Văn hóa truyền thống

Thuật nhìn người của cổ nhân: Bát quan lục nghiệm

24/06/23, 08:48
Thuật nhìn người của cổ nhân: Bát quan lục nghiệm
Cổ nhân nhiều phương pháp nhìn người rất đáng cho hậu thế học hỏi (ảnh minh họa: Televator)

Thuật nhìn người là một loại học vấn cao thâm, cổ nhân đã lưu lại các phương pháp nhìn người rất đáng để hậu thế học hỏi.

Trong “Lã thị xuân thu” có giảng về một loại phương pháp nhìn người vô cùng tinh thâm được gọi là “Bát quan lục nghiệm”.

Bát quan: 8 điểm cần phải quan sát trong thuật nhìn người

“Thông tắc quan kì sở lễ, quý tắc quan kì sở tiến, phú tắc quan kì sở dưỡng, thính tắc quan kì sở hành, chỉ tắc quan kì sở hảo, tập tắc quan kì sở ngôn, cùng tắc quan kì sở bất thụ, tiện tắc quan kì sở bất vi.”

Cái gọi là “thông tắc quan kỳ sở lễ“, tức là nếu muốn hiểu rõ một người thì nên quan sát lễ nghĩa của họ. Đối với người thành đạt, xem xem có còn khiêm tốn, cẩn trọng, nho nha lễ nghi, tuân thủ phép tắc hay không.

Thuật nhìn người; Thuật nhìn người của cổ nhân; Thuật nhìn người của cao nhân xưa
Khi vinh hiển mà vẫn có thể tuân thủ lễ tiết, chừng mực nho nhã, ấy chính là bậc quân tử (ảnh minh họa: Cafebiz)

Quý tắc quan kỳ sở tiến“, ý nói về người ở địa vị cao sang, khi nắm những chức vị quan trọng thì nhìn vào thứ mà họ hướng tới, điều mà họ cất nhắc. Người đó đề bạt, tiến cử loại người nào thì sẽ bộc lộ ra họ là người như thế.

Phú tắc quan kỳ sở dưỡng“, nhìn người giàu có thì quan sát những thứ họ dung dưỡng, bao gồm cả gia nhân và bè bạn. Với người có tiền, thì xem cách người đó tiêu tiền, tiêu như thế nào, tiêu cho ai, tiêu vào việc gì, từ đó mà xét xem họ ra sao.

Thính tắc quan kỳ sở hành“, tức là khi một người lắng nghe ý kiến ​​của người khác, quan sát xem người ấy tiếp thu nội dung nào, đồng thời cũng xem xem họ có làm theo cách đó không, lời nói và việc làm của người ấy có nhất quán hay không.

Chỉ tắc quan kỳ sở hảo“, một người trong cảnh nhàn rỗi, hãy quan sát xem anh ta có sở thích gì, theo đuổi và đam mê điều gì khi có thời gian rảnh. Khi một người ở một mình, rất dễ lộ ra nhiều sơ hở, và bạn có thể nhìn rõ tâm tính người này.

Tập tắc quan kỳ sở ngôn“, nghĩa là những lời nói khi mới quen không quan trọng, nhưng khi lâu ngày thân thiết rồi hãy lắng nghe xem họ sẽ nói năng như thế nào với bạn, từ đó có thể nhìn ra họ như thế nào.

Cùng tắc quan sở kỳ bất thụ“, trong lúc khốn khó, hãy nhìn vào những thứ mà họ từ chối, không tiếp nhận. Tức là khi khốn cùng, liệu họ có tiếp nhận của cải phi nghĩa không? Một người có thể giữ mình trong sạch trong lúc gian khổ nhất, mới là điểm then chốt để xem phẩm hạnh người đó.

“Tiện tắc quan sở kỳ bất vi”, nghĩa là khi một người có địa vị thấp kém, hãy quan sát những điều anh ta từ chối không làm, nếu như trong giai đoạn này vẫn có thể chính trực vươn mình thoát khỏi bùn nhơ và không bị ô nhiễm, thì đó nhất định là một nhân tài có phẩm hạnh tốt.

Lục nghiệm: 6 loại khảo nghiệm để nhìn thấu một người

“Hỉ chi dĩ nghiệm kì thủ, nhạc chi dĩ nghiệm kì tích, nộ chi dĩ nghiệm kì tiết, cụ chi dĩ nghiệm kì trì, ai chi dĩ nghiệm kì nhân, khổ chi dĩ nghiệm kì chí.”

Cái gọi là “hỉ chi dĩ nghiệm kỳ thủ“, chính là khi một người đang “đắc ý” thì liệu họ có giữ gìn được sự đúng mực không? Nếu một người hễ gặp được chuyện tốt liền tự mãn lâng lâng, vui mừng quá khích, thì người này vẫn chưa đủ chín chắn, chừng mực, hành vi thường ngày cũng có thể không đạt tiêu chuẩn.

Nhạc chi dĩ nghiệm kì tích“, lấy khoái lạc để khảo nghiệm tà niệm. Trong hoàn cảnh đầy cám dỗ, mà có thể hiên ngang bất động, người như vậy thật hiếm có.

Nộ chi dĩ nghiệm kì tiết“, khiến một người tức giận, để xem khả năng khống chế và kiểm soát cảm xúc bản thân của họ. Chỉ những người có khả năng tự chủ mạnh mẽ, mới có thể thay đổi được cục diện phức tạp.

Cụ chi dĩ nghiệm kì đặc“, nghĩa là lấy sự sợ hãi để đo lường cái tâm kiên định và khả năng giữ lập trường của một người. Có người khi giải quyết sự việc, dù lòng đã hiểu rõ ngọn ngành; nhưng vì bị kẻ khác đe dọa, lại sinh tâm sợ hãi mà cúi đầu khuất phục; làm trái với lương tâm. Người như vậy thực là kẻ vô dụng, không thể dùng.

Ai chi dĩ nghiệm kì nhân“, dùng hoàn cảnh bi thương của kẻ khác, để khảo nghiệm thái độ làm người. Nếu như đối với bạn thì họ ân cần đối đãi, còn với người nghèo khổ lại vô cảm, thì người này đối với bạn ắt có toan tính.

thuật xem tướng; nhìn tướng biết tâm; tướng tự tâm sinh
Nếu như đối với bạn thì họ ân cần, còn với người nghèo khổ lại vô cảm, thì người này đối với bạn ắt có toan tính (ảnh minh họa: 2sao)

Khổ chi dĩ nghiệm kì chí“, lấy khổ thử ý chí. Nếu một người hễ gặp chút khổ nạn liền bỏ cuộc giữa chừng, người như vậy không thể trọng dụng. Người mà có thể trong nghịch cảnh, hoạn nạn không từ bỏ khí tiết, ý chí luôn vững vàng, ấy mới là người thực đáng quý.

Trên đây chính là “Bát quan lục nghiệm” nổi tiếng trong thuật nhìn người của cổ nhân. Phương pháp này không chỉ giúp chúng ta có khả năng nhìn người tốt hơn, mà còn giúp chúng ta đo lường bản thân với các chuẩn tắc, không ngừng hoàn thiện bản thân.

Theo Vision Times

x