Nhân sinh cảm ngộ

“Thí nghiệm hy vọng”: Niềm tin giúp đột phá giới hạn của bản thân

22/06/23, 08:35
Thí nghiệm vô nhân đạo mang tên “Thí nghiệm hy vọng”
Các nhà khoa học đã tiến hành thí nghiệm về sức chịu đựng của loài chuột và đặt tên là "Thí nghiệm hy vọng" (ảnh minh họa Adobestock)

Các nhà khoa học đã bỏ chuột bạch vào bình nước, đợi nó kiệt sức sắp chết lại vớt ra, sau đó lại cho nó vào bình nước lần nữa. Kết quả của thí nghiệm đã khiến người ta kinh ngạc, và gọi đây là “thí nghiệm hy vọng”.

Thí nghiệm hy vọng của đại học Harvard

Năm 1950, một tiến sĩ của Đại học Harvard đã tiến hành một loạt thí nghiệm trên chuột, để tìm hiểu xem trong hoàn cảnh khó khăn thì chuột có thể kiên trì sống được bao lâu.

Ông lấy một bình thủy tinh và đổ đầy nước vào, sau đó ông thả một con chuột khỏe mạnh vào đó, vì thành bình thủy tinh trơn nhẵn, không có điểm bám víu nên con chuột phải không ngừng vùng vẫy để duy trì trạng thái thăng bằng trong nước, tránh bị chìm. 

15 phút sau, thể lực của chú chuột nhỏ bé chống đỡ hết nổi, mức độ giãy giụa giảm dần, sau khi sức cùng lực kiệt thì chìm xuống. 

Điều mà chuột bạch không thể ngờ tới là, chính vào giây phút tưởng như sắp chết ấy nó lại được con người vớt lên, lau khô thân thể và giúp nó phục hồi sức khỏe, điều này khiến nó có thêm hy vọng sống tiếp.

thí nghiệm vô nhân tính; thí nghiệm vô nhân đạo; thí nghiệm trên chuột bạch
Vào giây phút tưởng như sắp chết ấy, chú chuột nhỏ lại được người ta vớt lên, giúp nó phục hồi sức khỏe, điều này khiến nó có thêm hy vọng sống tiếp (ảnh minh họa Soundofhope)

Chuột vốn tưởng rằng đã gặp được thiên sứ, lại không ngờ rằng, khi nó vừa mới bình phục thì lại bị ném vào nước lần nữa, bỏ mặc nó tiếp tục giành giật sự sống. Nếu như lần trước nó chỉ vùng vẫy 15 phút thì buông xuôi, bất lực chìm xuống đáy bình, thì lần này nó đã kiên trì tới hơn 60 giờ. Khoảng cách giữa 15 phút và 60 giờ quả thực rất lớn.

Chỉ dựa vào một con chuột thì không thể cho ra đáp án chính xác được. Vì vậy, vị tiến sĩ kia tiếp tục tiến hành thí nghiệm trên nhiều con chuột bạch khác; dùng cùng một phương pháp và kết quả thu được về cơ bản đều giống nhau.

Vậy vì sao ở lần đầu tiên chuột lại chỉ có thể kiên trì 15 phút, mà lần thứ hai lại có thể chống đỡ được tới 60 giờ? Nguyên nhân là vì sau khi được vị tiến sĩ cứu sống ở lần thứ nhất, khiến nó tìm thấy hy vọng sống, nên ở lần thứ 2 nó đã cố gắng kiên trì vẫy vùng trong khổ sở, chờ đợi có người tới cứu nó ra khỏi đó một lần nữa.

“Thí nghiệm hy vọng” mang thông điệp rằng “chỉ cần chúng ta có niềm tin và hy vọng, thì có thể đột phá được giới hạn của chính mình”. Điều này cũng khiến chúng ta nhận thức được sức mạnh của hy vọng.

“Thí nghiệm hy vọng” phản ánh trong xã hội con người

“Thí nghiệm hy vọng” này cũng phản ánh trong xã hội con người. Có một câu chuyện dạy con của một người mẹ. Vì đứa trẻ từ nhỏ đã hay nghịch ngợm, đi học thì không chuyên tâm nghe giảng, thầy giáo liền tìm đến mẹ của cậu bé, khuyên người mẹ cần quản giáo lại con mình. Thế nhưng khi người mẹ nói chuyện với con, lại nói rằng: “Thầy giáo khen con đã làm rất tốt, nếu có thể im lặng nghe thầy giáo giảng bài thì sẽ tốt hơn nữa”. 

Sau này khi cậu bé lớn lên, thành tích học tập không tốt lắm, thầy giáo lại tìm mẹ cậu nói chuyện. Thế nhưng người mẹ vẫn không chê trách con mình, ngược lại còn nói: “Thầy giáo khen con có tiến bộ rất lớn, sau này nhất định có thể vào một trường đại học tốt”. Khi cậu bé học đại học, người mẹ lại nói rằng: “Sau này con nhất định sẽ tìm được một công việc tốt”

Kết quả dĩ nhiên là tốt đẹp, dưới sự động viên của mẹ, cậu bé không trở nên kiêu ngạo, cũng chẳng tự ti, từng bước mà vươn lên, đạt những thành tựu nhất định, đây thực sự là một tác động tích cực của “Thí nghiệm hy vọng”.

Không ngừng giúp trẻ lấy lại sự tự tin, không ngừng động viên khen ngợi, sẽ giúp trẻ có niềm tin vào bản thân để hoàn thành các mục tiêu, từng bước phát triển theo chiều hướng tốt đẹp. Ngược lại, nếu không ngừng hạ thấp một đứa trẻ, phủ định năng lực của nó, cho dù lúc đầu đứa trẻ đó có thể làm rất tốt cũng sẽ dần dần mất đi niềm tin ở chính mình, cuối cùng từng bước từng bước trở nên suy sụp và đánh mất bản thân.

Bản chất thực sự của thí nghiệm 

Tuy nhiên, đằng sau thí nghiệm lại là một sự thật tàn khốc khác, đó chính là khi bạn vừa nhìn thấy hy vọng và cảm thấy như bám được vào tia hy vọng ấy, thì một sự thật khác lại phá vỡ ảo tưởng của bạn, khiến bạn một lần nữa lại rơi vào tuyệt vọng. 

Thật vậy, điều hủy hoại một người có thể là sự hủy hoại liên tục về tinh thần. Khi một người mất đi niềm tin, thế giới của người đó dường như chìm trong bóng tối, thậm chí mất đi hy vọng sống, kiểu tra tấn tinh thần này còn đau đớn hơn nhiều so với tra tấn về thể xác, nó phá hủy tuyến phòng ngự cuối cùng nơi trái tim. 

thí nghiệm vô nhân tính; thí nghiệm vô nhân đạo; thí nghiệm trên chuột bạch
Khi một người mất đi niềm tin, thế giới của người đó dường như chìm trong bóng tối, thậm chí mất đi hy vọng sống (ảnh minh họa: Medinet)

Thực chất không phải nước trong bình thủy tinh kia đã giết chết lũ chuột, mà chính là bàn tay từng giúp đỡ chúng đã đẩy chúng vào tuyệt lộ. Hay nói cách khác, chúng đã kiên trì sống bởi hy vọng được gieo mầm, cũng chết bởi chính hy vọng đó. Rất nhiều người đã phê phán đây là một thí nghiệm vô nhân tính, nhưng không thể phủ nhận được kết quả đáng suy ngẫm của nó. 

Theo Sound Of Hope

x