Nhân sinh cảm ngộ

Nói Đạo Lý

20/10/22, 07:49
Nói đạo lý
Nói đạo lý (ảnh: Freepik)

“Những người nói đạo lý thường sống như ‘…'”
Lần đầu biết đến những câu nói này tôi đã cảm thấy rất buồn vì các bậc thánh hiền, các trí giả, thức giả, những chính nhân quân tử và rất nhiều những con người bình thường khác sống có đạo lý và nói có đạo lý.

Nói đạo lý không phải chuyện gì xa lạ

Nói Đạo Lý không có gì là xa lạ, to tát, đó chỉ là những lời “thấu tình đạt lý” mà người ta nói với nhau trong cuộc sống nhằm thúc đẩy đạo đức , nâng cao tinh thần yêu chuộng hòa bình như cha mẹ dạy bảo con cái, bạn bè khuyên nhủ lẫn nhau, chính trị gia nghị sự nói chuyện để tránh xung đột; chiến tranh vv…đều là phải nói đạo lý cả.

Theo thiển ý của cá nhân tôi, người nói đạo lý có thể chia sơ sơ ra 3 kiểu người như sau :

Thứ nhất là kiểu người ngụy quân tử như Nhạc Bất Quần, nói một đằng làm một nẻo, nói đạo lý rất hay nhưng tâm địa hoàn toàn ngược lại, làm ra những hành vi lén lút, xấu xa đê tiện thật sự khiến người ta thất vọng tột cùng , mất lòng tin tới đáy.

Thứ hai là kiểu người nói đạo lý rất đúng, lúc nói là có lòng thành thực nhưng bản thân đôi khi nói được mà làm không nổi. Do lười biếng, do tư tâm, do không đủ nghị lực , vv….

Ví dụ như có một người nọ rất hay nói đạo lý để dạy con, anh ta cũng làm gương cho con, khi dắt con đi chơi ngoài đường thấy cục gạch giữa đường anh ta liền cúi xuống bưng vô lề bỏ, nhân tiện dạy đứa con rằng : “Khi con đi ngoài đường mà thấy cục gạch hay cây gai thì cúi xuống nhặt lên rồi vứt vào lề để người đi sau vô tình không thấy cũng không bị vấp cục gạch hay giẫm phải cây gai. Đó là một phó xuất nhỏ nhưng biết đâu lại tránh được tai họa lớn cho người khác, đừng thấy việc thiện nhỏ mà không làm nghe con.” Nhưng mấy hôm sau anh ta đi xe trên đường thấy cục gạch giữa đường thì cũng đi luôn, ngay lúc đó anh ta cũng áy náy trong lòng lắm nhưng lười biếng khiến anh ta không muốn dừng xe lại, giá lúc đó anh ta đi bộ thì có lẽ anh ta đã dọn dẹp cục gạch rồi.

Loại thứ ba là kiểu người sống có đạo lý, nói đạo lý và nói được làm được. Những người này là chính nhân quân tử nhất.

Xét trên ba kiểu thì kiểu người thứ ba là đáng quý nhất, cũng là ít nhất.

Loại thứ hai là nhiều nhất, và thường bị người ta gộp chung lẫn lộn với loại thứ nhất thành ra một con số quá nhiều. Dẫn đến việc hình thành nên một thứ thành kiến trong xã hội , khiến người ta mất niềm tin đối với “những người nói đạo lý” .

Xã hội sẽ ra sao khi mỗi người đều không nói đạo lý nữa?

Người làm quan mà không nói đạo lý thì khi xử án không cần nói lý lẽ, không cần đi tìm bằng chứng để tội phạm phải tâm phục khẩu phục mà chịu nhận tội, vậy thì sinh ra dùng hình bức cung, án oan. Còn nếu chỉ nói Lý mà không nói Đạo thì thành loại pháp luật vô tình.

Có một câu chuyện kể rằng một vị thẩm phán đã buộc những người có mặt tại phiên tòa xử một cậu bé vì tội ăn cắp bánh mì, ông nói rằng để cho một đứa trẻ đói khổ tới nông nỗi phải đi ăn cắp bánh mì là trách nhiệm của tất cả những người lớn trong cái xã hội đó, nên mỗi người có mặt tại tòa hôm đó phải nộp phạt 10 đô la, tất cả số tiền đó là để bồi thường cho cậu bé, và ông là người nộp phạt đầu tiên. Mọi người hoan hô ông vì ông nói những lời có Đạo Lý, Pháp lý chỉ là thứ lý lẽ thông thường dựa trên pháp luật, còn Đạo Lý là lý lẽ cao hơn mà trong đó hàm chứa tình người.

Người làm dân mà không nói Đạo lý thì dân sinh sẽ loạn, khi gặp chuyện người ta không cần nghe giải thích lý luận, không cần nói Đạo lý, không chịu hòa giải bằng lời,… với xã hội sinh ra ẩu đả, chém giết, thâm thù đại hận, …với gia đình sinh ra mâu thuẫn, không thể hòa thuận hạnh phúc, thậm chí dẫn đến bạo lực, đỗ vỡ.

Xã hội sẽ ra sao khi mỗi người đều không nói đạo lý nữa?
Xã hội sẽ ra sao khi mỗi người đều không nói đạo lý nữa? (ảnh: pixabay)

Khi không nói Đạo Lý được nữa thì người ta sẽ nói điều kiện, nói lời hăm dọa, nói hàm hồ với nhau. Và đến bước cuối cùng là dùng sức mạnh để bắt người khác nghe lời. Đến cả những khi chuyện phiếm lúc trà dư tửu hậu mà nói không có Đạo Lý gì thì cũng rỗng tuếch, vô vị, chán phèo. Một xã hội mà người ta không còn nói đạo lý và không chịu nghe đạo lý nữa là một xã hội nguy hiểm biết chừng nào ! Thấp kém biết chừng nào !

Thái độ nghe đạo lý của người Việt xưa và nay

Người Việt Nam mình từ xưa vốn dĩ rất thích nghe những lời có đạo lý và cũng rất kính trọng những người nói đạo lý. Hiểu được đạo lý là người lương thiện mà sống như gương để giảng dạy đạo lý là bậc hiền đức . Vậy nên thời xưa bà con hay hàng xóm với nhau mà có xích mích thì chỉ cần nhờ một người đáng kính trong làng ra nói đạo lý một hồi là dễ dàng xoa dịu và hòa giải được. Không đến nông nỗi chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ mà mất mạng như bây giờ. Những sự vụ căng thẳng quá mức mới đem lên quan vì lên quan thì rắc rối nên người dân thường tránh, mà quan ngày xưa học sách thánh hiền nên cũng rất thích nói đạo lý và những chuyện không đáng thì quan cũng dùng đạo lý để hòa giải . Điều này đọc hồi ký của người xưa hay hỏi những người già thấy kể rất nhiều.

Hiện nay người ta không dám nói đạo lý vì nói ra đã không được nghe mà có khi còn bị mỉa mai cười cợt . Điển hình là câu “Những người nói đạo lý thường sống không ra gì.” Vậy hỏi vui rằng rồi những người không chịu nghe đạo lý sống có ra gì không? Không chịu nghe thì làm sao hiểu đạo lý? Không hiểu thì làm sao sống cho có đạo lý được? Mà sống không có đạo lý thì có còn ra con người không ? Bởi vì đã là con người thì ít nhất cũng phải có đạo lý làm người chứ? Nếu cả đạo lý làm người cũng không có thì con người ấy là con người gì?

Người lương thiện thực sự mãi mãi vẫn còn thích nghe những điều có đạo lý

Tuy nhiên, người ta không thích nghe đạo lý không có nghĩa rằng họ không còn biết đạo lý nữa, trong gia đình họ vẫn biết phải có hiếu với cha mẹ, đối với con cái họ cũng phải dạy dỗ nó những đạo lý làm người, không thì sau này lớn lên nhất định họ cũng phải khổ với nó, đối với mọi người xung quanh họ vẫn hiểu nên dĩ hòa vi quý, tất cả những điều đơn sơ ấy đều là Đạo Lý cả … chỉ là họ đã nhiều lần cảm thấy thất vọng với những người nói đạo lý quá, vậy là lâu dần họ quơ đũa cả bó, cho người nói đạo lý ai cũng như nhau, đều nói một đường mà làm một ngã …mà họ quên mất có khi chính họ cũng ở trong số đó.

Người lương thiện thực sự mãi mãi vẫn còn thích nghe những điều có đạo lý.
Người lương thiện thực sự mãi mãi vẫn còn thích nghe những điều có đạo lý.(ảnh: Kknews)

Bản thân đạo lý là tốt, do biết đạo lý là tốt nên những kẻ xấu mới hay nói đạo lý để che đậy cái xấu của họ. Đạo lý bị họ lợi dụng .

Người lương thiện thực sự mãi mãi vẫn còn thích nghe những điều có đạo lý. Dù đôi khi cảm thấy mất lòng tin với “ những người nói đạo lý” nhưng nhất định sẽ không mất niềm tin vào “ Đạo Lý ”. Giữ được thiện tâm và lý trí sáng suốt sẽ giúp người ta phân biệt được Chân – Giả trong cuộc đời.

Khi nào xã hội quay trở lại biết quý những người nói đạo lý và ai cũng muốn nghe những lời có đạo lý là lúc đạo đức đã thăng hoa trở lại, cuộc sống đã bình yên trở lại.

Xem thêm:

x