Các chuyên gia tâm lý cho rằng, trong một số trường hợp, cảm giác áy náy có thể trở nên độc hại và dễ bị người khác lợi dụng để thao túng tâm lý của bạn.
Nội dung chính
Cảm giác áy náy có thể mang đến những tâm lý tiêu cực
Jamie Cannon, một chuyên gia tâm lý người Mỹ, đã viết trên Psychology Today rằng: “Cảm giác áy náy là một cảm xúc tự nhiên và phổ biến, nó kích thích sự tự suy ngẫm sâu sắc; khiến mọi người suy nghĩ về những ảnh hưởng trong hành vi của mình đối với người khác. Vì vậy nó có thể là chất xúc tác để thay đổi hành vi”.
Gần đây đã có nhiều nghiên cứu về cảm giác áy náy này. Mặc dù bằng chứng cho thấy cảm xúc này có những tác động tích cực đến xã hội, nhưng nó cũng tiềm ẩn những hậu quả tiêu cực.
Có những cảm giác áy náy kéo dài có thể dẫn đến chứng lo lắng, trầm cảm và thậm chí là suy giảm hệ thống miễn dịch.
Cannon cho biết những kẻ thao túng tâm lý rất giỏi trong việc nhận biết và lợi dụng sự áy náy của người khác để mưu lợi cho bản thân, đó là một loại kỹ năng khiến người khác phải phục tùng ý muốn của mình.
Dù là cảm xúc tích cực hay tiêu cực, đều có thể trở thành điểm yếu chí mạng trong tay kẻ có kinh nghiệm thao túng. Cảm giác áy náy thường là một trong những cảm xúc bị lợi dụng phổ biến nhất.
Những dấu hiệu nhận biết kẻ lợi dụng sự áy náy để thao túng tâm lý bạn
Dấu hiệu thứ nhất: Họ dành phần lớn thời gian để thuyết phục người khác rằng họ là nạn nhân
Những kẻ thao túng rất giỏi thuyết phục người khác rằng bản thân đã chịu tổn thương – và sự đền bù tốt nhất là phục tùng những mong muốn của họ. Điều này được dùng như một phương thức trừng phạt người đã gây ra tổn thương. Thậm chí buộc họ phải làm những việc mà bình thường họ sẽ từ chối. Có nghĩa là những người kia làm tất cả mọi điều, phục tùng họ chỉ bởi xuất phát từ cảm giác áy náy.
Cannon nói: “Những kẻ thao túng nhanh chóng nắm bắt được cảm giác áy náy của bạn và kích động chúng, gợi ý một cách tinh tế rằng chỉ bằng cách thỏa mãn họ mới có thể xua đi cảm giác áy náy trong lòng“.
Họ khiến bạn tin rằng họ là nạn nhân thực sự và lợi dụng sự đồng cảm của bạn trong quá trình đó; tiếp theo họ sẽ sử dụng chiến thuật này để bạn tuân theo ý muốn của họ.
Dấu hiệu thứ 2: họ cố tỏ ra hoàn hảo đồng thời nhấn mạnh những khuyết điểm của bạn
Họ nhắc nhở bạn về tất cả những gì họ đã làm cho bạn, dùng nó như một loại công cụ để thao túng bạn, khiến bạn cảm thấy áy náy vì những hy sinh của họ.
Những câu nói như: “Tôi là người quan tâm đến bạn nhất” hoặc “Tôi làm tất cả là vì bạn”, nhằm khơi dậy cảm giác áy náy tiêu cực trong bạn và khiến bạn nhượng bộ họ.
Những kẻ thao túng thường ghi nhớ những việc tốt của mình rất lâu, nhưng chỉ nhớ những điều tốt của bạn một cách ngắn ngủi .
Nếu ai đó liên tục tập trung vào những thiếu sót và sai lầm của bạn, đồng thời nêu lên những việc tốt, những cống hiến, hy sinh của họ, đó có thể là dấu hiệu cảnh báo rằng họ đang dùng cảm giác áy náy để đối phó với bạn.
Dấu hiệu thứ 3: Luôn ám chỉ rằng bạn “nợ” họ
Cannon đề cập rằng, những kẻ thao túng luôn giữ lại một danh sách những “ân huệ” mà người khác đã nhận từ mình.
Thực chất, khi họ giúp đỡ người khác thì đều có tính toán và ý đồ cả. Một kẻ chuyên thao túng người khác chủ động giúp đỡ bạn, chắc chắn sau này họ sẽ biến nó thành một loại ân huệ, khiến bạn phải mang cảm giác “nợ’ họ. Khi này họ sẽ nhắc nhở bạn một cách tinh tế để trả ơn mình.
Thực ra, cảm giác áy náy không nên trở thành động lực để làm những việc tốt đẹp hoặc dốc lòng vì người khác; nó sẽ chỉ khiến mối quan hệ trở nên trống rỗng.
Đừng khiến sự áy náy trở nên độc hại và thành công cụ để người khác thao túng tâm lý và khống chế mình; nó có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tâm lý cùng các mối quan hệ trong tương lai của bạn.
Theo Epochtimes