Thiện ác hữu báo là quy luật bất biến không ai tránh khỏi. Trong dòng chảy dài của lịch sử đã có rất nhiều câu chuyện được lưu lại để cảnh tỉnh thế nhân về đạo lý này.
- Quy luật thiện ác hữu báo: Lời cảnh tỉnh của Diêm Vương với con người
- Thiện ác hữu báo: Cứu người cũng là tự cứu chính mình
- Vì sao có người hay gặp vận rủi ro? Thiên lý có “Thiện ác hữu báo”
Nội dung chính
Cảnh giới của bậc quân tử
Khổng Tử từng giảng: “Bất nghĩa nhi phú thả quý, vu ngã như phù vân” nghĩa là: Dùng thủ đoạn bất nghĩa mà có được phú quý, thì cũng giống như phù vân mà thôi. “Phú dữ quý thị nhân chi sở dục dã, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất xử dã; bần dữ tiện, thị nhân chi sở ác dã, bất dĩ kì đạo đắc chi, bất khứ dã” nghĩa là: Giàu sang và phú quý thì ai cũng thích, nhưng không dùng nhân nghĩa đạo đức mà đạt được nó thì không nên chọn làm. Nghèo và thấp hèn thì không ai thích. Nếu không dùng nhân nghĩa, đạo đức để thoát nghèo hèn thì không nên làm. Nếu có được tài phú một cách bất nghĩa, thì người quân tử không thể ung dung tự tại.
Nói cách khác, giành được tài sản bằng cách làm tổn hại tới lợi ích của người khác thì đều sẽ mang tới tai họa. Vì đó không phải là chính đạo. Người quân tử không làm trái với điều nhân nghĩa, trái với đạo đức dù chỉ trong khoảng cách một bữa ăn. Dù vội vã cấp thiết cũng không như vậy, dù phải khốn cùng phiêu dạt cũng không rời xa đạo nhân. Trong dòng chảy dài của lịch sử, đã có rất nhiều câu chuyện cảnh tỉnh thế nhân đạo lý này.
Những câu chuyện về Thiện ác hữu báo cảnh tỉnh thế nhân
Không quên ơn nghĩa, trời ban ngân lượng
Thời nhà Thanh, có một người thiện lương, tín nghĩa tên Ngô Huy Thương. Trước khi chết, ông nói với hai người con trai: “Ta dành dụm được một nghìn lạng bạc, vừa đủ trả những khoản ta đã nợ; các con hãy cố gắng trả hết nợ, thà chịu đói rét không nên làm một người quên ơn nghĩa”.
Hai người con trai rất hiếu thuận, tuân thủ nghiêm ngặt di nguyện của cha, trả nợ từng người một. Tuy nhiên, sau khi trả hết nợ gia đình chỉ có thể gắng gượng đủ kế sinh nhai.
Một ngày nọ, họ vô tình tìm thấy thỏi bạc nghìn lượng trong cái giếng cạn tại nhà; thỏi bạc có khắc niên hiệu thời nhà Đường. Sáng sớm hôm sau, có người hàng xóm bước vào cửa chúc mừng họ: “Chúc mừng tài lộc dồi dào”.
Thì ra người hàng xóm này trong lúc lâm bệnh nặng; hôn mê bất tỉnh, linh hồn đã đi đến Đông Nhạc điện tại âm phủ. Tại đây ông ta thấy có người đang hộ tống tiền bạc và lương thực; tự xưng là “Thần tỉnh tuyền” và nói: “Đây là bạc trong ngân khố của triều đình nhà Đường. Vì ông Ngô tiền bạc phân minh, nên hạ lệnh mang những thứ này ban thưởng cho con cháu ông ta”. Người hàng xóm tỉnh mộng chạy đến thông báo. Hai người con trai của ông Ngô liền mang chuyện nhặt được bạc ra kể.
Thiên thượng thông qua giấc mộng của người hàng xóm để cho người thế gian hiểu được luật nhân quả. Con cháu của ông Ngô quả nhiên sau này giàu sang phú quý.
Câu chuyện Thiện ác hữu báo của chàng thư sinh Trương Hiếu Cơ
Ở Hứa Xương đời Tống, có một chàng thư sinh tên là Trương Hiếu Cơ. Anh cưới con gái của một phú ông ở cùng thôn. Vị phú ông nọ chỉ có một người con trai, nhưng chẳng ra gì nên phú ông đuổi anh ta ra khỏi nhà. Trước khi phú ông qua đời, đã giao toàn bộ tài sản của gia đình cho Trương Hiếu Cơ để anh lo lắng, sắp xếp việc tang sự cho ông.
Vài năm sau, Trương Hiếu Cơ nhìn thấy con trai vị phú ông ăn xin bên vệ đường; bèn gọi tới hỏi có biết trồng trọt tưới rau không. Con trai phú ông đáp: “Nếu tưới nước làm vườn mà có được đồ ăn thì may mắn cho tôi quá”. Trương Hiếu Cơ liền để anh ta tưới nước, trồng rau và sắp xếp nơi ăn chốn ở.
Một năm sau, thấy con trai của vị phú ông đã thực sự siêng năng, chăm chỉ nên hỏi: “Anh có thể quản kho hàng được không?” Con trai vị phú ông cảm kích nói: “Cậu để tôi làm vườn, trồng trọt đã là ngoài sự mong đợi của tôi rồi. Tôi đâu dám hy vọng được quản lý kho hàng? Nếu có thể được quản lý kho hàng, thì thật là may mắn”. Trương Hiếu Cơ lại để anh ta quản lý kho hàng. Con trai vị phú ông vẫn như ban đầu luôn siêng năng, cần cù. Có lẽ sau khi trải qua những ấm ức và lạnh lùng nơi thế gian; cuối cùng cũng ý thức được đạo lý làm người.
Không tham của cải, sau khi chết trở thành tiên
Sau vài năm quan sát, Trương Hiếu Cơ nhìn thấy anh ta đã thật sự ăn năn hối cải, không còn những thói quen xấu khi xưa; nên trả lại toàn bộ tài sản do phú ông để lại cho anh ta. Con trai của phú ông rất cảm động.
Sau đó, khi Trương Hiếu Cơ qua đời, một người bạn của ông đã nhìn thấy ông khi ông đi du ngoạn ở Tung Sơn; thấy ông uy nghi như một vị vua nên đã hỏi ông nguyên nhân. Trương Hiếu Cơ nói, đó là vì ông trả lại toàn bộ gia sản cho con trai vị phú ông; Thượng Thiên ban thưởng và để ông phụ trách cai quản tại Tung Sơn. Nói xong thì biến mất. Dường như sau khi qua đời, ông ta đã trở thành tiên nhân.
Lý Ước không tham tiền tài và sắc đẹp, con cháu giàu sang phú quý
Lý Ước, gia tộc của triều đại nhà Đường, là cháu bốn đời của Trịnh Vương Nguyên Ý.
Khi ông đảm nhiệm chức vụ tại Binh bộ. Một lần ngồi thuyền xuất hành đi xa, gặp một thương nhân mang theo gia quyến đi cùng. Vị thương nhân và ông vừa gặp lần đầu mà như đã quen thân. Chẳng ngờ không lâu sau, vị thương nhân đột nhiên lâm bệnh nặng; sai người nhà đi tìm Lý Ước, tặng cho Lý Ước hai viên dạ minh châu, giao hai người con gái và của cải cho ông. Hai cô con gái của vị thương nhân đều xinh đẹp tuyệt trần.
Ngày hôm sau, vị thương nhân qua đời. Ngoài việc giúp đỡ an táng cho vị thương nhân; ông còn trình báo với quan phủ số tài sản mấy chục vạn, nhờ quan phủ kiểm chứng. Khi chôn cất, ông lặng lẽ bỏ hai viên dạ minh châu vào miệng vị thương nhân. Sau đó, tìm hai gia đình tốt và tổ chức lễ thành hôn cho hai cô con gái của vị thương nhân.
Sau đó, người thân thích của vị thương nhân nghe tin và tìm tới; Lý Ước đã trả lại tất cả tài sản của vị thương nhân và kể lại việc đã bỏ hai viên dạ minh châu vào miệng của vị thương nhân khi hạ huyệt. Sau khi người thân mở quan tài, họ đã tìm thấy hai viên dạ minh châu như Lý Ước đã nói.
Lý Ước không tham lam tiền bạc hay sắc đẹp, phẩm đức của ông được báo đáp. Con cháu ông sau này đều rất giàu sang phú quý.
Thiện ác hữu báo: Tham lam hại người hại ta
Vào thời Trung Hoa Dân Quốc, có một doanh nhân ở Thiên Tân đã mở một cửa hàng thuốc tên Tùng Mậu Đường. Vì thu nhập tốt, ông mở thêm một vài cửa hàng; tất cả đều làm ăn rất thuận lợi, từ đó càng ngày càng khá giả.
Vài năm sau, ông bỗng mắc một căn bệnh lạ: Ông nằm cứng đờ trên giường; như bị vật gì đó chộp lấy, vừa ôm vừa la hét. Những lời ông phát ra cũng rất kỳ lạ: “Huynh đệ, đừng làm thế! Tôi sẽ trả lại tiền cho ông, tôi nhất định sẽ trả lại cho ông”. Tôi đã trả lại ông rồi, xin ông đừng quấy rầy tôi nữa”. Cứ như thế bảy ngày liền và qua đời.
Có người biết rõ sự tình liền giải thích nguyên nhân tại sao. Hóa ra ban đầu tiền mở cửa hàng thuốc đều là mượn bạn. Làm ăn có lãi nhưng ông ta nói với bạn bị thua lỗ, và làm sổ sách giả để ăn chặn số tiền này. Vì vậy, bạn ông không lấy lại được tiền. Sau đó, bạn ông biết được sự thật, nhưng không có chứng cứ; không làm gì được, đành phải chết trong uất hận. Sau khi thọ mệnh đã tận, bạn ông mới tìm tới ông đòi mạng.
Rõ ràng, vị thương nhân này tuy bày ra kế hoạch khôn khéo, lừa đảo bạn bè không để lại dấu vết gì; nhưng không ngờ báo ứng âm gian không thể trốn thoát. Thiên thượng có mắt, luật nhân quả xưa nay là quy luật bất biến trong vũ trụ, thiện ác hữu báo không phải trò đùa trẻ con.
Trộm cướp tiền lập tức gặp báo ứng
Đại học sĩ Kỷ Hiểu Lam thời Thanh từng kể một câu chuyện như sau: Ngày nọ, người chú thứ tư của ông là Lật Phủ Công đến Hà Thành thăm bạn. Trên đường nhìn thấy một người cưỡi ngựa như bay về hướng đông bắc, bất ngờ bị cành liễu quẹt vào người rơi từ trên ngựa xuống đất. Mọi người chạy lại kiểm tra, phát hiện đã bất tỉnh nhân sự. Vì không biết anh ta là người ở đâu, mọi người đứng xung quanh đợi anh ta tỉnh lại.
Sau khoảng thời gian một bữa cơm, có người phụ nữ khóc lóc đi qua. Mọi người hỏi lý do, cô nói: “Mẹ chồng tôi ốm không có tiền mua thuốc. Tôi đi đường một ngày một đêm, về đến nhà mẹ đẻ mượn quần áo và trang sức định bán lấy tiền mua thuốc cho mẹ chồng. Không ngờ bị kẻ cướp cưỡi ngựa lấy mất rồi”.
Đám đông dẫn cô đến xem người bị ngã ngựa, lúc này đã tỉnh lại. Người phụ nữ vừa nhìn thấy đã lớn tiếng nói: “Đây là người đã cướp đồ của tôi!”
Chiếc túi của người đàn ông ngã ngựa ở bên đường. Mọi người hỏi ông ta số lượng quần áo, trang sức trong túi thì người đàn ông ngã ngựa không trả lời được; tuy nhiên người phụ nữ có thể trả lời tỉ mỉ. Sau đó, mọi người mở túi, đồ trong đó thực sự khớp với những gì người phụ nữ nói.
Thiện ác hữu báo là quy luật bất biến không ai tránh khỏi
Thấy vậy, người đàn ông ngã ngựa thừa nhận tội cướp tài sản. Mọi người đều tin rằng hành động trộm cướp giữa thanh thiên bạch nhật nên bị trừng phạt, và thảo luận đưa anh ta đến quan phủ chịu tội.
Người đàn ông ngã ngựa van xin mọi người rủ lòng thương xót, tỏ ý muốn đưa cho người phụ nữ mấy chục lượng bạc còn lại trên người để chuộc tội. Vì mẹ chồng ốm nặng không muốn lên chính quyền đâm đơn kiện, người phụ nữ chấp nhận để anh ta đi.
Lật Phủ Công xúc động nói: “Tốc độ quả báo không ngờ lại nhanh đến thế”.
Trên đầu ba thước có thần linh, nhất tư nhất niệm của chúng ta đều cần được quy chính. Thiện ác hữu báo là quy luật bất biến không ai tránh khỏi.
Theo The Epochtimes