Văn hóa truyền thống

Tử Cống hỏi Khổng Tử: Phải đi đến đâu mới có thể nghỉ ngơi được?

30/07/21, 11:21
cứu giúp người
Người lương thiện, như thế mới đắc được phúc báo, cũng được chư Thần bảo hộ. (ảnh: hola)

Đoan Mộc Tứ, tự là Tử Cống, là một trong mười đệ tử của Khổng Tử. Một ngày nọ, Tử Cống chán học nên muốn nghỉ ngơi một thời gian, nhưng chưa biết sẽ đi đâu. Hãy xem Khổng Tử trả lời vấn đề này như thế nào qua điển cố dưới dây.

Tử Cống chán học muốn được nghỉ ngơi

Tử Cống hỏi Khổng Tử: “Thưa thầy! Việc học tập thật quá vất vả. Con muốn tạm dừng một thời gian để đi ra hầu hạ bậc Quân vương. Thầy thấy như vậy có được không?”

Khổng Tử nói: “Nói về hầu hạ bậc Quân Vương thì trong ‘Kinh thi’ viết rằng: ‘Phải từ sáng sớm đến tối, cung kính thận trọng, tận tâm tận lực làm tốt việc thuộc bổn phận của mình’. Việc hầu hạ Quân Vương vất vả như vậy, sao có thể nói là nghỉ ngơi được?”

Tử Cống lại hỏi: “Vậy con về phụng dưỡng cha mẹ, thầy thấy sao ạ?”

Khổng Tử nói: “Nói về phụng dưỡng cha mẹ thì trong ‘Kinh Thi’ cũng có viết rằng: ‘Người con hiếu thảo phải phụng dưỡng cha mẹ tận tâm tận lực, hết lòng chăm sóc’. Việc phụng dưỡng cha mẹ khó khăn như vậy, con có thể cho đó là nghỉ ngơi được sao?”

An nhàn tự tại; An nhàn tuổi trẻ; An nhàn khi còn trẻ
Tâm an dật còn nguy hại hơn cả thuốc độc (ảnh DKN)

Tử Cống hỏi: “Vậy con về nhà sống với thê tử thì sao?”

Khổng Tử đáp: “Nói về việc sống cùng thê tử, trong ‘Kinh Thi’ cũng nói: ‘Văn Vương dùng đạo lý đúng đắn đối đãi với thê tử; anh em, họ hàng còn dùng đạo lý cai quản gia tộc và đất nước’. Con cho việc đó là nghỉ ngơi được sao?”

Tử Cống tiếp tục hỏi: “Vậy thì con về sống cùng bạn bè?”

Khổng Tử đáp: “Về bạn bè thì trong ‘Kinh Thi’ nói rằng: ‘Bạn bè phải đối xử với nhau như thế nào? Đối xử với nhau phải cung kính, có lễ nghĩa’. Con nghĩ như thế có phải là nghỉ ngơi không?”

Biết tìm nơi đâu để nghỉ ngơi?

Tử Cống nghĩ một lát rồi nói: “Vậy thì con về làm nông dân cày ruộng? Như vậy có được chăng?”

Khổng Tử nói: “Trong ‘Kinh Thi’ cũng có nói về người nông dân như sau: ‘Từ sáng sớm đến tối muộn, nhanh nhanh cày ruộng, gieo trồng hạt. Cày ruộng thực sự là một việc vất vả, con cho rằng làm nông dân là có thể nghỉ ngơi sao?”

Khổng tử tinh hoa; Khổng tử nói; An dật và hủy diệt
Hồng trần cuồn cuộn, ngừng tu dưỡng thì sẽ bị cuốn đi (ảnh DKN)

Tử Cổng lại hỏi: “Chẳng lẽ con không thể tìm thấy chỗ nào để nghỉ ngơi sao?”

Khổng Tử cười và nói: “Có đấy! Có một nơi, ở trên cao, nhô lên, và đi tìm thì không thấy một ai. Đến nơi ấy thì con có thể thoải mái nhắm mắt lại và nghỉ ngơi!”.

Tử Cống thở dài chán nản: “Điều thầy nói chính là cái chết! Chết thực sự là một việc lớn. Đến lúc ấy thì dù là quân tử hay tiểu nhân cũng đều có thể nghỉ ngơi. Nhưng chính là dậy không nổi nữa rồi!”

Khổng Tử nói rằng: “Trong ‘Dịch’ có viết: ‘Một ngày còn khỏe mạnh thì người quân tử phải không ngừng vươn lên, bồi dưỡng bản thân’. Cho nên, làm người là phải tự mình cố gắng vươn lên; không thể lúc nào cũng muốn nghỉ ngơi được!”.

Tâm an dật còn nguy hại hơn cả rượu độc

Khổng tử là ai; Khổng tử dạy; Khổng tử tinh hoa
Học tập quý ở việc có thể kiên trì (ảnh Facebook)

Có thể thấy, con người dù là ở vị trí nào thì cũng phải không ngừng vươn lên và tu dưỡng bản thân. Không thể xem nhẹ mà buông lỏng chính mình. Nhân sinh như một dòng sông không ngừng chảy, con người là chiếc thuyền nhỏ bé giữa dòng, nếu không vươn lên thì nhất định là sẽ bị cuốn trôi đi.

Con người không gục ngã trên chiến trường nhưng lại có thể chết trong an nhàn. Người xưa nói, tâm an dật còn nguy hại hơn cả rượu độc, nó mài mòn ý chí, mê mờ tâm trí, khiến con người chìm sâu trong dục vọng, rồi tự hủy hoại chính mình. 

Tu dưỡng tâm tính là để con người có thể tìm được cái nhàn trong bận rộn, tìm thấy cái an tĩnh trong sự hỗn loạn. Ngay cả những người tu luyện thiền định ngồi im một chỗ thì cũng là luyện tâm trí chứ không phải là không làm gì. Vậy biết tìm nơi đâu để nghỉ ngơi? Hãy tìm vào trong chính nội tâm của mình.

Tổng hợp

x