Văn hóa truyền thống

Thấy việc thiện thì phải làm ngay, chớ nên chần chừ

30/11/22, 08:15
Thấy việc thiện thì phải làm ngay, chớ nên chần chừ
Thấy việc thiện thì phải làm ngay, chớ nên chần chừ (ảnh: Vandieuhay)

Người xưa nói “hành thiện tích đức”, vì vậy nếu thấy đó là việc thiện thì phải làm ngay, hơn nữa còn phải nỗ lực kiên trì thực hiện.

Hàn Kỳ nhận phúc báo khi kiên trì làm việc thiện

Cổ nhân có câu: “Làm việc thiện quan trọng nhất là kiên trì bền bỉ. Lấy nhỏ tích thành lớn, lấy một mà tích thành tỷ. Tòa lầu 9 tầng cũng bắt đầu xây dựng từ nền móng. Hành trình vạn dặm cũng bắt đầu từ một bước chân!” Đã biết là việc thiện thì phải làm ngay, hơn nữa, còn phải nỗ lực kiên trì thực hiện.

Ví như Hàn Kỳ đời Bắc Tống có đức cao vọng trọng, ông đối đãi nhân từ và độ lượng với người khác, hễ thấy việc tốt thì dốc sức làm. Mỗi khi nghe người khác làm việc tốt thì ông nhất định sẽ khen ngợi, khuyến khích, tuyên dương khắp nơi và nói rằng: “Hàn Kỳ cũng không tốt được như vậy”. Có người hỏi ông tại sao lại làm như vậy. Hàn Kỳ đáp rằng: “Tâm hướng thiện của con người là điều đáng quý nhất”.

Thấy việc thiện thì phải làm ngay
Mỗi khi nghe người khác làm việc tốt thì Hàn Kỳ sẽ khen ngợi khắp nơi (ảnh minh hoạ Songdep)

Ca ngợi việc tốt có thể khiến người đó cố gắng hơn trong tương lai; khiến những người khác mong muốn noi theo; khiến người đã làm việc xấu cảm thấy hổ thẹn mà làm việc tốt. Vì vậy, ca ngợi những việc làm tốt là điều vô cùng quan trọng. Ông cũng thường đọc tụng và truyền bá kinh sách của các bậc thánh hiền, nói rằng: “Cuốn sách này có thể chỉ đạo mọi người trở thành bậc quân tử!”.

Hàn Kỳ sau đó đã trở thành một bậc hiền tướng và được thụ phong là Ngụy Quốc Công. Ông có ngũ phúc đầy đủ (gồm có trường thọ, phú quý, khang ninh, hiếu đức, thiện chung), con cháu nhiều đời làm quan trong triều, mãi đến cuối thời Nam Tống. Mọi người đều nói đây là phúc báo của những việc thiện mà ông đã làm.

Nhà họ Quách thấy việc thiện không làm dẫn tới suy bại

Còn có người thấy rõ việc thiện ở ngay trước mắt mà không làm, để lỡ mất cơ hội. Ví dụ, vào cuối thời nhà Chu, Tề Hoàn Công có một lần đi ngang qua đống đổ nát của gia đình nhà họ Quách. Sau đó, Tề Hoàn Công hỏi một ông lão sống gần đó: “Tại sao gia đình họ Quách lại suy bại và diệt vong?”

Ông lão đáp rằng: “Là vì ​​nhà họ Quách nhìn thấy việc thiện nhưng không làm!” Tề Hoàn Công lại hỏi: “Tại sao họ thấy việc thiện mà không làm?” Ông lão nói: “Nhà họ Quách thích điều thiện, nhưng tự mình không làm việc thiện; chán ghét việc ác, nhưng không thể ngăn bản thân không làm việc ác, cho nên mới dẫn đến suy bại và diệt vong!” 

Diêu Hảo Vấn một đời thanh liêm, thấy việc thiện không làm mà nhận quả báo

Một ví dụ khác là Diêu Hảo Vấn làm quan huyện trong triều đại nhà Minh. Khi làm quan, ông là vị quan thanh liêm, cư xử thận trọng. Nhưng ông ấy lại quá nhẹ dạ và dễ tin vào lời nói của người khác. Một lần vào cuối mùa xuân, trời mưa liên tục hơn 40 ngày. Diêu Hảo Vấn đích thân đến các thôn quê khác nhau để điều tra tình hình thiên tai. Thấy rằng hàng trăm mẫu ruộng ở thôn Tây bị ngập lụt, còn ở các thị trấn khác không bị hư hại. Ông muốn trình báo tình hình thôn Tây chịu tổn hại trong lần thiên tai này.

Nhưng các nha dịch đi theo ông lại nói: “Các thôn trong huyện này bình an vô sự. Thôn Tây mặc dù có ngập lụt nhưng vài ngày nữa nước sẽ rút. Người dân ở đây vẫn có thể gieo trồng các loại ngũ cốc khác. Nếu ngài báo cáo lên trên như vậy, e rằng sẽ bị phản bác và điều tra”. Diêu Hảo Vấn biết các nha dịch xuất phát từ sự ích kỷ. Nhưng ông lại sợ phiền phức, nên đã che giấu tình hình thiên tai và không báo cáo lên trên. Khi trưng thu thuế, các ruộng chịu thiên tai bị đánh thuế giống như ruộng được mùa.

Diêu Hảo Vấn từng muốn xây dựng trường học miễn phí, tu sửa nhà cứu tế, giúp đỡ người nghèo. Nhưng tất cả đều bị thư dịch bên cạnh ngăn cản. Ông đến 50 tuổi mà không có con cháu, mẹ và vợ đau ốm liên miên, nên cả gia đình rất u sầu. Một ngày nọ, mẹ ông lâm bệnh và qua đời. Sau khi được cứu và tỉnh dậy, bà nói với ông: “Ta đã gặp vị quan của âm phủ, ông ấy nói: Con của ngươi là người liêm khiết và cẩn trọng, vốn dĩ nên có con. Nhưng hễ gặp việc thiện, dù biết nên đi làm nhưng thường bị lời nói của người khác ngăn trở.

Ví dụ, khi báo cáo thiên tai, các địa phương gặp tai hoạ chẳng lẽ có thể che giấu mà không báo cáo sao? Nhưng con của ngươi che giấu tình hình thiên tai, dẫn đến người bị hại phải bán con cái để nộp thuế, tội quá lớn nên bị trừng trị’. 

tại sao thấy việc thiện thì phải làm ngay
Mặc dù Diêu Hảo Vấn đã chấp nhận lời dạy của mẹ mình, nhưng ông vẫn bị mê hoặc không sửa đổi (ảnh minh họa Pinterest)

Vị quan âm phủ còn nói: “Những kẻ ngu muội không hiểu lý lẽ thì có thể tạm thời tha thứ. Chỉ có những người biết điều thiện mà không đi làm, không cầu điều nhân đức, đó là những người ông Trời chán ghét vô cùng. 

Hãy nói với con trai ngươi rằng, muốn có phúc thì phải có dũng khí làm việc thiện, không ngại gian khổ, không thể qua loa tạm bợ, không thể lúc đầu nghĩ như vậy rồi lại không làm. Sau khi làm việc thiện lâu dài, con của ngươi sẽ nhận được phúc báo. Tội không báo cáo thiên tai có thể được tiêu trừ.”

Mặc dù Diêu Hảo Vấn đã chấp nhận lời dạy của mẹ mình, nhưng ông vẫn bị mê hoặc mỗi khi thư dịch và nha dịch nói những lời gièm pha. Sau đó, mọi chuyện vẫn tiếp diễn như vậy, ông không thể thức tỉnh, cuối cùng bị bãi miễn chức quan, gia cảnh cũng trở nên sa sút. 

Nếu tin rằng đó là một việc tốt, bạn cần phải làm nó với tất cả sức lực của mình. Nếu bạn có thể thay đổi, hướng thiện và trở thành người tốt, thì bạn cũng có thể bù đắp những tổn thất, tiêu trừ tội lỗi và gia tăng phúc báo. Nếu lúc nào cũng chần chừ không làm, không nhận lời, hay không thật sự làm chủ được mình thì bạn sẽ tự tạo tội nghiệp cho chính mình, cho dù hối hận cũng đã muộn.

Có câu nói: “Đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm, đừng thấy việc ác nhỏ mà làm”. Vì vậy hễ thấy việc thiện thì nên làm ngay.

Theo Vision Times

x