Nhân sinh cảm ngộ

Người có thiện niệm, trời tất bảo hộ

13/03/24, 17:14
Người có thiện niệm, trời tất bảo hộ
Người có thiện niệm, trời tất bảo hộ (ảnh minh họa: BAConline)

Thiện niệm của con người là một loại hạt giống, hành thiện là một đóa hoa, thiện báo chính là quả ngọt. Người có thiện niệm, trời tất bảo hộ. 

Kinh Dịch có câu: “Nhân hữu thiện niệm, thiên tất hữu chi, phúc lộc tùy chi, chúng thần vệ chi, chúng tà viễn chi, chúng nhân thành chi”. 

Nghĩa là: Nếu một người có thiện niệm, ông trời tất sẽ bảo hộ, phúc lộc sẽ theo sau, Thần linh cũng sẽ bảo vệ người đó, mọi điều ác sẽ tránh xa, tất cả đều sẽ giúp đỡ vị đó. 

Mỗi người sinh ra đều mang trong mình hạt giống lương thiện

Vào thời khắc mỗi người được sinh ra, đều có mang trong mình một hạt giống thiện lương. Nhưng có người lựa chọn vứt bỏ nó, dần dần hướng về cái ác. Có người lựa chọn nuôi dưỡng nó, hoa tự nhiên nở, quả tự nhiên sẽ kết. 

Tâm thiện như hoa nở, phúc báo như suối chảy.

Đạo Đức Kinh có câu: “Thiên đạo vô thân, thường dữ thiện nhân.” Ý nói đạo trời chẳng kể thân quen, thường bên người lương thiện. 

Đạo Trời công bằng, là bởi người lương thiện tạo phúc cho chúng sinh; cũng là tự ban ơn cho chính mình, nên thiên đạo ắt coi trọng. Cũng bởi đạo trời công bằng, nên có thể trở thành một người lương thiện hay không chính là dựa vào tự thân chúng ta.

Những việc bạn làm sẽ quyết định vận mệnh của bạn. Phẩm chất nội tâm cao thấp thế nào quyết định vận mệnh nhân sinh rộng hẹp thế ấy. 

Người lương thiện đường đời luôn có lối thoát, không sợ thiếu tri kỷ

Điểm mấu chốt nằm ở một chữ “thiện”. Giữ thiện niệm trong tâm cũng không phải chuyện gì quá khó, quan trọng ở sự “lựa chọn”.

sống lương thiện; người thiện lương; người tốt việc tốt
Lương thiện hay ích kỷ chỉ là sự lựa chọn (ảnh: Toplist)

Không vì tiền tài mà tính kế người khác, không bởi lợi ích mà làm tổn hại người. Đừng dùng thủ đoạn để hãm hại, đừng dở trò tâm cơ để giày vò người khác. 

Khi có thể đơn giản thì đừng mưu mô; khi có thể lương thiện thì đừng sinh ác niệm; khi có thể chân thành thì đừng đạo đức giả.

Hiếu kính với cha mẹ, quý trọng bạn đời, chân thành với bạn bè, nhiệt thành với đồng nghiệp.

Khi bạn tử tế và luôn quan tâm đến mọi người xung quanh, đường đời sẽ luôn có lối thoát và không sợ thiếu tri kỷ bên cạnh.

Trao đi yêu thương và những điều tốt đẹp, bạn sẽ cảm thấy tâm hồn vui vẻ, may mắn cũng theo đó mà đến bên bạn. 

Một thiện niệm, một lời nói thiện lành, tốt cho cả mình và người khác, còn có thể cùng họ kết một đoạn thiện duyên. 

Giữ gìn thiện niệm và làm nhiều việc tốt thì bạn mới có thể cảm thụ được hạnh phúc nhân sinh.

Tăng Tử nói: “Nhân nhi hảo thiện, phúc tuy vị chí, họa kì viễn hĩ.” Nghĩa là: Nếu trong tâm có thiện niệm thì phúc chưa đến nhưng tai họa cũng đã tránh xa.

Cả đời con người đều theo đuổi những điều may mắn tốt lành. Kỳ thực phúc báo không phải ở người khác hay nơi nào cả, mà ở chính sự tu dưỡng của bản thân mình. 

Người có thiện niệm, trời tất bảo hộ, phúc báo sẽ theo sau

Trong “Cảnh thế thông ngôn” ghi chép lại một câu chuyện cổ như sau:

Thời xưa, ở phía đông thành Vô Tích, có một người tên Lữ Ngọc. Hai vợ chồng ông có duy nhất một đứa con trai, tên là Hỉ Nhi. Khi Hỉ Nhi khoảng 3 – 4 tuổi, trong lúc đi xem hội đèn lồng đã bị bọn buôn người bắt cóc. 

Hai vợ chồng Lữ Ngọc tìm kiếm khắp nơi nhưng không tìm thấy, đành vay tiền một gia đình giàu có và đi tìm con ở nơi khác.

Đường đi núi sông gập ghềnh, tiền không đủ, dọc đường hai vợ chồng phải buôn bán nhỏ để kiếm tiền làm lộ phí, cuộc sống rất khó khăn.

Một hôm, khi đang đi vệ sinh, ông nhặt được một chiếc túi vải màu xanh rất nặng, bên trong có hai trăm lạng bạc.

Lữ Ngọc tuy nghèo, nhưng tiền không phải của mình thì không thể lấy; nên ông đã đợi bên ngoài nhà vệ sinh một ngày, cuối cùng cũng trả lại được tiền cho người đã đánh mất. 

Người mất tiền kia vô cùng cảm kích nên đã nhiệt tình mời Lữ Ngọc đến nhà mình; khoản đãi rượu thịt, còn muốn tặng tiền báo đáp. 

Lữ Ngọc nhất định không nhận, người kia cảm thấy Lữ Ngọc là người có nhân phẩm đáng quý; liền hỏi ông có con trai không, vì trong nhà có một cô con gái, muốn cùng Lữ Ngọc kết thông gia. 

Nhắc tới chuyện thương tâm, Lữ Ngọc xúc động vô cùng; liền kể lại câu chuyện về đứa trẻ bị bắt cóc, và ông đã bôn ba tìm con khắp nơi cho đối phương nghe. 

Người mất tiền kia biểu lộ sự thương cảm, tỏ ý muốn đưa một bé trai giúp việc vặt trong nhà cho Lữ Ngọc làm con nuôi, sau này phụng dưỡng như cha mẹ. 

Ông trời có mắt, đứa bé mà người kia đưa cho Lữ Ngọc lại chính là Hỉ Nhi- đứa con đã bị bắt cóc của ông. 

sống lương thiện; người thiện lương; người tốt việc tốt
Sau này Hỉ Nhi thành thân với con gái của người đánh mất tiền kia, hai bên gia đình kết thành thông gia, hạnh phúc viên mãn (ảnh minh họa: Pinterest)

Câu chuyện kết thúc có hậu, Hỉ Nhi đính ước với con gái của người chủ. Sau này hai nhà trở thành thông gia, con cái của cặp đôi trẻ sau này cũng đều trở thành nhân tài. 

Có thể thấy, người có thiện niệm, hành động thiện lương, thì không chỉ phúc báo cho bản thân mà còn phúc báo cho cả gia đình, và thậm chí còn tạo phúc cho con cháu đời sau. 

Theo Vision Times

x