Quỹ ung thư Đài Loan đã hướng dẫn người dân cách phòng tránh ung thư hiệu quả, giúp giảm 60%-70% nguy cơ mắc bệnh.
- 6 thói quen rửa bát có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư
- Đại học Harvard khuyến nghị 5 cách phòng ngừa bệnh tim
Ung thư đang dần trở thành một căn bệnh phổ biến, xuất hiện mỗi ngày, mỗi giờ trong đời sống và gây lo lắng, hoang mang sâu sắc trong cộng đồng. Hiện tại, tỷ lệ mắc ung thư có xu hướng gia tăng tại hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng số ca mắc và tử vong do ung thư. Đáng lo ngại nhất trong số đó là tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thực phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn, cùng với việc lạm dụng rượu bia, thuốc lá.
Quỹ ung thư Đài Loan đã khởi xướng khẩu hiệu “Toàn dân luyện 5 cách, phòng chống ung thư dễ dàng” để hướng dẫn người dân những phương pháp phòng tránh ung thư hiệu quả, giúp giảm 60%-70% nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Lại Cơ Minh, người đứng đầu chương trình này, chia sẻ rằng “5 cách” phòng chống ung thư thực chất là 5 nguyên tắc sống lành mạnh, bao gồm: ăn uống cân bằng, duy trì hoạt động thể chất, kiểm soát cân nặng, bỏ thuốc lá và khám sức khỏe định kỳ. Để kiểm soát ung thư hiệu quả, mọi người cần áp dụng đồng thời cả 5 nguyên tắc này.
Nội dung chính
5 nguyên tắc để phòng tránh ung thư hiệu quả
1. Cân bằng thực phẩm
Cân bằng thực phẩm là nền tảng của sức khỏe, khuyến khích mọi người bổ sung đủ 6 nhóm thực phẩm lớn mỗi ngày; bao gồm: ngũ cốc, rau củ, hoa quả, protein từ trứng, đậu, cá, thịt, sữa và chất béo. Ngoài ra, cần tuân thủ nguyên tắc “ba ít” – ít đường, ít muối, ít dầu; cùng với việc ưu tiên các thực phẩm nhiều tinh bột, ít chất béo và giàu rau củ quả.
Một nguyên tắc ăn uống quan trọng khác là “rau củ quả bảy màu 579” – mỗi ngày; trẻ em nên ăn ít nhất 5 phần rau củ quả (3 phần rau củ và 2 phần hoa quả); nữ giới trưởng thành là 7 phần (4 phần rau củ và 3 phần hoa quả); nam giới cần 9 phần (5 phần rau củ và 4 phần hoa quả). Các chất trong rau củ quả giúp ngăn ngừa nhiều loại ung thư; đồng thời giảm nguy cơ mắc các bệnh như ung thư dạ dày, vú, đại tràng và vòm họng.
Việc tiêu thụ nhiều thực phẩm “nhiều đường, ít tinh bột, nhiều chất béo” dễ dẫn đến béo phì, làm tăng nguy cơ ung thư. Để giảm thiểu rủi ro, mọi người nên hạn chế nước có đường; các loại thịt chế biến sẵn, thực phẩm mặn, giảm thịt đỏ như thịt heo, bò, dê.
2. Vận động đều đặn
Thể dục thể thao là bí quyết để duy trì sức khỏe. Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chỉ ra rằng những người thường xuyên tập thể dục có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn so với những người ít vận động. Thói quen không vận động cũng dẫn đến béo phì, yếu tố làm gia tăng nguy cơ ung thư.
Bất kỳ hình thức vận động nào cũng đều giúp giảm nguy cơ ung thư vú, tụy tạng, thận, đại tràng và nội mạc tử cung. Tốt nhất là duy trì vận động 30 phút mỗi ngày, hoặc ít nhất 15 phút. Thói quen này không chỉ kéo dài tuổi thọ mà còn có thể giảm 10% nguy cơ tử vong do ung thư.
3. Kiểm soát cân nặng
Theo bác sĩ Lại Cơ Minh, việc hấp thụ thực phẩm nhiều chất béo không nhất thiết gây ra béo phì; và không phải tất cả người béo phì đều do ăn nhiều chất béo. Tuy nhiên, có mối liên hệ mật thiết giữa béo phì và nguy cơ mắc ung thư. Nghiên cứu cho thấy béo phì làm tăng tỷ lệ mắc các bệnh; như ung thư vú, dạ dày, thận, túi mật, cổ tử cung và đại trực tràng.
Theo khảo sát toàn cầu về ung thư của Sở nghiên cứu ung thư Mỹ; béo phì có mối liên hệ lớn nhất với ung thư túi mật. Thể trọng cao làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú sau mãn kinh, ung thư nội mạc tử cung và đại trực tràng. Vì vậy, kiểm soát cân nặng là vô cùng quan trọng.
Bác sĩ dinh dưỡng Lại Di Quân cho rằng kiểm soát cân nặng bắt đầu từ việc giảm lượng calo tiêu thụ hàng ngày (chủ yếu từ chất béo và đường); giảm lượng protein từ thịt và tăng cường tiêu hao calo qua vận động. Duy trì chỉ số BMI từ 18–24 sẽ giúp giảm nguy cơ mắc ung thư.
4. Cai thuốc lá để phòng tránh ung thư
Thuốc lá chứa hơn 7.000 chất hóa học sau khi đốt, trong đó ít nhất 70 chất được cho là gây ung thư; chủ yếu đến từ hắc ín (nicotin dễ gây bệnh tim mạch). Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các loại ung thư; như ung thư phổi, vòm miệng, họng, thực quản và bàng quang. Ngoài ra, thuốc lá còn gián tiếp gây ung thư cổ tử cung, máu, dạ dày, gan, thận, tụy và đại tràng.
Hút thuốc lá là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ung thư, chiếm đến 1/4 trường hợp tử vong do ung thư. Không chỉ người hút thuốc, mà cả những người xung quanh cũng có nguy cơ mắc bệnh nếu hít phải khói thuốc; đặc biệt là trong không gian kín. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe của trẻ em và những người không hút thuốc. Vì sức khỏe của bản thân và gia đình, mọi người nên quyết tâm cai thuốc lá.
5. Khám sức khỏe định kỳ
Việc khám sức khỏe định kỳ và phát hiện bệnh sớm sẽ tăng cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư; cứu sống nhiều sinh mạng và mang lại niềm vui cho gia đình. Vì thế, không nên bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo bất thường của cơ thể; cũng đừng chờ đến khi bệnh tiến triển nặng thì việc điều trị sẽ trở nên khó khăn hơn.
Mọi người nên tập thói quen kiểm tra sức khoẻ định kỳ để phòng tránh ung thư; điều trị sớm sẽ giảm tỷ lệ tử vong và nâng cao chất lượng cuộc sống.