Văn hóa truyền thống

Tiếng chuông thể hiện tâm thái của người đánh

31/12/23, 17:26
Tiếng chuông thể hiện tâm thái của người đánh
Tiếng chuông thể hiện tâm thái của người đánh (ảnh minh họa Pixabay)

Cùng một chiếc chuông nhưng người đánh chuông với tâm thái khác nhau sẽ tạo ra tiếng chuông khác nhau, vậy nên làm việc gì cũng phải dụng tâm.

Tiếng chuông trong chùa

Chuông là pháp khí quan trọng trong nghi lễ của Phật giáo, ở nhiều ngôi chùa cổ nổi tiếng, gác chuông cao càng làm tăng thêm vẻ uy nghiêm cho ngôi chùa. Âm thanh êm dịu, uy nghiêm, vang vọng, thâm trầm và trong trẻo của tiếng chuông mang nội hàm trong Phật giáo là “thức tỉnh khách trần đang chạy theo danh lợi, kêu gọi người đời mau thoát khỏi bể khổ mênh mông”.

Chuông trong các ngôi chùa được chia làm 2 loại: Chuông Phạn và Chuông Hoán. Chuông Phạn còn gọi là “chuông đại”, “chuông tràng”, “chuông hồng”, “chuông kình”, v.v. Chuông Phạn được treo trên tháp chuông dùng để triệu tập Tăng chúng, hoặc để báo giờ ngày đêm. Chuông Hoán còn gọi là “chuông bán”, “chuông tiểu”, treo ở một góc trong chánh điện. Mục đích của nó là thông báo bắt đầu các sự kiện như Pháp hội, nên còn được gọi là “chuông hành sự”.

Chuông là hiệu lệnh trong chùa chiền Phật giáo. Cho dù là việc triệu tập các tăng nhân lên điện, tụng niệm kinh Phật, hay những công việc hàng ngày như thức dậy, đi ngủ, ăn uống, v.v., đều dùng tiếng chuông làm tín hiệu.

Hoạt động thường ngày của chùa chiền bắt đầu và kết thúc bằng tiếng chuông. Tiếng chuông buổi sáng vang lên, lúc đầu dồn dập, lúc sau chậm rãi, để nhắc nhở mọi người rằng đêm dài đã qua, không nên phóng túng an dật để ngủ thêm, mà hãy dậy sớm tranh thủ thời gian để tu tập. Còn tiếng chuông vào ban đêm lúc đầu chậm rãi, lúc sau dồn dập, là để nhắc nhở những người tu tập đang cảm thấy buồn ngủ, thần trí mơ màng, không tỉnh táo, nên mau chóng lấy lại tinh thần.

Vô tâm đánh chuông, tiếng chuông trống rỗng 

Có một tiểu hòa thượng chịu trách nhiệm đánh chuông trong chùa. Theo quy định của chùa, mỗi ngày phải đánh chuông 1 lần vào buổi sáng và 1 lần vào lúc mặt trời lặn. 

Huyền cơ ẩn chứa trong việc hòa thượng rung chuông
Tiểu hòa thượng cảm thấy công việc đánh chuông quá đơn điệu (ảnh minh họa unsplash)

Lúc đầu, tiểu hòa thượng khá nghiêm túc trong việc đánh chuông. Nhưng sau nửa năm, tiểu hòa thượng cảm thấy công việc như vậy quá đơn điệu và nhàm chán. Vì vậy, cậu đã đánh chuông mỗi ngày một cách chiếu lệ, qua loa.

Một ngày nọ, vị trụ trì của ngôi chùa đột nhiên thông báo muốn cậu chuyển ra hậu viện để chẻ củi gánh nước và không cần đánh chuông nữa. Tiểu hoà thượng cảm thấy lạ nên hỏi trụ trì: “Có phải con đánh chuông không đúng giờ hay tiếng chuông không vang vọng ạ?” 

Trụ trì nói với cậu: “Tiếng chuông của con rất vang dội, nhưng âm thanh trống rỗng và yếu ớt. Bởi vì trong lòng con không hiểu ý nghĩa của việc đánh chuông và cũng không thực sự dụng tâm để làm. Tiếng chuông không chỉ là khuôn mẫu cho mọi sinh hoạt hằng ngày ở chùa, mà quan trọng hơn là nó đánh thức mọi chúng sinh đang chìm đắm say sưa không tỉnh ngộ.

Vì vậy, tiếng chuông không những phải vang dội, mà còn phải êm dịu, thuần phác, thâm trầm và xa xăm. Nếu một người không có chuông trong tâm, cũng có nghĩa là không có Phật. Do vậy, nếu không thành kính, làm sao đảm đương được trách nhiệm đánh chuông?” 

Sau khi nghe điều này, tiểu hoà thượng cảm thấy xấu hổ, từ đó về sau, cậu chuyên tâm tu luyện và cuối cùng trở thành một vị hòa thượng nổi tiếng.

Kính chuông như Phật, tiếng chuông vang dội

Có một lão hòa thượng, một buổi sáng nọ nghe thấy tiếng chuông du dương, ông không khỏi chăm chú lắng nghe, đợi khi tiếng chuông dừng lại, ông bèn gọi người đến và hỏi: “Sáng sớm ai đã đánh chuông?” Một người trả lời: “Là một sa di (hòa thượng) mới tới ạ”. Thế là, lão hòa thượng liền hỏi sa di mới tới: “Sáng nay con dùng tâm thái như thế nào để đánh chuông?”

Sa di không biết vì sao lão hòa thượng lại hỏi mình, liền đáp rằng: “Con không có tâm trạng gì, chỉ là đánh chuông thôi ạ”.

Huyền cơ ẩn chứa trong việc hòa thượng rung chuông
Kính chuông như Phật, tiếng chuông vang dội (ảnh minh họa pixabay)

Lão hòa thượng hỏi: “Không thể nào? Khi con đánh chuông, trong tâm con chắc chắn đang suy nghĩ điều gì đó. Bởi vì tiếng chuông hôm nay ta nghe được là một âm thanh vô cùng cao quý và vang dội. Đó là âm thanh chỉ có người chân tâm thành ý mới có thể đánh ra được”.

Tiểu sa di suy nghĩ một lúc rồi nói: “Thật ra con không nghĩ đến điều gì khác, chỉ là trước khi con xuất gia, cha con thường dặn dò rằng, khi đánh chuông, con phải nghĩ rằng chuông là Phật, phải thành kính chay tịnh, kính chuông như Phật và dùng thiền tâm như đang nhập định và lễ bái để đánh chuông”.

Lão hòa thượng nghe xong rất hài lòng, nhắc đi nhắc lại: “Sau này xử lý việc khác, đừng quên giữ vững tâm thái đánh chuông ngày hôm nay”.

Kỳ thực, đạo lý này không chỉ đúng trong việc đánh chuông, mà còn đúng với bất cứ việc gì. Khi làm bất cứ chuyện gì, điều đặc biệt quan trọng là ý niệm trong tâm như thế nào.

Như ngạn ngữ có câu: “Có chí hay không, chỉ cần nhìn vào việc nhóm lửa quét nhà là biết”. Chỉ khi dụng tâm làm tốt những việc nhỏ thì mới có thể làm được việc lớn.

Theo Vision Times

x