Nghề sửa khóa là một trong những nghề khá nhạy cảm, vì nếu không giữ vững đạo đức thì rất dễ nảy sinh lòng tham mà làm những việc bất chính. Qua câu chuyện về người thợ sửa khóa lựa chọn đồ đệ dưới đây mới thấy, thông minh tài giỏi chỉ là thứ yếu, quan trọng nhất vẫn là phải có đạo đức.
- Có tài cũng khổ, bất tài cũng khổ, chỉ người đạo đức mới được an nhiên
- Đạo đức là phương thuốc để chữa bách bệnh
Nội dung chính
Thợ sửa khóa được nhiều người kính trọng
Ông lão thợ khóa cả đời đã sửa không biết bao nhiêu ổ khóa, kỹ thuật cao siêu, giá cả cũng rất hợp lý; vì vậy được mọi người ở địa phương kính trọng. Hơn nữa ông lại là người rất chính trực; mỗi lần sửa khóa ông đều cho người ta biết họ tên và địa chỉ của mình. Ông nói rằng: “Nếu như nhà anh có trộm, chỉ cần dùng chìa khóa mở cửa nhà anh đến tìm tôi, tôi sẽ thay anh tìm ra tên trộm, không lấy của anh một đồng”.
Thời gian trôi đi, ông lão sửa khóa cũng ngày càng già đi, nhưng tay nghề càng lúc càng tinh xảo. Vì muốn kỹ nghệ của ông không bị thất truyền, mọi người liền giúp ông tìm kiếm đồ đệ. Cuối cùng ông chọn được hai người trẻ tuổi, cả hai đều rất có năng lực. Ông lão cũng rất quý mến họ, lần lượt mang các kỹ năng truyền thụ cho họ.
Sau một thời gian ngắn, cả hai đều học được không ít kỹ thuật. Thế nhưng theo thông lệ từ xưa thì sẽ chỉ có một người có thể được chân truyền; vì vậy ông lão quyết định thử thách 2 người họ một chút.
Vào một ngày nọ, ông lão chuẩn bị hai cái két sắt và đặt ở hai phòng khác nhau, rồi nói hai đồ đệ mở ra; người nào mở ra nhanh hơn thì sẽ thắng. Khảo nghiệm này đối với họ mà nói thì đơn giản, vì cả hai đã có kỹ năng thành thục; chủ yếu là xem ai sẽ là người mở được trước.
Lựa chọn đầy bất ngờ của người thợ khóa
Kết quả là người thứ nhất không đến 10 phút đã mở được két; còn người thứ hai phải mất đến nửa tiếng đồng hồ mới xong. Ai cũng cho rằng người thứ nhất thắng cuộc là điều đương nhiên, chỉ chờ ông lão thợ khóa tuyên bố ai là người chiến thắng thôi. Nhưng mọi người chờ thật lâu mà vẫn không thấy ông nói gì.
Trong lúc mọi người còn đang thắc mắc thì ông mới hỏi đồ đệ thứ nhất: “Con là người mở được két sắt trước, vậy con thấy ở trong két có cái gì?”
Người này phấn khích trả lời thầy: “Thưa thầy, bên trong có rất nhiều tiền. Số tiền này có thể dùng cả nửa đời người cũng không hết. Con chưa bao giờ thấy nhiều tiền như vậy”
Ông lão thợ khóa lại hỏi người đồ đệ thứ hai câu tương tự. Người này ấp úng nói: “Thưa thầy, con không biết bên trong có gì cả. Thầy chỉ bảo con mở khóa, thì con mở khóa; chứ con không xem trong két có gì hết”.
Lão thợ khóa nghe xong thì hết sức vui mừng, ông tuyên bố chọn đồ đệ thứ hai làm người nối nghiệp của mình. Nghe vậy thì đồ đệ thứ nhất tỏ ra không phục; mọi người cũng cảm thấy rất khó hiểu.
Người thợ sửa khóa tuyệt vời là ‘trong lòng chỉ có làm khóa’
Ông lão mỉm cười nói: “Bất kể làm ngành nghề gì cũng đều phải nói đến một từ Đức; nhất là ngành nghề của chúng ta, đạo đức hành nghề còn phải cao hơn nữa. Một người có tâm hồn tốt đẹp thì thế giới trong mắt anh ta sẽ trong sáng thanh tịnh; anh ta sẽ là một người có đạo đức cao quý.
Tôi chọn đồ đệ là muốn bồi dưỡng cho người đó trở thành một người thợ khóa tuyệt vời; người đó nhất định phải là ‘trong lòng chỉ có làm khóa’, chứ không được có thứ gì khác. Đối với tiền tài phải nhìn mà như không thấy. Nếu không, chỉ cần một chút tư niệm, lòng tham nổi lên, thì có thể trèo vào cửa nhà, mở trộm két sắt của người ta. Cuối cùng thì chỉ có thể hại người hại mình mà thôi.
Những người làm khóa chúng ta, trong lòng mỗi người đều phải có một cái khóa không thể mở, đó là ‘không vì lợi mình, chỉ vì lợi người’, chỉ giúp đỡ người khác mở khóa của họ mà thôi”.
Chữ Đức còn quan trọng hơn chữ Tài
Kỳ thực, không chỉ riêng nghề sửa khóa, mà bất kể ngành nghề nào cũng cần phải có đạo đức, phải giữ chữ tín, nếu không thì không cách nào tìm được chỗ đứng trong xã hội.
Tư Mã Quang vào thời Bắc Tống đã căn cứ vào Tài và Đức mà chia con người ra thành 4 loại: Một là người Tài Đức vẹn toàn, gọi là thánh nhân; hai là Đức Tài đều kém, gọi là người ngu dốt; ba là Đức hơn Tài, gọi là quân tử; bốn là Tài hơn Đức, gọi là tiểu nhân.
Và khi nói về cách dùng người thì Tư Mã Quang cho rằng: “Tốt nhất là lựa chọn thánh nhân, sau đó là đến quân tử. Nếu như cả hai loại đó đều không có thì thà chọn người ngu dốt còn hơn là chọn tiểu nhân. Bởi vì có tài mà vô đức là loại người nguy hiểm nhất, so với loại người vô tài vô đức thì còn tồi tệ hơn”.
Tổng hợp