Văn hóa truyền thống

Nhờ làm việc thiện nhỏ mà thay đổi vận mệnh

07/08/23, 17:13
Nhờ làm việc thiện nhỏ mà thay đổi vận mệnh
Đừng thấy điều ác nhỏ mà làm, đừng thấy điều thiện nhỏ mà không làm (ảnh minh họa Cafef)

Con người có định số nhưng ông Trời có đức hiếu sinh, đôi khi chỉ cần làm một việc thiện nhỏ cũng có thể giúp thay đổi vận mệnh.

Đừng thấy điều ác nhỏ mà làm, đừng thấy điều thiện nhỏ mà không làm

Vào thời Tam Quốc, khi Lưu Bị mắc bệnh nặng đã nói với con trai của mình là Lưu Thiện rằng: “Đừng thấy điều ác nhỏ mà làm, đừng thấy điều thiện nhỏ mà không làm. Chỉ người có đạo đức và có tài mới có thể thu phục lòng người”.

Nhờ làm việc thiện nhỏ mà thay đổi vận mệnh
Lưu Bị, hoàng đế khai quốc nước Thục Hán (ảnh: Wikipedia)

Câu nói này cũng nhắc nhở mọi người rằng: Trong tâm giữ thiện niệm, cho dù là việc thiện nhỏ cũng sẽ gieo thiện quả, cho dù là việc ác nhỏ cũng sẽ giao quả ác. Một viên quan thời nhà Thanh tên Lương Cung Thần trong quyển sách “Bắc Đông viên bút lục” đã kể câu chuyện về ông chủ cửa hàng bông chán nản đến kinh thành, nhưng vì một chuyện tốt ông đã làm trong quá khứ mà có thể thay đổi được cuộc đời của mình.

Câu chuyện ông chủ cửa hàng bông

Chuyện kể rằng vào thời Càn Long, có một người đàn ông tên là Tiền Hồn nhà ở ngoài cổng phía Bắc của thành Vô Tích. Ông có một số tiền tiết kiệm, nên đã bỏ ra mấy trăm lạng vàng để mở một cửa hàng bông, vì thế những người khác có thể đổi vải lấy bông. Nhờ đó, ông có thể kiếm được một số lợi nhuận để duy trì cuộc sống của mình.

Hàng xóm của Tiền Hồn có một cô gái khoảng 13, 14 tuổi, nét mặt thanh tú và vẻ ngoài duyên dáng, làm lay động lòng người, thường đổi vải lấy bông. Tiền Hồn mỗi lần đều sẽ cho cô nhiều hơn và cô gái dường như cũng cảm nhận được điều đó, nhưng hai gia đình không hề có ý định gì khác.

Nhờ làm việc thiện nhỏ mà thay đổi vận mệnh
Một người đàn ông dang xử lý bông (ảnh minh họa Sound of hope)

Cứ như vậy trải qua 2-3 năm, Tiền Hồn không những không kiếm được tiền, mà thậm chí còn lỗ vốn nên đóng cửa hàng và bỏ nhà ra đi. Sau đó, ông lưu lạc đến kinh thành, sau hơn 10 năm, ông lâm vào cảnh nghèo nàn và bệnh tật, giống như một kẻ ăn xin. 

Một ngày nọ, Tiền Hồn đang đi dạo bên ngoài Tây Trực Môn, chợt nhìn thấy một người phụ nữ ngồi trong một chiếc xe kéo có rèm che màu xanh lá cây và bánh xe màu đỏ, đầu cô đội đầy đồ trang sức trân châu và ngọc bích. Tiền Hồn nhìn từ xa và không dám đến gần.

Người phụ nữ trong xe cũng nhìn thấy Tiền Hồn từ xa, cô cũng nhìn chăm chú hồi lâu. Sau đó bảo người hầu gọi Tiền Hồn đến trước xe và hỏi: “Sao ông lại đến đây?” Lúc này, Tiền Hồn thậm chí còn không nhận ra người phụ nữ đứng trước mặt mình là ai, như thể trong một giấc mơ, ông chỉ cung kính trả lời câu hỏi của người phụ nữ.

Nhờ làm việc thiện nhỏ mà đắc phúc báo

Sau đó, người phụ nữ yêu cầu những người hầu của mình dắt tới một con ngựa và mời Tiền Hồn vào thành cùng xe ngựa của mình. Khi đến một Vương Phủ giàu có, người phụ nữ này bước vào trong cổng, có lẽ người phụ nữ này là phó Phúc Tấn (dân tộc Mãn gọi vợ của thân vương hay quận vương là Phúc Tấn) của Vương Phủ này.

Một lúc sau, có người đưa Tiền Hồn vào bên trong, người phụ nữ nói với ông: “Tôi là cô gái nhà hàng xóm cạnh nhà ông. Tôi từng trao đổi bông với ông. Vì cảm ơn lòng tốt của ông, nên tôi đã gọi ông đến đây.” Người phụ nữ đã nhận Tiền Hồn làm họ hàng, nên từ đó ông có thể tự do ra vào Vương Phủ.

Nhờ làm việc thiện nhỏ mà thay đổi vận mệnh
Phúc Tấn của một Vương Phủ (ảnh minh họa Sound of hope)

3, 4 năm sau, Tiền Hồn dành dụm được khá nhiều tiền, đi ra làm Đằng lục quan (phụ trách sao chép bài của các thí sinh dự thi). Sau đó, Tiền Hồn được phong làm Huyện úy vì làm tốt, nhanh chóng được thăng lên làm Huyện lệnh Nội Hoàng, sau đó lại thăng lên làm Đồng tri của Phủ Hà Gian ở Trực Lệ.

Tiền Hồn tình cờ là người cùng họ với Tiền Vịnh, một học giả thời nhà Thanh. Câu chuyện này đã được Tiền Vịnh ghi lại trong “Lý Viên Tùng thoại”. Kỷ Hiểu Lam cũng thuật lại chuyện này, cha của Lương Cung Thần đã nghe câu chuyện Tiền Hồn do Kỷ Hiểu Lam kể và giữ nó trong lòng. Ông đã kể cho con trai mình là Lương Cung Thần câu chuyện có thật về lòng tốt này, bởi vậy đã ghi lại nó trong “Bắc Đông viên bút lục”. 

Theo Sound of hope

x