Nhân sinh cảm ngộ

Chuyên gia tâm lý: Tín ngưỡng là liệu pháp chữa lành cho tâm hồn

09/04/25, 16:48
Chuyên gia tâm lý: Tín ngưỡng là liệu pháp chữa lành cho tâm hồn
Tôn giáo và tín ngưỡng là liệu pháp chữa lành cho tâm hồn (ảnh minh họa: Epochtimes)

Nhiều nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng tôn giáo và tín ngưỡng không chỉ mang ý nghĩa tinh thần mà còn giúp cải thiện sức khỏe và chữa lành những tổn thương tâm lý.

Các nghiên cứu khoa học về vấn đề tín ngưỡng

Dan Bates, nhà tư vấn sức khỏe tâm lý lâm sàng người Mỹ và là trợ lý giáo sư tại Đại học Truman State ở Missouri đã đăng bài trên trang Psychology Today, cho biết tín ngưỡng và tâm linh từ lâu đã là một phần không thể thiếu trong cuộc sống con người; nhưng mối liên hệ của chúng với sức khỏe tâm lý chỉ mới được giới khoa học chú ý gần đây.

Bates cho biết, ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy tôn giáo và tín ngưỡng tinh thần có thể tạo ra ảnh hưởng tích cực đối với sức khỏe tâm lý của nhiều nhóm người khác nhau.

Ông dẫn chứng một nghiên cứu công bố năm 2022 với dữ liệu từ khoảng 79.000 người, cho thấy rằng việc tham gia tích cực vào các hoạt động tôn giáo/tâm linh có mối tương quan nghịch với triệu chứng lo âu, trầm cảm; trong khi tương quan thuận với mức độ hài lòng trong cuộc sống, cảm nhận ý nghĩa của cuộc sống, chất lượng quan hệ xã hội và sức khỏe tâm lý tổng thể.

Một nghiên cứu khác được công bố vào năm 2021 chỉ ra rằng, tôn giáo và tín ngưỡng tinh thần là con đường quan trọng để đạt được ý nghĩa và mục đích cuộc sống. Ở những người có đức tin tôn giáo và tín ngưỡng sâu sắc, tình trạng lo âu và trầm cảm ít hơn, chất lượng cuộc sống tổng thể cao hơn.

Tín ngưỡng có tác dụng chữa lành như thế nào?

Bates nói rằng tôn giáo và tín ngưỡng tinh thần có thể nâng cao sức khỏe tâm lý thông qua nhiều cách thức:

Hiểu được ý nghĩa và mục đích sống: Hệ thống tín ngưỡng có thể giúp cá nhân giải thích và thấu hiểu ý nghĩa đằng sau những khó khăn của cuộc sống. Đặc biệt là trong giai đoạn khủng hoảng, khi cuộc sống quen thuộc bị đảo lộn và những giá trị truyền thống không còn vững chắc, điều này càng trở nên có giá trị hơn.

hồi phục; xoa dịu; khôi phục
Cầu nguyện có thể duy trì sự bình ổn và kiểm soát những áp lực tinh thần (ảnh minh họa: Pinterrest)

Cung cấp sự hỗ trợ xã hội: Các cộng đồng tôn giáo có thể tạo ra hệ thống hỗ trợ tự nhiên, giúp giảm bớt cảm giác cô lập. Nó có thể cung cấp sự trợ giúp trong những lúc căng thẳng, hỗ trợ mọi người đối phó và ngăn ngừa rối loạn cảm xúc.

Hình thành cơ chế ứng phó: Tín ngưỡng đóng vai trò như một hệ thống hỗ trợ tinh thần, giúp con người quản lý căng thẳng hiệu quả hơn. Sau thảm họa bão Katrina năm 2005 tại Hoa Kỳ, niềm tin tôn giáo đã góp phần củng cố sự bình an nội tâm, nâng cao lòng tự trọng, tăng cường sự kiên trì và thúc đẩy hành vi thân thiện trong cộng đồng. Đây là những yếu tố quan trọng giúp cả cá nhân lẫn tập thể được phục hồi. Trong quá trình này, việc cầu nguyện đặc biệt hữu ích để duy trì cảm giác bình ổn và kiểm soát áp lực tinh thần.

Giữ hy vọng và lạc quan: Tín ngưỡng tôn giáo thường khuyến khích con người nuôi dưỡng tinh thần lạc quan, cùng với một cách nhìn nhận cuộc sống đầy ý nghĩa và mục tiêu rõ ràng. Nghiên cứu cho thấy, trong số 40 nghiên cứu về mối quan hệ giữa tôn giáo/tâm linh và hy vọng, 73% trong số đó phát hiện mối tương quan thuận mạnh mẽ, và không có nghiên cứu nào phát hiện mối tương quan nghịch.

Bates cho biết, nhiều nghiên cứu đã phát hiện tín ngưỡng có tác dụng làm giảm nguy cơ gặp phải các vấn đề về sức khỏe tâm lý; bao gồm trầm cảm, lo âu, cô đơn, nguy cơ tự tử, cảm giác đau buồn do mất người thân và căng thẳng sau chấn thương.

Tầm quan trọng của tín ngưỡng lành mạnh

Có nghiên cứu cho thấy, không phải tất cả các hoạt động tôn giáo đều có tác dụng chữa lành tâm lý. Mối quan hệ này phụ thuộc rất nhiều vào quan niệm của một người về Thần. Những người tin vào vị Thần nhân từ và khoan dung thường có mức độ căng thẳng và lo âu thấp hơn, trong khi tin vào ác thần lại liên quan đến gia tăng rối loạn tâm lý.

hồi phục; xoa dịu; khôi phục
Chỉ có tín ngưỡng chân chính mới có khả năng xoa dịu tâm hồn (ảnh minh họa: Naver)

Tín ngưỡng tinh thần lành mạnh có thể tạo không gian cho sự trưởng thành, nhận thức bản thân, sức sáng tạo và các mối quan hệ. Ngược lại, cố chấp với lối suy nghĩ cứng nhắc, quá chú trọng vào tội lỗi hoặc truyền bá tín ngưỡng cô lập có thể làm tổn hại cảm giác hạnh phúc.

Bates kết luận, ngày càng có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy một sự thật mà nhiều người dễ dàng cảm nhận – tín ngưỡng và tâm linh có thể chữa lành tâm hồn và nâng cao sức khỏe; bằng cách mang lại ý nghĩa cho cuộc sống, tạo ra sự hỗ trợ xã hội, đưa ra các chiến lược ứng phó và nuôi dưỡng hy vọng, từ đó giúp ngăn ngừa nhiều vấn đề tâm lý.

Đối với các chuyên gia tâm lý, nhân viên xã hội hay những người làm trong ngành chăm sóc sức khỏe, việc thấu hiểu giá trị của tín ngưỡng có thể mở ra một hướng tiếp cận toàn diện hơn trong quá trình hỗ trợ bệnh nhân chữa lành cả về tinh thần lẫn thể chất. 

Theo Epoch Times

x