể từ khi phát bệnh cho đến khi qua đời. Không chỉ vậy, một trong hai người anh em họ của ông qua đời ở tuổi 57, và người còn lại mất khi được 50 tuổi. Đặc biệt là người anh họ mất ở tuổi 50, người này rất khỏe mạnh, tràn trề sinh lực; nhưng một ngày nọ anh ấy đột ngột rời bỏ thế gian này. Đối diện với những chuyện này, James Lyons bắt đầu cảm thấy lo lắng; vì khi ấy ông mới hơn 50 tuổi.
Thế nhưng 20 năm sau, James Lyons 70 tuổi và vẫn rất khỏe mạnh. Ông sống lâu hơn hầu hết mọi người trong dòng họ. Nguyên nhân của việc này là gì?
Để nghiên cứu vấn đề này, Kaare Christensen – một giáo sư người Đan Mạch chuyên nghiên cứu về sự lây truyền bệnh, đã bắt đầu nghiên cứu với các cặp song sinh; bởi vì họ có chung gen và rất dễ so sánh. Ông và các đồng nghiệp đã thu thập khoảng 20.000 cặp song sinh cùng giới sinh ra ở Đan Mạch, Phần Lan và Thụy Sĩ từ năm 1870 đến năm 1910. Sau đó so sánh các kết quả với nhau.
Kết quả cho thấy, tác động của gen đối với tuổi thọ của con người nhỏ hơn nhiều so với dự đoán của công chúng và các nhà khoa học. Ngay cả những cặp song sinh có gen giống hệt nhau cũng có tuổi thọ rất khác nhau.
Gen không quyết định đến tuổi thọ của con người
Trong một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã so sánh gần 45.000 cặp sinh đôi ở Bắc Âu để điều tra tỷ lệ mắc bệnh ung thư. Kết quả cho thấy, trong số rất nhiều các loại bệnh ung thư, chỉ có một vài loại là thấy có liên quan đến gen. Bao gồm ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư trực tràng. Tuy nhiên, ngay cả ba bệnh ung thư có thể được xem là liên quan đến gen, thì cũng không liên quan nhiều lắm: Nếu một người trong cặp song sinh bị ung thư, thì tỷ lệ mắc bệnh của người kia là dưới 15%.
Kết quả này khiến các nhà khoa học cảm thấy rằng, dùng di truyền học để giải thích về tỷ lệ mắc bệnh ung thư là hơi khiên cưỡng. Bởi vì nếu đúng là như vậy, thì nếu một người trong cặp song sinh mắc bệnh, thì tỷ lệ mắc bệnh của người còn lại phải gần như là 100%.
Cũng vì vậy mà Robert Hoover của Viện Ung thư Quốc gia (NCI) đã nói rằng: Trước đây có nhiều nhà khoa học cho rằng, nếu như có một số liệu nhất định (chẳng hạn như thành phần bộ gen của người), thì liền có thể dự đoán được tỷ lệ mắc bệnh. Rõ ràng là ý tưởng này cần phải xem xét lại.
Các nhà khoa học vẫn chưa thể biết được điều gì sẽ quyết định chính xác đến tuổi thọ của một người.
Con người có định số
Liên quan đến sinh mệnh và sức khỏe của con người, các nhà hiền triết phương Đông đã đi theo một hướng hoàn toàn khác với khoa học hiện đại. Họ tin vào Thiên nhân hợp nhất – con người và trời đất có sự liên thông với nhau; họ trực tiếp khám phá những bí ẩn của con người, vũ trụ và không gian. Họ cho rằng đạo đức con người có vai trò quyết định đối với thọ mệnh. Theo luật nhân quả báo ứng thì làm việc ác sẽ bị giảm thọ, đoản mệnh; hành thiện tích đức thì sẽ được kéo dài tuổi thọ, con cháu sẽ được hưởng phúc.
Lời người xưa nói: “Mệnh của con người là do Trời định”, cũng không phải là vô duyên vô cớ. Các trường hợp về thiện ác hữu báo có thể tìm thấy rất nhiều trong sách cổ; chỉ là qua thời gian quá lâu dài, con người ngày nay lại coi nó là truyền thuyết và không tin.
Khoa học hiện đại không tin vào định số, Thiên ý, nhưng cũng không có cách nào để chứng minh xem cái gì có thể quyết định tuổi thọ của con người.
Theo Epoch Times