Nhân sinh cảm ngộ

Thông minh phải chăng là do bẩm sinh của não bộ? Chuyện về những người nổi tiếng

13/04/21, 07:46
Thông minh phải chăng là do bẩm sinh của não bộ?
Albert Einstein: Bộ óc vĩ đại của thế kỷ 20 (ảnh Pinterest)

Nhiều người cho rằng thiên tài là do bẩm sinh, tôi cũng thấy điều này có phần đúng; nhưng nhìn lại những vĩ nhân trong lịch sử thì đi kèm với trí thông minh tuyệt đỉnh luôn là những người có nhiều đức tính tốt đẹp. Phải chăng tâm tính của một người cũng ảnh hưởng đến sự thông minh của họ?

Anh-xtanh: Bộ óc vĩ đại của thế kỷ 20

Albert Einstein (Anh-xtanh), bộ óc vĩ đại của thế kỷ 20; người xây dựng cho thế giới thuyết tương đối; người tạo nên phương trình E=mc2 và định luật về hiệu ứng quang điện, rõ ràng là một người vô cùng thông minh; và chắc hẳn bộ não của ông cũng rất đặc biệt.

Thomas Stoltz Harvey, một nhà nghiên cứu bệnh lý học trong quá trình khám nghiệm tử thi tại Bệnh viện Princeton (Mỹ) đã tự ý mổ rồi lấy đi bộ não của Anh-xtanh, với tham vọng muốn tìm ra sự khác biệt đó. Nhưng rốt cuộc ông ta chẳng tìm thấy gì trong suốt phần đời còn lại của mình.

Cho đến khi một số nhà nghiên cứu được ông trao lại bộ não đặc biệt này để tiếp tục nghiên cứu, họ đã tìm thấy một số điểm khác biệt giữa bộ não của Anh-xtanh và người bình thường như: Một khu vực bên trái não Anh-xtanh nhiều hơn 73% so với người thường; bộ não của Anh-xtanh chỉ nặng 1.230gr (bộ não của người đàn ông bình thường nặng 1.400gr); lớp vỏ não của Anh-xtanh so với người bình thường mỏng hơn; trong não của Einstein có một dãy máng trũng xuống v.v. 

Họ cho rằng những khác biệt này sẽ có một số tác động nào đó khiến cho năng lực suy nghĩ, tính toán của Anh-xtanh tốt hơn người khác. Rồi họ cho rằng thiên tài là do bẩm sinh. Nhưng cũng có nhiều nhà khoa học cùng thời hoài nghi đối với suy đoán là do bẩm sinh như trên; nói chỉ dựa vào một bộ não của Anh-xtanh đã đưa ra kết luận như vậy là không đủ thuyết phục.

Thiên tài là do bẩm sinh hay còn có yếu tố nào khác?

Thông minh bẩm sinh là gì; Thông minh là như thế nào; Xem gì để thông minh; gen thông minh; Rèn luyện trí thông minh
Einstein được cho là đã góp sức tạo ra bom nguyên tử (ảnh miljomytene)

Vậy sự khác biệt thực sự nằm ở đâu? Tất nhiên tôi cũng không có câu trả lời chính xác, chỉ là muốn thử lý giải việc này một chút mà thôi.

Có nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng con người chỉ sử dụng khoảng 10% chức năng của não bộ; và phần còn lại vẫn chưa được ‘kích hoạt’. Tôi tự hỏi làm thế nào để kích hoạt phần não bộ đang ngủ yên này? Nhìn vào Anh-xtanh thì tôi nghĩ phải chăng đó là sự vô tư, không tham danh lợi?

Anh-xtanh từng nói: “Điều đã luôn thắp sáng con đường tôi đi và hết lần này đến lần khác truyền cho tôi sự can đảm để đối diện với cuộc sống một cách vui tươi, đó chính là sự tử tế, cái đẹp, và sự thật. 

Nếu không có sự đồng điệu của những tâm hồn; nếu không có sự khách quan trong thế giới; sự vĩnh cửu của nghệ thuật và sự tìm tòi không ngừng nghỉ của khoa học; thì cuộc sống là trống rỗng đối với tôi. Những thứ sáo mòn mà con người cố gắng đạt tới – của cải vật chất, thành công thăng tiến, xa hoa đẳng cấp – tất cả đều là tầm thường…” 

Rồi lúc nghe tin hai quả bom hạt nhân gieo xuống Nhật Bản, ông than : “Khốn nạn cho tôi”; “Nếu tôi biết người Đức không thành công trong việc phát triển bom nguyên tử, tôi sẽ không làm gì cả”; “Chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thảm họa sắp tới”. Anh-xtanh nói như vậy vì ông cho rằng bản thân đã gián tiếp tạo ra quả bom nguyên tử này.

Một trái tim giản dị, một tâm hồn thiện lương

Thông minh bẩm sinh là gì; Thông minh là như thế nào; Xem gì để thông minh; gen thông minh; Rèn luyện trí thông minh
Albert Einstein và Charles Chaplin (ảnh Twitter)

Là một nhà khoa học vĩ đại, nhưng Anh-xtanh lại rất ‘ngây thơ’ về vấn đề tiền bạc. Khi Đức quốc xã mở cuộc khủng bố tàn khốc tại Đức, trường đại học Princeton – Hoa Kỳ mời ông qua dạy và hỏi ông về điều kiện giá cả; ông đề nghị một khoản tiền rất ít, ít đến nỗi các vị giám đốc của trường phải cho ông biết rằng với khoản tiền ấy ông không thể sống nổi ở Hoa Kỳ; ít nhất phải gấp ba lần con số đó mới đủ.

Trước đó, trong một lần sang Đức, Charles Chaplin (vua hề Sạc- Lô) đã đến thăm gia đình Anh-xtanh; ông nhìn thấy nhà khoa học vang danh khắp địa cầu sống trong một ngôi nhà bé nhỏ khiêm tốn; nếu không nói là có vẻ nghèo nàn với một phòng ăn kiêm luôn phòng tiếp khách; và nền nhà trải một tấm thảm cũ mèm. Trong khi đó, công ty Rockefeller đã dành sẵn cho ông một triệu đô la để ông thực hiện các nghiên cứu nhưng ông không hề đụng đến.

Bộ óc của ông được cho là bộ óc thông minh nhất thế kỷ 20, vậy mà tâm hồn ông thật hồn nhiên vô tư; chẳng khác nào đứa trẻ. Phải chăng bộ óc của thiên tài cũng chẳng có gì khác của một người bình thường cả; và điều làm nên sự khác biệt vượt bậc của vĩ nhân so với thường nhân là ở tấm lòng, tinh thần và thái độ đối với đời sống của ông.

Các vĩ nhân đều có rất nhiều đức tính tốt đẹp

Đương nhiên, với mỗi trường hợp của Anh-xtanh mà kết luận rằng tâm tính có ảnh hưởng tới sự thúc đẩy trí thông minh thì cũng không lấy gì làm thuyết phục. Nhưng quả thực khi đọc về những gương danh nhân thì tôi có một cảm nhận chung rằng các vị ấy ngoài những phát hiện, những phát minh hay những dấu ấn thành công trên nhiều lĩnh vực từ văn chương đến khoa học, kinh tế, chính trị… thì còn là những người có tâm hồn đẹp; có nhiều đức tính tốt; và nhất là họ đều có một tấm lòng thương người và nghĩ cho người khác.

Benjamin Franklin: Một con người kiệt xuất

Thông minh bẩm sinh là gì; Thông minh là như thế nào; Xem gì để thông minh; gen thông minh; Rèn luyện trí thông minh
Benjamin Franklin: Một nhà khoa học, một nhà lập pháp và là một vị thủ lĩnh của Hoa Kỳ (ảnh theladders)

Đơn cử, tôi sẽ kể một chuyện về cách tự tu dưỡng của Benjamin Franklin. Ông là một nhà khoa học, một nhà lập pháp và là một vị thủ lĩnh của Hoa Kỳ. Xin nói sơ một chút về những thành tựu của ông: Ông là Tổng giám đốc bưu điện cho 13 thuộc địa; người đã cổ vũ cho việc thống nhất 13 thuộc địa lại để chống ngoại xâm nên được nhà văn Balzac tặng cho mỹ hiệu là “người sáng chế ra Hiệp chủng quốc”. Ông là người sáng lập đại học Pennsylvania; người chế ra cây thu lôi; người sáng lập hội khoa học đầu tiên ở Mỹ – hội khoa học Philadelphia vào khoảng năm 1743 v.v. 

Ngoài ra ông còn chế ra biết bao nhiêu là dụng cụ, máy móc mới cho nhân loại dùng nhưng không khi nào xin chứng thư để độc quyền sản xuất mà tặng hết thảy cho nhân loại, ông nói: “Chúng ta hưởng bao nhiêu cái lợi do những phát minh của người khác; nếu may mắn có cơ hội phát minh được cái gì để đền đáp lại thì phải cho mọi người hưởng không; đừng giữ làm riêng của mình”. Và trong khi sáng chế thì ông không giấu diếm điều gì; cũng không sợ người khác tìm ra được trước mình; ngược lại còn rủ nhiều người lại coi và chỉ giùm ông chỗ nào có sai sót. Những việc đó có phải do bẩm sinh sẵn có?

Vượt trên cả tài năng là phẩm chất cao quý

Cái chính mà tôi muốn kể về Benjamin Franklin là ông có một cuốn sổ tay chia làm mười ba tuần; mỗi tuần dùng luyện một đức mà ông thấy còn thiếu, đó là: Điều độ, yên lặng, thứ tự, quả quyết, thanh đạm, cần mẫn, thành thực, công bằng, ôn hòa, sạch sẽ, bình tĩnh, trong sạch, khiêm tốn. Và ông cứ dành ra mỗi tuần luyện một đức, hết mười ba tuần thì quay lại luyện lại từ đầu mỗi đức; cứ liên tục xoay vòng như vậy. Và ông vạch rõ mục đích đời ông là gây hạnh phúc cho nhân loại.

Thông minh là như thế nào; Xem gì để thông minh; gen thông minh; Rèn luyện trí thông minh
Triết gia Vương Dương Minh (ảnh Zhihu)

Một người nữa mà tôi muốn lấy làm ví dụ là Vương Dương Minh; vừa là một nhà chính trị tài ba; vừa là một triết gia và là nhà tư tưởng thời nhà Minh ở Trung Quốc. Ông nghĩ cho người khác tới nỗi cả một đời danh tiếng vang dội, vậy mà khi học trò muốn ghi chép lại lời dạy của ông để lưu truyền hậu thế thì ông nói đừng chép, ông sợ rằng bản thân sai lầm ở đâu đó lại làm cho hậu thế sai theo.

Những người này quả thực trong lịch sử cổ kim từ Đông sang Tây có rất nhiều; nhiều đến nỗi họ cứ làm tôi tin rằng đức tính có tác động rất lớn đến sự thông minh; hoặc có thể tố chất thông minh của một người là do bẩm sinh từ trong bụng mẹ thì cũng nhờ gắng công tu dưỡng đạo đức mà tố chất thông minh của họ càng ngày càng được khai mở thêm ra; phát huy thêm lên và tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.

Dù thiên tài có phải do bẩm sinh hay không thì thiện lương vẫn cần phải tu dưỡng

Nếu đặt một câu hỏi: Vậy cũng có nhiều người đức tính tốt lắm mà trí thông minh có phát ra đâu; họ cũng nhàn nhạt chẳng có gì nổi bật cả. Ừ thì đúng lắm! Vậy nên mới nói tôi cũng không có câu trả lời cho câu hỏi ở đầu bài; đây chỉ là một cảm nghĩ vậy thôi.

Nhưng tôi lại nhớ đến câu “Sinh tử hữu mệnh, phú quý tại thiên” (sống chết có số, giàu sang do trời); quả thực trong cuộc sống rất nhiều khi là như vậy; người tốt thì hay gặp điều chẳng lành; mà người xấu thì cứ mãi phất lên. Nói theo nhà Phật thì đây cũng là nhân quả; mà nhân quả thì con người khó có thể nhìn thấy rõ ràng được; vì nó liên quan đến tiền kiếp.

Tuy nhiên, từ các vĩ nhân ở trên thì tôi thấy sống tốt, chân thành, thiện lương. Họ biết thương xót và suy nghĩ cho người khác. Chúng ta thường học theo thói quen của những người giàu có nổi tiếng để cũng mong được như họ; vậy tôi nghĩ đối với các đức tính của những người kiệt xuất ở trên thì rất nên học hỏi. Dù thiên tài có phải do bẩm sinh hay không thì thiện lương vẫn cần phải tu dưỡng

x