Văn hóa truyền thống

Tu hành quan trọng ở 2 chữ “chính đáng”

05/09/23, 07:56
Tu hành quan trọng ở 2 chữ "chính đáng"
Tu hành quan trọng ở 2 chữ "chính đáng" (ảnh minh họa Pinterest)

Đối diện với lợi ích trước mắt, nếu vẫn có thể giữ vững được bản thân, hành sự chính đáng, như vậy thì tu hành mới mong có thể thành công.

Có một câu chuyện cổ Phật giáo như sau: Trụ trì một ngôi chùa nọ muốn khảo nghiệm tuệ căn của tăng nhân trong chùa, nên đã cho xây dựng một bức tượng Đạt Ma trang nghiêm đặt ở trên đỉnh núi, và truyền lời ra rằng, các tăng nhân trong chùa, ai có thể quang minh chính đại chạm tới tuệ nhãn (hay còn gọi là con mắt thứ 3, nằm ở giữa trán) của tổ sư, thì người đó sẽ được làm trụ trì tiếp theo của chùa.   

Tu hành quan trọng ở 2 chữ "chính đáng"
Sư trụ trì muốn khảo nghiệm các tăng nhân trong chùa (ảnh minh họa Vision Times)

Các tăng nhân nghe vậy thì âm thầm bàn luận, họ nghe nói rằng đường lên đỉnh núi gập ghềnh khó đi, thậm chí có không ít cao tăng đã viên tịch trên đường đi lên trên núi! Tăng nhân trong chùa đã thăm dò đường tắt đi lên đỉnh núi, dựa theo con đường tắt này mà đi lên; lộ trình có thể rút ngắn được một nửa, thời gian lên đỉnh núi vì vậy mà cũng giảm đi rất nhiều. Cũng lại có tăng nhân kết thành đoàn từ con đường lớn bằng phẳng phía sau núi chậm rãi mà tiến lên, đường tuy dài hơn nhưng thong thả, không có chướng ngại.

Chỉ có một tăng nhân tên là Tâm Thiện, quyết định từ con đường chính diện mà đi lên đỉnh núi. Phía trước núi đường đi rất dốc, quanh co, khúc khuỷu, cỏ gai rất nhiều. Tâm Thiện bước đi từng bước rất khó khăn, chân giẫm gai chảy máu, hòa cùng mồ hôi, thật vô cùng gian khổ.      

Khi lên đến đỉnh núi, Tâm Thiện phát hiện các sư huynh sư đệ trong chùa đều đã đứng ở trước bức tượng Đạt Ma từ lúc nào, họ nhìn Tâm Thiện đang từ từ bước tới. Tâm Thiện cũng không xấu hổ, từ từ leo lên bức tượng, chạm vào tuệ nhãn.

Tu hành quan trọng ở 2 chữ "chính đáng"
Tâm Thiện chọn con đường chính để đi lên đỉnh núi (ảnh minh họa Pinterest)

Lúc này sư trụ trì đi ra tuyên bố, Tâm Thiện có tuệ căn, sẽ được chọn để làm trụ trì trong tương lai. Chúng tăng nghe vậy thì hết sức kinh ngạc, các tăng nhân than phiền nói: “Tâm Thiện tới trễ nhất, phương pháp cứng nhắc nhất, không có chút thông minh nào. Chức trụ trì sao có thể để Tâm Thiện làm được?”

Nhưng vị trụ trì nói: “Tu hành ở đời, quý ở 2 chữ ‘chính đáng’. Nói lời chính đáng, suy nghĩ chính đáng, hành sự chính đáng. Mọi người đều đi đường tắt, duy chỉ có Tâm Thiện là theo đường chính từng bước mà tiến lên; mọi người đều đi đường dễ dàng, duy chỉ có Tâm Thiện là đi đường toàn cây cỏ gai, cam chịu máu chảy, mồ hôi rơi mà tiến lên. Tâm Thiện đi theo con đường của Phật một cách chân chính, còn mọi người thì không. Ta sao có thể đem chùa giao cấp cho những người có hành vi bất chính như vậy được? Hãy nhớ lấy: Phải đi chính đạo!”

Mọi người á khẩu không nói được lời nào.

Nói lời chính đáng, suy nghĩ chính đáng, hành sự chính đáng, đây chính là tiêu chuẩn của người tu hành. Đối mặt với lợi ích trước mắt, rất nhiều người trước hết là nghĩ đến đường tắt, thậm chí còn rẽ sai đường. Đời người, không kể là làm việc gì, đều phải làm đến nơi đến chốn, từng bước mà tiến tới. Không nên chỉ vì cái lợi trước mắt, lại càng không được bất chấp thủ đoạn, nếu không sẽ lầm đường lạc lối, hãy luôn nhớ rằng: Phải bước đi trên con đường chân chính!

Theo Vision Times

x