Văn hóa truyền thống

Người xưa “kính tiếc giấy có chữ”, không tùy tiện vứt bỏ

03/05/23, 17:41
Người xưa “kính tiếc giấy có chữ”, không tùy tiện vứt bỏ
Người xưa “kính tiếc giấy có chữ”, không tùy tiện vứt bỏ (ảnh minh họa Pinterest)

Người xưa xem trọng chữ Hán, coi đó là thứ chữ để ‘chở Đạo’ của Thánh hiền, vì vậy không thể tùy tiện vứt bỏ giấy có chữ.

Người xưa cho rằng văn tự là thần thánh và cao quý, văn tự viết ở trên giấy, không thể tùy ý khinh nhờn. Cho dù là giấy lộn bỏ đi, cũng phải thành tâm kính ý mà thiêu hủy chứ không được vứt bừa bãi. Trong “Nhị khắc phách án” có viết, khi gặp giấy có chữ thì phải “đem bỏ vào trong lửa. Hoặc bỏ vào dòng nước trong, tự nhiên mà có phúc lộc vô hạn”.

Tích tự tháp (tháp tiếc chữ), còn được gọi là Tích tự lâu, Phần tự khố (kho đốt chữ), Tự khố, Phần chỉ lâu (lầu đốt giấy), văn phong tháp, Kính thánh đình, Kính tự đình v.v. đây là nơi được dùng để đốt giấy có chữ, việc này là để thể hiện lý niệm “kính tiếc giấy có chữ” của văn nhân nhã sĩ thời xưa.

Theo tài liệu lịch sử, Tích tự tháp được xây dựng lần đầu tiên vào thời nhà Tống, và trở nên khá phổ biến trong các triều đại nhà Nguyên, nhà Minh và nhà Thanh. Tích tự tháp thường được xây dựng bên trong thư viện, chùa miếu, bên cạnh các cây cầu và con đường. Có tháp còn thờ cúng Thần vị của Thương Hiệt, Văn Xương, Khổng Tử, kết hợp tương ứng với câu đối và hoa văn cát tường.

Gia đình hơi lớn một chút thì cũng xây Tích tự tháp ở trong nhà. Theo “Gia phả nhà họ Lý” do Hội đồng dòng họ Lý phía Bắc thành phố Vũ Bình biên soạn vào tháng 3 năm 2004, thì vào giữa triều đại nhà Thanh, tổ tiên dòng họ Lý đã có tục lệ “kính chữ tiếc giấy”, hơn nữa còn thường xuyên đến trường thi ở huyện để nhặt giấy có chữ đem đi đốt.

Đài Loan bảo lưu rất tốt văn hóa truyền thống Trung Hoa, ở rất nhiều nơi có thể nhìn thấy Kính tự đình (đình kính chữ), nghe nói ở Đài Loan có khoảng 110 tòa Kính tự đình. Ví dụ, quận Sĩ Lâm của Đài Loan vào thời nhà Thanh, vốn có tên là “Bát Chi Lan”, bởi vì văn phong cường thịnh, cho nên vào năm Gia Khánh triều đại nhà Thanh đã xây dựng một tòa “Kính tự đình” để chấn chỉnh văn phong. 

Người xưa “kính tiếc giấy có chữ”, không tùy tiện vứt bỏ
Kính Tự Đình, chụp ở sân sau của nhà máy Phượng Lâm Giáo Trường Mộng (DreamWorks principals Fenglin), Hoa Liên, Đài Loan (ảnh: Wikipedia)

Năm Đạo Quang thứ 20 (năm 1840) thời nhà Thanh, thân sĩ ở Bát Chi Lan là Phan Vĩnh Thanh (Hào Định Dân) đã xây dựng đền thờ Văn Xương phía sau cung Huệ Tế, cũng thiết lập cả trường học ở bên trong đền thờ, miễn phí giáo dục cho con em ở địa phương, gọi là “Văn Xương từ nghĩa học”, thành lập Chi Sơn Nham giảng xá, giảng dạy Hán văn. 

Văn nhân nhã sĩ thường sẽ ở nơi này, khiến cho phong khí đọc sách học tập ở Bát Chi Lan rất thịnh hành, người thi đậu tú tài, cử nhân rất nhiều, có câu ví là sĩ tử đông như rừng, “tam bộ nhất tú, ngũ bộ nhất cử” (3 bước một tú tài, 5 bước một cử nhân), đây là một trong những nguyên nhân khiến “Bát Chi Lan” được đổi tên thành “Sĩ Lâm” (sĩ tử như rừng).

Kính tự đình ở Sĩ Lâm vào năm Dân Quốc thứ 88 đã được xây lại, nó có ba tầng hình tứ giác. Tầng thứ nhất là nơi để thu thập giấy có chữ; tầng thứ hai có miệng lò hình vòm để đốt giấy có chữ, tấm biển trên cửa đề “Kính tự đình”, hai bên miệng lò có câu đối “Kính thiên tạ địa vạn vật thốc, tự thượng cú hạ thành minh văn”, tạm dịch là: kính Trời, tạ đất, vạn vật sum họp; trên chữ dưới câu thành minh văn (minh văn là chữ khắc trên đồ vật, bia). Tầng cao nhất là một điện thờ nhỏ, bên trong cung phụng “Thương Hiệt chí Thánh Thần vị”.

Người Việt chúng ta thời xưa cũng rất coi trọng chữ Hán. Chữ Hán được coi là thứ chữ để “chở Đạo” của Thánh hiền, không được vứt một tờ giấy có chữ Hán xuống đất, nếu thấy nó rơi xuống đất thì phải nhặt lên, không được đem sách chữ Nho ra gối đầu…

Người xưa “kính tiếc giấy có chữ”, không tùy tiện vứt bỏ
Ảnh chụp một cụ đồ thời xưa (ảnh Saigonxua)

Nhà văn Nguyễn Tuân kể: “Ngày xưa ra đường, cái điều danh dự tối thiểu của bậc Nho gia chân chính là mỗi khi thấy chữ thánh hiền vương vãi xuống đất phải cúi mình xuống nhặt lên và để vào những cái bồ nhất định”.

Nhà văn Đặng Thai Mai đã mô tả hình ảnh một cụ đồ kính trọng chữ Nho như sau: “Thấy trời sắp mưa mà quần áo còn phơi trên dây, cụ phải sang nhà hàng xóm mượn cái sào dài để khều cái váy của cụ bà vì ‘tay giở sách thánh hiền ai lại đưa ra cầm một cái váy đàn bà’ (…). Cụ bắt học sinh thấy một tờ giấy có dấu chữ thì bất kỳ ở đâu đều phải nhặt bỏ vào một cái sọt riêng mà cụ đặt ở một chỗ cao ráo trong nhà, rồi cứ đến tối ngày rằm là khiêng ra bờ suối mà đốt, đốt xong hốt hết đống tro tàn đổ xuống dòng nước, cho trôi theo ‘trường lưu thủy’”.

Theo Vision Times & tổng hợp

x