Một người phụ nữ đã lỡ miệng chê một chú chó xấu xí, và điều kỳ lạ đã xảy ra, cô nhìn thấy “Đức” bay mất đi từ bản thân mình.
Người xưa nói “tích đức, mất đức”, làm việc thiện thì được đức, làm việc xấu thì tổn đức. Nhà Phật lại giảng “tu khẩu”, phải quản thật chặt cái miệng, nếu không sẽ vô tình tạo nghiệp mà không hay.
Đối với những lời này, nhiều người ngày nay không còn tin tưởng, cho rằng “Đức” chỉ là thứ tồn tại trong ý thức, mang tính răn đe người khác, chứ không phải là thực chất. Vậy nhưng chị Minh Hạnh, một học viên Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) ở Hà Nội đã có một trải nghiệm vô cùng thần kỳ, để thấy rằng “Đức” tồn tại một cách rất chân thực, chứ không phải chỉ là lời nói suông.
Vì chị Hạnh đã đọc sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp) nên biết được rằng “Đức” là một dạng vật chất; do đó khi tình huống bất ngờ xảy ra, chị đã lập tức hiểu được vấn đề. Câu chuyện ngày hôm đó được chị kể lại như sau:
“Vào một buổi tối nọ, khi cùng chồng và con đi siêu thị, trên đoạn đường qua một cửa hàng, tôi thấy một chú chó nhỏ đứng trước cửa. Chú chó lông xoăn, màu xám xám đen đen, màu không đều, 4 chân bị cạo nhẵn,… vừa trông thấy chú chó, tôi đã thấy nghịch mắt. Tôi buột miệng nói với chồng: ‘Con chó này xấu thế!’.
Ngay vừa khi dứt lời, tôi thấy một vòng tròn trắng nhỏ bay ra từ miệng mình, hiển hiện rõ ràng trên nền trời tối. Vòng tròn to khoảng nắm tay, màu trắng trong suốt. Ngay lúc đó, tôi nhận ra ngay: ‘Đây chính là Đức, câu mình vừa nói sai mất rồi’. Tự nhiên, tôi muốn giơ tay ra giữ lại, nhưng còn chưa kịp đưa tay lên, thì rất nhanh chóng, vòng tròn trắng đã bay thẳng từ phía tôi và nhập vào chú chó.
Lúc đó tôi bần thần, vậy là mình đã mất đức rồi. Tôi ân hận vì lời đã nói, và cảm thấy thương cảm cho chú chó, vì nó đã nhận phải những lời không hay từ tôi.
Ngẫm lại, tôi thấy mình đã nói năng quá tùy tiện, không cẩn trọng trước khi phát ngôn. Chỉ bằng một câu nói với một sinh mệnh nhỏ bé như vậy mà tôi đã bị mất đức như thế, vậy với con người, nếu tôi nói những lời không hay, những lời bất thiện làm tổn thương người khác, vậy thì tôi có thể mất đức nhiều đến mức nào?
Sau sự việc này, tôi thấy mình cần nghiêm túc hơn trong vấn đề tu khẩu.”
Qua chia sẻ của chị Hạnh chúng ta có thể thấy, không thể tùy tiện suy nghĩ hay nói lời không tốt về người khác, bởi chỉ một chút sơ ý cũng có thể khiến bản thân bị tổn đức.
Cũng lại nói thêm rằng, người xưa nói “có đức mặc sức mà ăn”, phúc phận đời người đều là từ đức mà ra; tiền tài phú quý, quyền cao chức trọng, con cháu đề huề, tất cả cũng đều là do có đức. Vì vậy cần phải coi trọng đức, thường xuyên hành thiện tích đức và tránh làm những việc tổn đức.