Người tu hành sẽ thường xuyên có các khảo nghiệm nhân tâm, vào lúc then chốt nếu có thể vượt qua được thì cũng thể hiện là đã thăng lên một tầng mới.
Nội dung chính
Văn Thù Bồ Tát khảo nghiệm quốc vương và vương hậu
Vào thời Đức Phật Thích Ca tại thế, Ngài từng kể cho các đệ tử nghe một câu chuyện. Kể rằng, vào thời xưa có một vị quốc vương tên là Tát Thứ thiện. Vị quốc vương này tâm địa thiện lương, thương xót những người nghèo khổ; thường xuyên cứu tế và bố thí. Chỉ cần mọi người có nhu cầu gì thì ông đều hết sức để giúp đỡ họ. Sự thiện lương của quốc vương truyền xa khắp nơi, qua cả các nước khác; chúng Thần trên Thiên thượng cũng để ý đến ông.
Văn Thù Bồ Tát biết được ở nhân gian có một vì quốc vương từ bi như vậy, tâm rất vui mừng. Đồng thời ngài cũng muốn tự mình đi khảo nghiệm vị quốc vương này một chút; xem có đúng là thành tâm hành thiện hay không.
Có một ngày, Văn Thù Bồ Tát lắc mình một cái, biến thành một thiếu niên Bà La Môn; từ nước láng giềng đi vào nước Tát Thứ Đàn. Ngài đi đến trước cửa hoàng cung và cầu xin bố thí.
Quốc vương nghe nói có một thiếu niên Bà La Môn ở nước ngoài tìm đến, ông rất vui mừng mà đón tiếp; cũng ân cần hỏi han: “Người thiếu niên, cậu từ đâu tới? Nếu có cần gì thì ta sẽ cố sức trợ giúp cậu?”
Thiếu niên Bà La Môn đáp: “Tôi ở nước ngoài nghe nói Ngài rất thiện lương. Cho nên không ngại đường xa vạn dặm đến đây, mong được ngài bố thí”.
Đưa ra yêu cầu vô lý
Quốc vương nghe vậy thì vui mừng nói: “Tốt rồi! Cậu có yêu cầu gì, cần bố thí cái gì thì cứ nói, đừng ngại. Thần dân của ta yêu cầu bố thí thì ta đều đáp ứng; huống gì cậu còn là khách ngoại quốc”.
Văn Thù Bồ Tát thấy vậy mới nghĩ: “Quả nhiên danh bất hư truyền; đã vậy ta phải thử lớn một chút”. Vì vậy mới nói: “Đại vương mong ngài quân tử nhất ngôn. Yêu cầu của tôi có lẽ hơi quá đáng; tôi muốn ngài làm nô lệ cho tôi, còn vương hậu làm nô tỳ cho tôi”.
Quốc vương nghe xong cũng không có nổi giận, ngược lại còn rất vui vẻ mà nói rằng: “Được rồi! Cậu muốn ta làm nô lệ, ta sẽ đáp ứng cho cậu. Ta kể từ lúc này sẽ nghe theo sự sai khiến của cậu; vì cậu mà hầu hạ. Nhưng vương hậu vốn là công chúa của một đại quốc vương; sau này được gả cho ta. Nàng có chịu làm nô tỳ cho cậu hay không thì để ta đi hỏi một chút đã”.
Vì vậy quốc vương liền vào trong cung và nói lại yêu cầu của thiếu niên Bà La Môn cho vương hậu; cũng hỏi nàng có chịu làm nô tỳ cho cậu ấy không. Vương hậu cũng là người có tâm địa thiện lương, là người muốn cứu giúp chúng sinh. Huống chi thường xuyên ở bên cạnh quốc vương, nghe quen tai, nhìn quen mắt, nên cũng không muốn trái ý quốc vương. Vì vậy mà nàng đã đồng ý với yêu cầu của thiếu niên Bà La Môn.
Hai người chấp thuận không hề oán hận
Quốc vương và vương hậu từ trong cung đi ra và nói với chàng thiếu niên: “Chúng ta đã thương lượng xong rồi. Chúng ta đồng ý làm nô lệ và nô tỳ cho cậu!”
Chàng thiếu niên nói: “Nếu đồng ý làm nô lệ cho tôi, vậy hai người nên cởi giày ra; như vậy mới giống như nô lệ thực sự”.
Quốc vương và vương hậu cùng nói: “Đúng vậy! Chủ nhân! Chúng tôi nên giống như nô tỳ; họ như thế nào thì chúng tôi như thế nấy”. Vì vậy họ liền cởi giày ra, cũng lấy quần áo vải thô mặc vào giống như nô lệ.
Văn Thù Bồ Tát chỉ là muốn khảo nghiệm quốc vương và vương hậu, chứ không muốn gây phiền toái cho quốc gia này. Vậy nên Văn Thù đã tìm bên ngoài 2 người, dùng pháp lực biến họ thành quốc vương và vương hậu; họ sẽ thay quốc vương và vương hậu xử lý triều chính. Còn quốc vương và vương hậu thật sẽ đi ra nước ngoài làm nô lệ.
Khảo nghiệm gian khổ
Vương hậu trời sanh cao quý, vốn là công chúa của một nước khác, từ nhỏ được nuông chiều. Sau khi gả cho quốc vương thì cũng là hào hoa tôn quý; đâu có bao giờ lại phải đi chân đất đường sá xa xôi như vậy. Lại đúng lúc nàng đang có thai, hoạt động bất tiện.
Vì vậy mà khi đi cùng với những người nô lệ, nàng mệt mỏi và thở hồng hộc, toàn thân đau nhức; lòng bàn chân bị cỏ dại và đá đâm rách, đau như xát muối, thật là mỗi bước mỗi khó khăn; cừ từ từ mà bị tụt lại ở phía sau.
Văn Thù Bồ Tát từ sớm đã nhìn thấy những điều này. Bồ Tát cũng không đành lòng, nhưng vì muốn khảo nghiệm chân tâm của quốc vương và vương hậu nên Ngài vẫn giả bộ xuất ra vẻ hung ác. Ngài quay đầu lại một bên hét lớn: “Đi nhanh lên! Nhanh lên!” Rồi lại quay qua vương hậu nói: “Ngươi bây giờ là nô tỳ của ta thì phải giống như một nô tỳ; theo đúng như nô tỳ mà hành sự. Ngươi hiện tại còn giống như là vương hậu; ngươi yêu kiều yếu ớt như thế thì để cho ai nhìn!”
Vương hậu nghe xong thì ấm ức, quỳ gối xuống đất, mắt lệ chứa chan mà nói: “Chủ nhân, tôi thực là không dám lơ là, quả thực không dám lười biếng. Tôi bây giờ quả thực là đã kiệt sức rồi, xin nghỉ ngơi một lát rồi lại đi; xin ngài thương hại một chút!”
Quốc vương vẫn một lòng bố thí
Không ngờ thiếu niên Bà La Môn tâm địa sắt đá, chẳng những không cho nghỉ mà còn nói: “Phải rồi, phải rồi, ngươi đứng dậy đi rồi đi theo ta. Loại nô tỳ như này về sau cũng không thể sai khiến được. Ta phải mang ngươi đi bán mới được!”
Nói xong liền dẫn vương hậu đến thành phố và rao hàng: “Đến xem đây, đến xem đây! Có nô tỳ cần bán đây! Giá rẻ mạt mà người thì xinh đẹp đây, ai mua được là có phúc khí đây!”
Vương hậu vốn là dưới một người mà trên vạn người, cả ngày sống trong hoàng cung, chưa từng thấy qua cảnh tượng này. Vậy mà bây giờ lại trở thành nô tỳ; giờ nàng mới hiểu mua bán nô tỳ là như thế nào. Mà quốc vương chồng nàng cũng rơi vào cảnh ngộ tương tự, cũng bị mang bán.
Quốc vương được một ông lão để ý, sau khi được mua về thì cho làm người gác mộ; chuyên phụ trách thu phí chôn cất người chết. Ở đây lạnh lẽo, hoang vắng; đặc biệt là mỗi đêm đến, ma trơi tán loạn, sói tru chó sủa; làm cho người ta khiếp sợ, khó mà ngủ được. Ông lão còn thỉnh thoảng đến kiểm tra xem quốc vương có cất giấu tiền riêng không. Vậy nhưng trong lòng quốc vương cũng không oán hận. Quốc vương nghĩ: “Nếu làm nô lệ thì phải làm hết trách nhiệm của một nô lệ. Ta như vậy mới thực lòng là bố thí, như vậy mới tích được công đức”.
Vương hậu nhất nhất làm theo không oán trách
Tình cảnh của vương hậu so với quốc vương còn thê thảm hơn. Vương hậu được một nhà giàu có mua về. Phu nhân của nhà này thật giống như quỷ dạ xoa, thấy vương hậu kiều diễm thì rất tật đố, thường giở trò xấu với vương hậu; cố ý giao cho nàng làm những việc nặng nhọc và bẩn thỉu. Mỗi ngày khi trời còn chưa sáng là bà ta đã làm rùm beng lên mà kêu vương hậu dậy làm việc; làm từ sáng cho tới khi trời tối mịt; nếu có điều gì không phải thì tha hồ đánh mắng.
Mấy tháng sau, vương hậu sinh con, là một bé trai trắng trẻo mũm mĩm. Nữ chủ nhân nhà này vốn không có con, thấy tỳ nữ sinh được đứa con xinh đẹp như vậy thì lửa đố kỵ bùng lên dữ dội. Bà ta la mắng vương hậu: “Con tỳ nữ thối tha này, cũng sinh con nữa sao?” Sau đó bắt vương hậu phải giết đứa con này đi.
Thời đó tỳ nữ thì cũng như là nô lệ, hoàn toàn phải nghe theo lệnh của chủ nhân. Chủ nhân bảo chết thì phải chết, cho sống thì được sống. Vương hậu không còn cách nào khác, đành phải nuốt nước mắt giết chết con trai mới sinh, sau đó mang đi chôn.
Vượt qua khảo nghiệm
Vương hậu mang con đi chôn thì gặp quốc vương đang gác mộ ở đó. Hai người gặp nhau thì vui mừng khôn xiết; nhưng họ cũng không tỏ ra ủy khuất hay bất mãn gì. Ngay lúc họ đang nói chuyện, chốc lát thấy giống như một giấc mộng; mới vừa rồi còn ở mộ lạnh lẽo mà bây giờ đã trở về bản quốc rồi; trên người lại đang mặc trang phục của quốc vương và vương hậu; nơi ngồi chính là ngai vàng ở chánh điện.
Tất cả đã được khôi phục lại nguyên trạng. Điều làm họ vui mừng hơn nữa, đó là người con trai đã chôn bây giờ lại sống sờ sờ trước mắt; đứa bé giơ bàn tay về phía hai người và mỉm cười.
Quốc vương và vương hậu đang kinh ngạc không hiểu có chuyện gì thì thấy Văn Thù Bồ Tát ngồi trên một đóa sen xuất hiện trên không trung; toàn thân tỏa ra ánh sáng ngũ sắc; Ngài khen ngợi họ rằng: “Thiện tai! Quả nhiên danh bất hư truyền, các ngươi phổ cứu chúng sinh, bố thí rộng rãi, quả thực là chí thành chí tín, chân tâm thực ý”.
Quốc vương và vương hậu lúc này mới ngộ ra, thì ra là Bồ Tát hiển linh để khảo nghiệm sự chân thành của họ. Họ liền cung kính hướng Văn Thù Bồ Tát hành lễ.
Chân thành, thiện lương, không oán hận
Văn Thù Bồ Tát thấy quốc vương và vương hậu quả thực là chí thành chí thiện nhân gian hiếm có, nên cũng rất vui mừng. Về sau khi giảng pháp, Văn Thù vẫn thường lấy ví dụ về quốc vương và vương hậu để tuyên dương Phật Pháp. Quốc vương và vương hậu về sau cũng tu thành chánh quả.
Kể tới đây, Phật Thích Ca nói với A-nan: “Quốc vương chính là tiền kiếp của ta. Còn vương hậu chính Da Du Đà La (người vợ trước khi xuất gia của Đức Phật), thái tử chính là La Vân (con trai duy nhất của Đức Phật trước khi xuất gia)”.
Người tu luyện phải đột phá tầng tầng lớp lớp các chấp trước, mỗi tầng cửa lại mỗi khảo nghiệm, nếu vượt qua được thì sẽ là một tầng trời mới.
Theo Epoch Times
Xem thêm video: