Ngụy biện là gì? Thầy giáo triết học kể 2 câu chuyện thú vị

Thoạt nhìn, ngụy biện có vẻ như đang áp dụng phương pháp suy luận đúng đắn, nhưng thực chất lại vi phạm quy luật logic, dẫn đến những kết luận tưởng chừng đúng mà thực ra sai.
- Những câu nói đầy trí tuệ của triết gia Socrates
- Hạnh phúc theo quan điểm của nhà triết học nổi tiếng Aristotle
Ngụy biện là gì?
Trong một lớp triết học, các học sinh hỏi thầy giáo: “Thưa thầy, thầy có thể dùng ví dụ thực tế để giải thích rõ xem rốt cuộc ngụy biện là gì không?”
Thầy giáo suy nghĩ một chút rồi nói: “Có hai người đến nhà tôi làm khách, một người rất sạch sẽ, còn người kia thì rất bẩn. Tôi mời hai người này đi tắm. Các em thử nghĩ xem, ai trong hai người sẽ tắm trước?”
“Dạ em thấy việc này có gì phải bàn nữa đâu, chắc chắn là người bẩn rồi!” Một học sinh buột miệng thốt lên.
“Không đúng, là người sạch sẽ.” Thầy giáo phản bác lại: “Bởi vì người sạch sẽ đã quen với việc tắm rửa, còn người bẩn thì cho rằng chẳng có gì đáng để tắm cả.” “Nghĩ lại xem nào, rốt cuộc ai sẽ là người tắm trước?”
“Là người sạch sẽ.” Hai học sinh trả lời ngay.
“Không đúng, là người dơ.” Thầy giáo lại phản bác: “Bởi vì người bẩn cần tắm rửa hơn so với người sạch sẽ.”
Sau đó, thầy giáo lại hỏi: “Nếu xét như vậy, rốt cuộc ai trong hai vị khách sẽ tắm trước?”
“Là người bẩn!” Ba học sinh đồng thanh lặp lại câu trả lời ban đầu.
“Lại sai rồi. Đương nhiên là cả hai đều đi tắm.” Thầy giáo nói: “Người sạch sẽ có thói quen tắm rửa, còn người bẩn thì cần phải tắm.” “Vậy thì sao, rốt cuộc ai sẽ đi tắm trước?”
“Nếu vậy xem ra cả hai người đều tắm rồi.” Bốn học sinh lưỡng lự trả lời.
“Không đúng, cả hai người đều không tắm.” Thầy giáo giải thích: “Bởi vì người bẩn không có thói quen tắm, còn người sạch sẽ thì không cần tắm.”
“Thầy nói điều gì cũng có lý, nhưng rốt cuộc chúng em nên hiểu thế nào đây?” Các học sinh không hài lòng nói: “Thầy nói mỗi lần đều khác nhau, nhưng lần nào cũng đúng!”
Thầy giáo nói: “Chính xác là như thế. Các em thấy đấy, xét về bề ngoài và hình thức thì dường như là áp dụng các phương pháp suy luận hợp lý, nhưng thực tế lại vi phạm quy luật logic và đưa ra kết luận sai lầm có vẻ hợp lý. Đây chính là ngụy biện! Những thủ đoạn ngụy biện thường gặp bao gồm: đánh tráo khái niệm, ngụy tạo luận cứ, lập luận vòng vo, so sánh máy móc, cưỡng từ đoạt lý, đoạn chương thủ nghĩa,…”
Lỗi logic trong ngụy biện
Các học sinh lại hỏi thầy giáo: “Thưa thầy, ngụy biện chính là cố ý lập luận để bảo vệ một luận điểm sai lầm, trong đó có những lỗi logic tinh vi, khó phát hiện. Thầy có thể lấy ví dụ thực tế để minh họa cách xác định lỗi logic trong ngụy biện không ạ?”
Thầy giáo suy nghĩ một lúc, rồi đưa ra cho các học sinh một bài kiểm tra tư duy như sau:
“Có hai người công nhân cùng nhau sửa chữa một cái ống khói cũ kỹ đã nhiều năm không được bảo trì. Khi họ chui ra khỏi ống khói, một người rất sạch sẽ, còn người kia thì khắp người dính đầy bụi than. Theo các em: Ai sẽ là người đi tắm trước?”
Một học sinh nói: “Đương nhiên là người công nhân dính đầy bụi than sẽ đi tắm trước rồi ạ!”
Thầy giáo nói: “Thật vậy sao? Các em hãy chú ý. Người công nhân sạch sẽ khi nhìn thấy người kia toàn thân đầy bụi than thì nghĩ rằng chắc chắn mình cũng dơ bẩn. Người bị bẩn kia nhìn thấy đối phương sạch sẽ nên cho rằng bản thân mình chắc cũng sạch sẽ. Vậy thầy hỏi lại các em, ai sẽ là người đi tắm trước?”
Hai học sinh rất hào hứng tranh nhau trả lời: “Ồ! Em biết rồi! Khi người công nhân sạch sẽ nhìn thấy người công nhân dơ bẩn, anh ta nghĩ rằng bản thân mình chắc chắn cũng bị bẩn. Nhưng khi người công nhân dơ bẩn nhìn thấy người công nhân sạch sẽ, anh ta lại nghĩ rằng bản thân mình hoàn toàn không bẩn nên không cần tắm! Vì vậy, chắc chắn là người công nhân sạch sẽ đã vội đi tắm trước”
Thầy giáo liếc nhìn các học sinh còn lại, tất cả học sinh dường như đều đồng ý với đáp án này.
Chỉ thấy thầy giáo chậm rãi nói: “Đáp án này cũng sai. Hai người cùng lúc chui ra từ cái ống khói cũ kỹ, làm sao có thể một người sạch sẽ, còn người kia lại dơ bẩn được? Đây chính là điều không logic, cũng chính là lỗi logic trong ngụy biện”
Các học sinh lại hỏi: “Thưa thầy, chúng em nên nhìn nhận tác dụng của ngụy biện như thế nào ạ?”
Thầy giáo trả lời: “Người giỏi nói không bằng người giỏi lắng nghe. Ngụy biện có hiệu quả, nhưng nó có giới hạn. Xảo trá không bằng chân thành vụng về, và trăm mưu nghìn kế cũng không bằng sống đúng bổn phận làm người”.
Theo Vision Times