Nhân gian rộng lớn mà đời người chẳng mấy khi thoát khỏi nỗi chật vật. Người thong thả thời gian, rủng rỉnh tiền bạc muốn ngao du sơn thủy nhìn ngắm thế giới mà sức lực chật vật, người có thời gian thì tiền bạc chật vật, mà người có nhiều tiền thì thời gian chật vật…
Có người có đủ tất cả nhưng tình cảm chật vật, mãi không tìm được một người thương mình, thời gian thoi đưa, tuổi già ập tới, chẳng biết tính sao? Nhưng biết đâu khi có được một người để yêu thương rồi thì từ đó bao nhiêu thứ khác lại trở nên chật vật.
Cuộc sống ai ai cũng đều chật vật cả, từ ông tỷ phú tới ông ăn mày, chúng ta có được hơi hơi thảnh thơi chút nào cũng là nhờ trao đổi cái dư thừa của mình với cái chật vật của người và ngược lại, vì thế mà con người không thể sống thiếu nhau và bài học chia sẻ mãi mãi là bài học cần thiết của nhân loại.
Giả sử Thượng Đế nghe thấy lời nguyện cầu và ban cho nhân loại một đặc ân: Đời người từ nay không còn một nỗi chật vật nào! Vậy thì chúng ta sẽ được vui vẻ trọn vẹn chứ? Câu trả lời có lẽ là “ Không”. Con người sẽ chẳng biết được thế nào là vui sướng nếu không từng đau khổ, sẽ chẳng biết cảm giác đầy đủ nếu không từng thiếu thốn. Tại một cảnh giới nào đấy biết đâu con người sẽ sung sướng khi được chật vật, có khi còn mưu cầu sự chật vật!
Đứa trẻ nhà giàu hôm trước muốn một con búp bê hôm sau liền có, con búp bê được nâng niu hai giờ đồng hồ. Đứa trẻ nhà nghèo nhặt được con búp bê còn mới trong đống đồ bỏ đi của thiên hạ, mang về coi như báu vật. Niềm hạnh phúc của cái đứa nhặt được báu vật chắc hẳn sẽ rất nhiều và còn kéo dài rất lâu so với đứa trẻ muốn gì liền có nấy vì nó sẽ khó lòng tìm thấy một báu vật nào. Vậy trong hai đứa trẻ, đứa nào sướng hơn cũng không dễ phân định.
Chúng ta cũng chỉ là những đứa trẻ của Thượng Đế, và để cho chúng ta có được cảm giác hạnh phúc ở cõi nhân gian này có lẽ Ngài đã cố tình đặt vào hồng trần một sinh mệnh mang tên “Chật vật” đấy thôi.