Nói về nuôi dạy con thì đúng là thật cực khổ gian lao, nhưng ba mẹ Việt nhiều năm trở lại đây lại còn cực khổ vì những điều thật trớ trêu; gian lao vì kiếm tiền nuôi con đã đành, đằng này lại gian lao vì cố ép con phải tiêu cho bằng được những đồng tiền mình cực khổ kiếm ra, rồi sau đó than vãn rằng “thời này nuôi con thiệt là tốn kém”. Bạn nghe có thấy ngược đời không?
Mới nghe tưởng chuyện bịa, nhưng tôi thiệt là nhiều người hiện nay cứ như bị làm sao ấy. Để tôi kể bạn nghe những điều kỳ lạ mà tôi thấy tận mắt.
Nội dung chính
Ép ăn
Tôi thấy có bà mẹ ép con uống sữa phải đủ tiêu chuẩn bao nhiêu hộp một ngày đó, bởi cho rằng như vậy mới giúp con cao lớn và thông minh hơn. Có lần, sau bữa cơm, đứa con của bà thèm muốn ăn thêm một quả trứng luộc nhưng bà nhất quyết không cho, buộc con phải uống hộp sữa với lý do để tăng chiều cao trong khi đứa trẻ đó ớn ngáy sữa. Sao bà mẹ ấy không hiểu rằng dinh dưỡng trong một quả trứng luộc có thể tương đương hoặc cao hơn một hộp sữa? Sao bà ấy không nghĩ rằng một quả trứng ít ra nó không có chất bảo quản như một hộp sữa? Đó là chưa nói trong sữa ấy có bao nhiêu phần trăm thực sự là sữa?
Tôi còn thấy có bà mẹ ép con ăn, phải ăn đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng mà bà đề ra. Đứa trẻ ngoan và chịu nghe lời, ăn theo ý mẹ vì không muốn thấy mẹ nổi đóa. Vì vậy nó mập dữ lắm, và hiện nay nó bị béo phì. Dù béo phì nhưng việc ăn nhiều đã trở thành một thói quen khó bỏ, không ăn đủ nó cảm thấy cồn cào không chịu được.
Tôi lại thấy có bà mẹ cũng ép con ăn, nhưng đứa trẻ kháng cự mạnh mẽ, bữa ăn là lúc thụ hưởng thành quả lao động, mà với mẹ con bà, bữa cơm trở thành một trận chiến không khoan nhượng. Kết quả, theo thời gian đứa bé càng ngày càng lớn lên, sức phản kháng càng mạnh hơn, nó ghét ăn và nó cũng ốm nhom. Giá bà ấy hiểu được ăn là một nhu cầu mà ai cũng muốn hưởng thụ khi đói; ăn không phải là một thứ hình phạt tra tấn trá hình. Hỏi trên đời này ai đói mà chẳng thèm ăn? Sao không chịu để yên cho người ta tự giác ăn trong niềm vui sướng vì được ăn, vì có cái để ăn?
Có lần tôi chia sẻ điều này với một bà mẹ, bà ấy tâm sự có đứa con 3 tuổi nhát ăn lắm, tuy nhát nhưng còn nhỏ nên bà ép thì ít nhiều nó cũng phải ăn. Bà nghe lời tôi, một buổi sáng, bà không ép nữa, nó vui quá, như được giải thoát, và khi đã được giải thoát thì chắc chắn là nó sẽ bỏ cái điều nó ghét càng xa càng tốt, nó chơi cả nửa ngày mà không ăn hoàn toàn, từ sáng đến trưa nó không ăn gì, chỉ uống nước cam, quá xế chiều nó cũng không ăn, chỉ uống sữa hộp, đến bữa cơm tối, bà mẹ lo lắng quá, tâm tình náo loạn, lòng dạ như bị lửa thiêu đốt, bà chịu không nổi, cuối cùng, 10 giờ tối, bà lấy đồ ăn ra sừng sộ ép nó ăn cho bằng được (có lẽ bà sợ nó chết đói trong đêm).
Bà kể lại với tôi chuyện đó và nói rằng cách của tôi không được, vì đói nó cũng không ăn. Tôi đáp rằng: “Nó không đói, nó đã được chị cho uống sữa và nước cam rồi còn gì? Một đứa trẻ nó chỉ cần một chút dinh dưỡng đó để duy trì sự sống, nó còn năng lượng dự trữ trong cơ thể mà, mỗi ngày một ly nước cam để nuôi lớn nó là điều không thể, nhưng 1 ly nước cam thừa sức để nó duy trì sự sống trong một ngày mà không cần phải ăn. Huống chi nó còn uống sữa nữa.” Rồi tôi kể cho chị nghe chuyện Đức Phật, thánh Gandhi,… họ từng nhiều ngày chẳng ăn gì mà chỉ có uống nước cam.
Nói chung cách thì có đó nhưng nội tâm không đủ mạnh thì cũng không làm được tới nơi tới chốn.
Ép học
Rồi lớn lên chút nữa, vừa qua được cái giai đoạn ép ăn, sẽ đến chuyện ép học. Có đứa thảm hơn nữa là lớn rồi mà vừa bị ép ăn vừa bị ép học. Con phải học thêm ông thầy này, bà cô nọ. Học trên trường đã mệt mà vừa tan trường ra phải ăn vội ăn vàng ổ bánh mì, cha chở đằng trước, con ngồi nhai không kịp nuốt đằng sau… vì không có thời gian. Hết giờ học thêm về nhà muốn nằm lắm mà chẳng dám, còn phải tắm rửa ăn cơm và lê tấm thân mệt mỏi tiếp tục ngồi vào bàn soạn sách vở, làm bài tập và học bài ngày mai.
Đó là còn chưa nói đến những môn năng khiếu cha mẹ muốn con học để con trở thành người toàn tài như cờ vua, bóng rổ, võ thuật, múa, đàn, vẽ…. Mấy môn này học mà thấy yêu thích thì cũng như đi chơi, rất là vui, nhưng một khi đã không có đủ thời gian ngủ mà còn bắt đi chơi thì khó vui được.
Ấy thế mà có một thứ vô cùng cần thiết lại hiếm lắm mới thấy có người ép, là ép con đọc sách.
Đọc sách
Như tôi đã kể ở trên, con nít như cành non, dù không thích ăn hay không thích học mà bị cha mẹ ép nó vẫn phải làm thôi, ít nhiều gì nó cũng phải ráng chịu. Thì sách cũng vậy, sao mình không tranh thủ lúc con còn nhỏ mà ép một chút? Con người mới sinh ra đã tìm vú mẹ để được bú sữa, mọc được vài cái răng là tìm đồ bỏ miệng, sự thật là dù không ép trẻ vẫn ăn vì nhu cầu cơ thể, theo thời gian dần lớn trẻ sẽ tự nhiên thích ăn nhiều món hơn, đó là bản năng gốc của sự sống.
Nhưng chẳng có ai sinh ra đã tự biết tìm tới sách. Cái này thì phải có người nói cho mới biết. Vậy nên muốn trẻ đọc sách thì người lớn không nói không được, nói mà chưa hiểu thì không ép không được. Theo thời gian dần lớn trẻ sẽ hình thành thói quen đọc và thích đọc nhiều sách hơn, lúc này chúng ta đã thành công tạo ra được nhu cầu đọc ở trẻ rồi.
Có người có thể nghĩ đọc sách mà ép thì sợ trẻ sẽ ghét sách. Không đâu, cũng như hồi nhỏ ép con ăn, nói là “ép” nhưng đâu phải lúc nào cũng là la mắng, hăm dọa hay roi vọt, phương pháp của cha mẹ có rất nhiều, lúc thì dỗ dành, lúc thì khuyến khích, lúc thì dụ hoặc,… tùy tính tình mỗi đứa trẻ sẽ có một cách thức phù hợp, tùy mỗi độ tuổi sẽ có những quyển sách phù hợp. Không cần đọc nhiều, chỉ cần mỗi ngày bao nhiêu trang đó tùy sức của trẻ.
Và quan trọng là tạo môi trường cho trẻ, bạn thấy đó, tới bữa cả nhà đều phải ăn cơm, nên hiển nhiên trẻ cũng phải ăn cơm, không bất công gì. Vậy thì muốn trẻ vui vẻ đọc sách cả nhà cũng phải đọc sách, đừng bắt trẻ ngồi đọc còn bạn thì chơi điện thoại, như vậy trẻ sẽ cho là bạn bất công. Mà hễ thấy bất công thì sẽ sinh ra bất bình, đã bất bình thì hiển nhiên là muốn chống đối, không nghe lời. Lời khuyên tốt phải đi kèm tấm gương tốt mới đem lại kết quả.
Giá trị của đòn roi
Ngày nhỏ tôi từng đọc một câu chuyện về một người thành công, mà bây giờ tôi không còn nhớ tên ông ta. Chuyện kể rằng, hồi nhỏ ông là một cậu bé con nhà nghèo, ham chơi và ghét học, không bao giờ chịu đọc một quyển sách nào cho ra hồn. Vì nhà nghèo nên lớn hơn một chút cậu phải nghỉ học đi làm thuê hết chỗ này tới chỗ khác để tự nuôi thân, nhưng gặp phải nhiều người chủ hẹp dạ, cho ăn thì ít mà bắt làm thì nhiều.
Một ngày cậu ta bỏ tới một nơi xa và xin được chân giúp việc cho một ông chủ. Ông chủ này là một người tốt, cho ăn uống tử tế và mỗi tháng còn trả thêm tiền công. Đặc biệt ông ta có một phòng đầy sách và hào phóng cho mọi người giúp việc trong nhà ai biết chữ thì đều được vào mượn sách đọc.
Sau một thời gian làm việc, ông chủ thấy cậu thiếu niên mới đến này chẳng bao giờ đọc sách, mới đầu còn tưởng cậu ta không biết chữ, sau khi tình cờ biết được cậu ta biết chữ mà không chịu đọc sách học thêm, lại cam chịu suốt đời làm một chân sai vặt, ông chủ buộc cậu mỗi ngày phải đọc sách, cậu không nghe, ông lôi cậu ra lấy roi quất một trận thật lực, bắt cậu nhất định phải đọc.
Vậy là để giữ được chỗ làm tốt này cậu đành phải nghe lời, mới đầu còn khó chịu lắm, làm công việc đã mệt rồi còn bắt người ta đọc sách, thật là tức chết. Nhưng chẳng bao lâu sau cậu đã thấy đầy hứng thú, sung sướng và ngấu nghiến gần hết những cuốn sách của ông chủ.
Cậu được mở rộng tầm mắt qua những trang sách, được nhìn thấy vô số những chân trời mới lạ, những cuộc đời ngoại hạng, những chiêm nghiệm nhân sinh của nhiều nhân vật tiếng tăm lừng lẫy nhất, những cuộc phiêu lưu của những con người can đảm nhất, những hy sinh cao thượng nhất cũng như những góc tăm tối nhất của con người,… Rồi một hôm, sau khi đọc hết trang cuối cùng của một cuốn sách, cậu thầm hỏi: “Bây giờ mình sẽ viết nên câu chuyện nào cho chính cuộc đời mình đây?”
Sau này khi bản thân đã trở nên một người có học và thành công, cậu vô cùng biết ơn trận đòn ngày đó của ông chủ.
Từ câu chuyện của ông ấy chúng ta có thể rút ra cho mình một kinh nghiệm là trong việc dạy dỗ một đứa trẻ, roi vọt chính đáng không phải là xấu. Lắm khi ăn một trận đòn để nhận ra một đạo lý đối với trẻ biết đâu chẳng là một sự mất đi để rồi đắc được. Có thể ngay tại lúc đó trẻ cảm thấy bất công, nhưng lớn dần trẻ sẽ hiểu ra được giá trị của đòn roi và tình thương có lý trí của cha mẹ, của người thầy. Có một ngày trẻ sẽ biết ơn về điều đó.
Sinh con ra mà không dạy thì hậu quả khôn lường
Có một câu chuyện kể rằng, tại một làng nọ có hai vợ chồng lớn tuổi mới sinh được một mụn con trai nên cưng chiều lắm lắm, chẳng bao giờ lớn tiếng la rầy hay đánh đập; mỗi lần đi ăn giỗ người cha đều dắt cậu theo. Cậu bé càng lớn càng hung dữ, nhất nhất mọi việc đều đòi phải theo ý mình. Khi cậu lớn hơn, một lần cũng đi đám giỗ, người cha thấy cậu lớn rồi mà cho theo mãi cũng kỳ, nên lén lúc cậu đi chơi ông lẻn đi một mình.
Lúc người cha trở về, người mẹ biết tính con nên lo lắng chạy lại nói: “Ông đi mà không dẫn nó theo, mới rồi nó về nó giận dữ kinh lắm, nó lại mới theo bạn đi ra ngoài, kiểu gì lúc trở về thấy ông nó cũng sẽ nổi điên lên, ông nên mau mau tránh mặt đi, để nó về tôi tìm cách khuyên lơn đã”.
Người cha nghe lời tránh qua nhà hàng xóm, bà mẹ ở nhà chặt một thân chuối vừa bằng một người đặt lên giường rồi đắp chăn kín đầu lại giả như ông già đang nằm ngủ. Khi cậu con trở về mới hỏi ngay: “Ông già về chưa?” Bà mẹ đáp: “Ổng về lúc nãy, thấy mệt trong người đang nằm ngủ trong giường.” Cậu nghe vậy liền tức tối không chịu được, chạy luôn xuống bếp lấy con dao rồi chạy vào giường đâm vào “người” đang ngủ. Đâm xong tự nhiên cậu hoảng sợ và xen lẫn một cảm giác hối hận, cậu tức giận bỏ đi, từ đó lưu lạc giang hồ không dám trở về nhà nữa.
Mười mấy năm sau, người vợ qua đời, ông già một thân yếu đuối bơ vơ không còn đủ sức làm lụng kiếm sống nữa nên đành đóng cửa bỏ nhà lên đường lang thang xin ăn.
Một ngày kia, ý trời run rủi xui khiến ông lạc bước đến nhà chính đứa con lưu lạc của mình xin cơm; đứa con đã lớn ông già không còn nhận ra nó nữa. Giờ đây cậu ta đã trưởng thành, có nhà cửa, có vợ con. Cậu nhìn ông già trước mặt rất giống cha mình nhưng không khỏi nghi hoặc vì chính tay mình đã đâm chết cha rồi kia mà. Cậu bảo vợ dọn cơm cho ông cụ ăn rồi giả bộ quan tâm dò hỏi. Cuối cùng cậu được nghe lại câu chuyện thương tâm của chính gia đình mình, cậu òa lên khóc nức nở nhận cha. Cậu nói:
“Bây giờ cha ở đây với con không cần đi xin ăn đâu nữa, con sẽ nuôi cha, con chính là con trai của cha đây, mười mấy năm nay con sống trong sự dằn vặt hối hận, ra đời bị người ta ức hiếp mà quay về thì không dám đối diện tội lỗi, con sống rất khốn khổ. May được một người thương hại dẫn về cho ăn cho ở, bắt con làm việc nhưng cũng dạy bảo con không ít, con mới nhận thức ra nhiều điều.
Rồi khi con trưởng thành, thấy con không phải con người tệ, người đó gả đứa con gái út cho con, may nhờ cha vợ mà con mới có được ngày hôm nay. Mỗi lần nhớ lại chuyện cũ, con giận con thì ít mà con giận cha thì nhiều, tại sao khi con còn nhỏ cha nuôi con mà chẳng dạy dỗ con, để con muốn gì làm nấy, lẽ nào cha không biết trẻ con chưa phân biệt được việc đúng sai, cha mẹ có dạy thì con mới biết, đằng này cha mặc con làm càn, không la, không đánh, dung túng con tới nỗi con muốn giết cả cha.”
Ông già nước mắt lưng tròng, gặp lại con mừng vui biết bao kể mà nghe con trách ông cũng xấu hổ biết bao kể. Ông ở lại với con một đêm, sáng hôm sau mặt trời chưa ló dạng ông đã thức dậy lặng lẽ rời đi.
Vậy thương con không chỉ là nuôi dưỡng cái thân thể của con không thôi mà cần thiết phải nghiêm dạy, uốn nắn từ nhỏ. Nói đạo lý không ăn thua thì phải dùng roi vọt. Roi để cho con đau mà nhớ, chứ không phải để hả cơn tức giận của cha mẹ. Và tập cho con có thói quen đọc sách là cách để vạn ông thầy tài giỏi trong thiên hạ giúp mình, thay mình dạy con. Đây là cách giáo dục có chi phí rẻ nhất mà đôi khi lại là phương pháp hiệu quả nhất.
Vẫn biết mỗi đứa trẻ có một thiên hướng, một cá tính riêng, nhưng dù sao đã làm cha mẹ, cũng nên tận nhân lực. Nuôi con không dạy cũng bằng như tự đào mồ chôn mình. Còn đã tận lực dạy bảo rồi mà nó vẫn không ra gì thì âu cũng là do mình hết phước hoặc gia đạo đã tới hồi suy vi.
(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của Nguyện Ước.)