Nhân sinh cảm ngộ

Tại sao “thời gian hạnh phúc luôn ngắn ngủi”?

01/04/24, 13:06
Tại sao “thời gian hạnh phúc luôn ngắn ngủi”?
Tại sao “thời gian hạnh phúc luôn ngắn ngủi”? (ảnh minh họa Pexels)

Có những lúc bạn thấy thời gian trôi nhanh, nhưng cũng có lúc lại thấy thời gian chậm chạp, đặc biệt là thời gian hạnh phúc lại thấy rất ngắn ngủi.

Thời gian hạnh phúc luôn ngắn ngủi

Trong một bài viết trên trang Live Science, nhà thần kinh học Michael Shadlen tại Đại học Columbia cho biết, nhận thức của não về thời gian được quyết định bằng những kỳ vọng của nó về tương lai. Nói cách khác, khi điều gì đó còn chưa xảy ra, bộ não có thể phản ánh khả năng xảy ra sự kiện này.

Shadlen nói rằng, mỗi suy nghĩ trong đầu của con người đều có một “khoảng thời gian” khác nhau. Ví dụ, khoảng thời gian này có thể kết thúc ở mỗi âm tiết, mỗi câu nói hoặc kết thúc một đoạn, mà thời gian sẽ thay đổi theo mong đợi của mọi người về khoảng thời gian này.

Khi bạn đang hết sức tập trung vào một việc gì đó, não của bạn dự đoán đây là một việc quan trọng và đồng thời quan sát khoảng thời gian gần và xa, nên sẽ khiến bạn có cảm giác như thời gian đang trôi rất nhanh. Nhưng khi bạn buồn chán, não của bạn dự đoán khoảng thời gian khá gần và khoảng thời gian không đan kết với nhau thành một tổng thể, khiến thời gian dường như dài hơn. 

Shadlen chỉ ra rằng, không có khu vực duy nhất chịu trách nhiệm nhận biết thời gian, bất cứ vùng não nào liên quan đến suy nghĩ và ý thức đều có thể tham gia vào công việc này. 

Tại sao “thời gian hạnh phúc luôn ngắn ngủi”?
Khi bạn vui vẻ, các tế bào não này sẽ tiết ra một lượng lớn dopamine khiến não cho rằng thời gian trôi qua nhanh hơn (ảnh minh họa Pexels)

Nhà thần kinh học Joe Paton thuộc tổ chức Champalimaud Foundation ở Bồ Đào Nha cho biết, trong não có nhiều cơ chế tính thời gian không liên quan gì đến đồng hồ sinh học của cơ thể. 

Trong đó có một cơ chế liên quan đến tốc độ các tế bào não kết hợp với nhau và hình thành mạng lưới khi bạn tham gia vào một hoạt động. Paton và nhóm của ông đã phát hiện ở loài động vật gặm nhấm rằng, các tế bào thần kinh này hình thành càng nhanh thì chúng ta càng cảm nhận được thời gian trôi qua nhanh hơn.

Một cơ chế khác liên quan đến các chất hóa học trong não. Paton đã biết được thông qua các thí nghiệm trên chuột rằng, một nhóm tế bào thần kinh giải phóng dopamine ảnh hưởng đến cách não nhận biết thời gian. 

Dopamine là chất liên quan đến cảm xúc và luôn được coi là yếu tố hạnh phúc trong não. Khi bạn vui vẻ, các tế bào não này sẽ tiết ra một lượng lớn dopamine khiến não cho rằng thời gian trôi qua nhanh hơn; nhưng khi bạn cảm thấy không vui, các tế bào não này sẽ không tiết ra một lượng lớn dopamine khiến thời gian dường như trôi đi chậm lại.

7 cách để cải thiện hạnh phúc của bạn 

Nhà tâm lý học Sonja Lyubomirsky tại Đại học California, Riverside, đã thực hiện một nghiên cứu về việc tăng cường cảm giác hạnh phúc và nhận thấy rằng, những phương pháp thực tế này có thể cải thiện đáng kể cảm giác hạnh phúc.

Dưới đây là 7 cách đơn giản mà nghiên cứu cho thấy có thể cải thiện hạnh phúc của bạn:

1. Luôn bày tỏ lòng biết ơn

Một số nghiên cứu yêu cầu người tham gia viết thư cảm ơn những người đã giúp đỡ họ. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy, sau khi thực hiện phương pháp này, những người tham gia cho biết cảm giác hạnh phúc gia tăng và kéo dài trong một khoảng thời gian, có người duy trì trạng thái hạnh phúc trong vài tuần, trong khi có người thậm chí kéo dài vài tháng. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là việc lời cảm ơn có được gửi hay không không quan trọng. Kể cả khi lá thư được viết nhưng không được trao đến tay người nhận, những người tham gia vẫn cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều trước khi viết thư. 

2. Duy trì tâm thái lạc quan

Một nghiên cứu yêu cầu những người tham gia tưởng tượng ra một tương lai tốt đẹp trong tâm trí họ, chẳng hạn như sống với một người bạn đời yêu thương và hỗ trợ, hoặc tìm được một công việc rất hài lòng và ghi lại những điều tưởng tượng này từng mục một như thể bạn đang viết nhật ký. Sau một vài tuần, những người tham gia cho biết mức độ hạnh phúc cũng tăng lên. 

3. Trân trọng mọi thứ

Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng, việc viết ra 3 điều tốt đẹp xảy ra với bạn hàng tuần có thể cải thiện rõ rệt mức độ hạnh phúc của những người tham gia. Chính hành động tập trung vào những điều tích cực có thể giúp mọi người nhớ lại những lý do khiến họ hạnh phúc. 

Tại sao “thời gian hạnh phúc luôn ngắn ngủi”?
Trân trọng mọi thứ sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn (ảnh minh họa Pexels)

4. Tận dụng điểm mạnh của chính mình 

Một nghiên cứu khác yêu cầu những người tham gia xác định những năng lực lớn nhất trong cuộc sống của họ và sau đó cố gắng thể hiện những điểm mạnh đó theo những cách mới. 

Ví dụ, có người nói rằng mình có khiếu hài hước, họ có thể thử kể chuyện cười trong các cuộc họp kinh doanh để làm sôi động bầu không khí hoặc cổ vũ một người bạn đang có tâm trạng buồn. Những thói quen sử dụng điểm mạnh của bản thân dường như cũng làm tăng cảm giác hạnh phúc. 

5. Giúp đỡ người khác 

Giúp đỡ người khác chính là giúp đỡ chính mình. Việc đóng góp thời gian hoặc tiền bạc cho tổ chức từ thiện hoặc trợ giúp những người thực sự cần giúp đỡ cũng có thể làm tăng hạnh phúc. 

6. Tận hưởng cuộc sống

Hãy chú ý hơn đến những thứ có thể mang lại hạnh phúc trong cuộc sống hằng ngày, chẳng hạn như vị ngọt của dâu tây và hơi ấm của ánh nắng. Các nhà tâm lý học gợi ý rằng, bạn cũng có thể “ghi khắc” những khoảnh khắc hạnh phúc vào tâm trí như chụp một bức ảnh, rồi nhìn lại chúng khi trải qua đau khổ. 

Tại sao “thời gian hạnh phúc luôn ngắn ngủi”?
Tận hưởng khoảnh khắc vui vẻ trong cuộc sống sẽ đem lại hạnh phúc cho bạn (ảnh minh họa Pexels)

7. Đương đầu với khó khăn 

Cuộc sống chắc chắn sẽ có khó khăn và niềm tin tôn giáo có thể giúp bạn vượt qua nó. Nhưng một số niềm tin thông thường cũng phát huy tác dụng hiệu quả. Ví dụ: “Mọi chuyện rồi sẽ qua. Lần này cũng sẽ như vậy!” Điều quan trọng là bạn phải tin vào những nguyên lý này. 

Theo Vision Times

x