Nhân sinh cảm ngộ

Nhân tại mê trung, ai người sớm tỉnh!

09/09/22, 08:19
Nhân tại mê trung
Nhân tại mê trung ai người sớm tỉnh (ảnh minh họa: Shutterstock).

Phật gia giảng: “Nhân tại mê trung”, con người đều là sống trong mê, đã rơi vào cõi này thì có mấy ai hiểu được cần sớm tỉnh.

Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu

Mỗi lần đọc hai câu thơ trên lòng tôi lại thấy bồi hồi. Tự hỏi tại sao người đẹp và tướng tài lại thường đoản mệnh, không hẹn bạc đầu tại thế gian. Tự hỏi rồi tự đáp, tôi nghĩ: người đẹp sống tới lúc bạc đầu thì không còn đẹp nữa, đâu còn là mỹ nhân. Tướng giỏi sống tới lúc bạc đầu thì già yếu đâu còn là dũng tướng năm xưa nữa, nên tạo hóa không để họ lâu dài mà hỏng đi hai tiếng mỹ nhân và danh tướng chăng? Vậy những cái gì tròn trịa quá, đầy đặn quá, đỉnh cao quá thì chưa chắc đã tốt. Mà có khi nó chính là cái triệu chứng của họa nạn.

Ở đời có cái gì đầy mà không đổ?

Tôi nhớ lại câu chuyện ngày nhỏ học trong cổ học. Một ngày Đức Khổng Tử vào miếu thờ vua Lỗ Hoàn Công thì thấy một cái vại đứng nghiêng, được biết đó là một vật quý của nhà vua để làm gương. Vật đó bỏ không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa phải thì đứng ngay, mà đổ đầy quá thì lại đổ.

Ngài bèn sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên nước đổ vừa thì lọ đứng ngay, nước đổ đầy thì lọ đổ, bỏ không thì lọ lại đứng nghiêng. Ngài than rằng: “Hỡi ôi ! Ở đời chẳng có cái gì đầy mà không đổ.”

Trương Tam Phong đã tu luyện đắc Đạo như thế nào?
Buông bỏ danh lợi, tiêu dao tự tại, sống cuộc sống Thần Tiên (ảnh: Tinhhoa).

Vậy muốn không bị đổ thì khi đầy rồi người ta phải biết “tự đổ bớt đi” để cho đừng “đầy quá”. Mà tự mình “ đổ bớt đi” không hề dễ. Sống trong nhân thế mấy ai thoát khỏi ba chữ danh – lợi – quyền; có ít muốn có nhiều; có nhiều lại muốn có nhiều hơn, phải là người thông đạt đạo Trời thì mới làm được biết dừng đúng lúc.

Câu chuyện Phạm Lãi – Văn Chủng

Xưa có người tên là Phạm Lãi ba lần đạt đỉnh cao danh vọng quyền thế giàu sang mà ba lần bỏ đi mai danh ẩn tích, nổi tiếng với bức thư gửi lại cho người bạn là Văn Chủng như sau: “Chim đã hết cung tên vứt bỏ. Thỏ chết rồi chó bị phanh thây.
Việt Vương là người cổ dài miệng nhọn, có thể chung hoạn nạn nhưng không thể cùng hưởng lạc. Sao ông không ra đi?
”.

Phạm Lãi cùng Văn Chủng phò vua nước Việt là Câu Tiễn. Khi Câu Tiễn hiếu chiến không nghe lời can của Phạm Lãi mà mang quân đánh nước Ngô bị vua Ngô là Phù Sai bắt được, Văn Chủng ở nhà chỉnh đốn quốc gia, trông coi việc nước, Phạm Lãi đi cùng Câu Tiễn qua làm nô lệ cho vua Ngô 3 năm. 3 năm tủi nhục nhờ có Phạm Lãi luôn bên cạnh bàn mưu tính kế mà qua mắt được vua Ngô và được tha cho về nước. Chỉ trong vòng bảy năm dưới sự giúp đỡ của Phạm Lãi và Văn Chủng mà nước Việt trở nên hùng mạnh và đánh cho Ngô tan tác, trả được thù cũ. Vua Ngô là Phù Sai phải tự kết liễu để khỏi chịu nhục.

Nhân tại mê trung, mấy ai buông được danh lợi?

Vậy mà đến khi khổ tận cam lai, vừa được thảnh thơi hưởng phước thì mỗi người lại chọn mỗi cách ứng xử. Phạm Lãi được phong chức thượng tướng, Văn Chủng làm tướng quốc. Công trạng to lớn là thế mà Phạm Lãi lại trút bỏ công danh, chỉ đem theo chút của làm lộ phí đường xa, lặng lẽ rời khỏi nước Việt. Văn Chủng không nỡ từ bỏ địa vị danh vọng khổ công bấy lâu mới có được, muốn ở lại hưởng phước; cuối cùng lại được ban cho một thanh bảo kiếm để tự xử. Hẳn lúc gươm kề lên cổ Văn Chủng đã thầm hối hận vì trước đây không nghe lời Phạm Lãi và phải nhận rằng mình không sáng suốt bằng Phạm Lãi.

tu thành thần tiên
Thế nhân có quá nhiều thứ mê hoặc con người; trong đó danh, lợi, tình và ba thứ khiến con người khó buông bỏ nhất (ảnh Adobe Stock).

Phạm Lãi rũ bỏ danh lợi, lưu lại tiếng thơm

Về phần Phạm Lãi, lúc đó đã 60 tuổi, sau khi rời khỏi nước Việt ông lặng lẽ đổi tên là Si Di Tử Bì và đến nước Tề. Chỉ trong vài năm làm kinh tế, ông lại trở nên giàu có; ông đem của cải tài năng giúp đỡ những người dân quanh vùng. Một lần nữa danh tiếng ông lại vang xa. Vua Tề Uy Vương mời ông ra làm Tướng quốc. Ba năm làm tướng quốc nước Tề, ông đã giúp cho nước Tề trở thành một nước giàu mạnh, nhân dân no ấm. Nhưng lại một lần nữa ông nghĩ danh vọng đã lớn quá, tiền của đã nhiều quá, vậy là ông lại rũ bỏ hết, ấn tướng trả vua, của cải tặng dân, chỉ giữ lại một phần làm lộ phí rồi lẳng lặng rời đi.

Ông rời Tề đến Tống làm lại từ đầu. Vì muốn không ai biết tới mình nên ông tiếp tục đổi tên là Đào Chu Công. Ông chọn vùng đất tiếp giáp nhiều nước để dễ làm kinh doanh. Sau vài năm, lại một lần nữa trở thành người giàu có, giúp đỡ được nhiều người trong vùng.

Lý Bí buông bỏ đúng lúc

Đến thời đại nhà Đường xuất hiện một người tên là Lý Bí. Lý Bó được mời làm đến chức Tể tướng mà ông cũng nhất quyết từ chối cho bằng được. Ông nổi tiếng là một người biết co biết duỗi; biết tiến biết thoái đúng thời đúng lúc. Ông làm quan trải bốn đời Hoàng đế là Đường Huyền Tông, Đường Túc Tông, Đường Đại Tông và Đường Đức Tông với nhiều năm loạn lạc. Nhiều lần bị gian thần, hoạn quan gièm pha hãm hại vẫn bảo toàn được tấm thân và sự tín nhiệm của nhà vua cùng dân chúng.

học làm người
Buông bỏ là một loại cảnh giới (ảnh Pinterest)

Lão Tử dạy “ Công thành thân thoái”, “Đa tàng tất hậu vong”. Đạo Trời không thân riêng ai nhưng gần người lương thiện, mà người lương thiện thật sự là người không tham tiếc danh lợi quyền đến nỗi vong thân. Họ hiểu rằng “đầy thì đổ”; cây to phải chịu gió lớn; trăng tròn rồi sẽ bắt đầu khuyết hãm, nên chọn cách “buông bỏ”.

Nhân tại mê trung, ai người sớm tỉnh?

Ngày nay, trong giới giải trí chúng ta thấy nhiều tấm gương sa đọa vì luống sâu vào danh lợi mà cuối đời để đến nổi phải mang nhiều chê trách, tai tiếng thị phi. Sự yêu mến của bao nhiêu thế hệ khán giả một sớm một chiều tiêu vong; cố bám lấy hào quang của quá khứ, tưởng rằng sẽ đứng mãi nơi đỉnh cao danh vọng mà không hiểu đạo lý “đầy thì đổ”. Tiếc lắm thay! Giả sử lúc đang còn tiền tài như nước, danh vọng như mây, đủ để an hưởng một cuộc sống vừa phải, thì dừng lại, lui về ở ẩn, cuộc đời sẽ trở nên đẹp như một huyền thoại. Người đời sẽ vẫn còn xem đi xem lại mãi những thước phim cũ mà tấm tắc ngợi khen tài, ngợi khen đức, chẳng phải hay hơn sao ?

Giới quan chức còn có người tệ hơn nữa, vét tận tài nguyên quốc gia, tận thu thuế má nhân dân, ham quyền cố vị, bất tài vô tướng cũng bằng mọi giá bám riết lấy chức vị hòng vinh thân phì gia, hưởng thụ vô độ. Nhưng thiên bất dung gian, người đang làm trời đang nhìn, từng người từng người đều lần lượt lần lượt nhận lãnh những hậu quả tương xứng, chẳng lọt một ai.

Ngẫm lại, những bài học lịch sử rất nhiều nhưng tại sao con người không biết soi gương cổ nhân. Than ôi! Nhân tại mê trung, ai người sớm tỉnh!

x